Duy trì, phát triển nghề thủ công ở các làng bản

Chuyên đề “Bảo tồn nghề truyền thống ở Tây Bắc” đăng trên Báo Tin tức Cuối tuần số 14, đề cập đến những khó khăn và nguy cơ dẫn đến sự mai một nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc Sự cần thiết phải bảo tồn nghề truyền thống vùng Tây Bắc, và nên bảo tồn thế nào là vấn đề mà nhiều người quan tâm. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trao đổi với PV báo Tin Tức về vấn đề này.

Xin ông cho biết sự cần thiết phải bảo tồn các nghề truyền thống vùng Tây Bắc?
 
Tôi nghĩ rằng, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nghề thủ công rất quan trọng. Từ trước đến nay, các dân tộc sống tự cung tự cấp, nên trong các thôn, bản, trong từng khu vực họ phải có các nghề khác nhau, để thỏa mãn nhu cầu về các đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, các nghề thủ công giữ vai trò rất quan trọng để đảm bảo đời sống cho họ. Từ trang trí, ăn mặc... đều phải phụ thuộc những nghề thủ công của đồng bào.
 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Đã có một thời gian, ta sai lầm khi cứ mang cuốc, xẻng ở miền xuôi lên vùng Tây Bắc để bán cho bà con làm nương và làm ruộng. Nhưng tất cả các nông cụ đó đa phần không thích hợp với sản xuất ở miền núi, không phù hợp với thói quen lao động của đồng bào, vì lưỡi cuốc ở đồng bằng khác cuốc ở vùng miền núi Tây Bắc, hoặc những lưỡi cày nổi tiếng như lưỡi cày của đồng bào Mông, được đồng bào chế tác đặc thù để có thể cày trên những thửa ruộng bậc thang hẹp, luồn lách qua những tảng đá... đó là những lưỡi cày được đồng bào làm với chất lượng cao, phù hợp điều kiện của từng địa phương, và đó là những tri thức bản địa rất độc đáo, hoặc những con dao quắm dùng để phát nương, làm rẫy...
 
Một số nghề thủ công tinh túy khác, như nghề làm đồ bạc, tạo ra những cái cúc bạc trên những tấm áo của đồng bào, đó là nghề rất độc đáo, được cha truyền con nối... Chính vì vậy, nếu chúng ta không chú ý đến nghề thủ công một cách đúng mức, sẽ làm mất đi những giá trị về mặt vật chất, cũng như giá trị tinh thần, giá trị văn hóa phi vật thể của tất cả các vùng.
 
Việc bảo tồn nghề truyền thống vùng Tây Bắc có tầm quan trọng như thế nào đến việc gìn giữ văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, thưa ông?
 
Văn hóa truyền thống của đồng bào dựa vào nhiều yếu tố và các nghề thủ công là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Các nghề thủ công ở mỗi ngành nghề khác nhau, đều tích lũy một hệ thống tri thức rất khác nhau. Mỗi một nghề thủ công của đồng bào, là sản phẩm tri thức, là kỹ năng, kỹ thuật được tích lũy từ hàng ngàn đời trước, và đó là những tri thức vô cùng quý giá, mà trong cuộc sống hiện nay, nhiều người không nhìn thấy hết được giá trị của các nghề thủ công đó.
 
Chẳng hạn như nghề dệt vải, nghề làm thổ cẩm, với mỗi một dân tộc, mỗi một mẫu mã thêu, một họa tiết hoa văn đều có những ý nghĩa khác nhau, ngay cả cách tạo ra các màu sắc của mỗi dân tộc cũng khác nhau, đó đều là những tri thức vô cùng quý giá của đồng bào. Hoặc những tri thức để tạo ra các sản phẩm đồ rèn có độ bền cao, nghề đúc bạc của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc... có ý nghĩa đặc biệt. Đó là tri thức của văn hóa truyền thống, đó cũng là tri thức về vật chất, nhưng những vật chất đó hoàn toàn mang tính văn hóa và cần phải giữ gìn.
 
Trên thế giới, những giá trị văn hóa của các dân tộc nói chung, nghề thủ công truyền thống nói riêng có ý nghĩa vô cùng lớn, bởi nó làm cho bức tranh văn hóa thêm đa dạng, tạo ra những sản phẩm riêng, sản phẩm độc đáo đối với mỗi dân tộc, với mỗi vùng, và đó chính là văn hóa, chính là thế mạnh cần phát huy. Nếu chúng ta bảo tồn và phát huy được những nghề truyền thống của đồng bào, thì những giá trị đó vừa là bản sắc văn hóa, vừa trở thành công cụ sinh kế của các dân tộc. Những nghề thủ công có thể tạo ra những đồ lưu niệm, tạo ra những sản phẩm tốt bán được ở địa phương, bán cho du khách...

Đồng bào dân tộc Thái ở làng nghề dệt thổ cẩm Châu Tiến, Quỳ Châu (Nghệ An) chia sẻ kinh nghiệm làm các sản phẩm thổ cẩm có chất lượng tốt.

Theo ông, để bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống vùng Tây Bắc, chúng ta phải làm gì và nên làm như thế nào?
 
Đối với việc bảo tồn nghề truyền thống vùng Tây Bắc nói riêng, cũng như nghề truyền thống của các dân tộc nói chung, chúng ta đừng nghĩ nhiều đến vấn đề xây dựng các làng nghề, hoặc phải phát triển thành làng nghề... vì các làng nghề không thích hợp hoặc không phù hợp với các vùng dân tộc. Điều chúng ta cần làm là hãy cố gắng, phát huy và duy trì phát triển các nghề thủ công ở các gia đình và ở các làng, bản.
 
Nếu cứ nghĩ đến việc phát triển thành một làng nghề, và cứ đi tìm làng nghề đó, thì đó là sai lầm và sẽ thất bại. Điều quan trọng nhất hiện nay, là chúng ta cần cố gắng gạn đục, khơi trong, tìm kiếm nghệ nhân, thợ thủ công ở các gia đình, các làng bản, khơi gợi giúp họ giữ nghề và phát triển, thì việc bảo tồn nghề truyến thống của đồng bào các dân tộc sẽ thành công.
 
Hiện nay, có nhiều nghề thủ công truyền thống đang bị mai một, nên ngoài khuyến khích, động viên, chúng ta cần có các chính sách nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm những nghệ nhân, những người nắm vững tri thức ở những nghề truyền thống khác nhau, từ đó xây dựng nên các chính sách hỗ trợ, cũng như xây dựng các dự án giúp họ sản xuất và tiêu thụ trong điều kiện sản xuất mới.
 
Theo tôi, Nhà nước cần có kế hoạch gìn giữ các nghề thủ công truyền thống, trong đó, quan trọng nhất là tạo ra những cơ chế, chính sách đúng và phù hợp để phát huy phát triển những nghề truyền thống. Các cơ quan văn hóa cũng cần tạo ra chính sách, hệ thống tôn vinh đối với các nghề thủ công và các nghệ nhân có công giữ nghề, giúp họ nhận thức được giá trị của các di sản mà họ đang nắm giữ, đồng thời tạo điều kiện để đưa các sản phẩm đó, các nghề thủ công đó đến với các vùng miền khác nhau, đến với du khách.
 
Hiện nay, đang có nhiều tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước cũng rất quan tâm đến những nghề truyền thống này, những tổ chức này chính là những “bà đỡ” để hệ thống nghề thủ công của đồng bào phát triển, đồng thời, đưa các sản phẩm thủ công của đồng bào ra thế giới.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông! 
Phương Lan/Báo Tin Tức
Nghề thủ công độc đáo  của người Nùng
Nghề thủ công độc đáo của người Nùng

Chúng tôi đến xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai vào những ngày hè oi ả, náo nhiệt, khi người Nùng ở đây vừa vui mừng được đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với nghề thủ công truyền thống lâu đời của mình: Nghề Chàng Slaw (nghệ thuật tranh cắt giấy).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN