Đồng Tháp: Nỗ lực phòng, chống sạt lở bờ sông

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Chính quyền địa phương và ngành chức năng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở và giảm thiểu thiệt hại.

Sạt lở liên tục

Chú thích ảnh
Sạt lở bờ kênh Nha Mân - Tư Tải, đoạn thuộc ấp Tân Hựu, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành (Đồng Tháp), nhấn chìm kho vật tư nông nghiệp và tiệm sửa xe máy. 

Ngày 9/6/2023, khu vực bờ sông Nha Mân - Tư Tải (đoạn thuộc ấp Tân Hựu, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) xảy ra vụ sạt lở đất với chiều dài khoảng 30 m, "ăn" sâu vào bờ từ 4 - 5 m, uy hiếp tuyến đường ĐT 854 (nối huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp với huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long). Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng làm kho chứa vật tư nông nghiệp của ông Võ Văn Công và tiệm sửa xe gắn máy của anh Lương Tấn An cùng ngụ tại địa phương bị nhấn chìm xuống kênh. Ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 500 triệu đồng.

Gần sát điểm sạt lở nói trên, ngôi nhà của ông Trần Ngọc Điệp (ngụ xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Ông Điệp chia sẻ: “Thấy tình hình quá nguy hiểm nên ban đêm tôi không dám ngủ ở nhà, phải đi ngủ nhờ nhà người quen. Hoàn cảnh kinh tế của tôi quá khó khăn, rất mong chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ tôi có nơi ở mới an toàn hơn”.

Trước đó (ngày 21/5/2023), khu vực bờ sông Cần Lố (đoạn gần Đình thần Trà Bông, thuộc xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh) xảy ra sạt lở, gây thiệt hại về tài sản khoảng 500 triệu đồng. Đoạn sạt lở có chiều dài 40 m, lấn vào đất liền từ 3 - 5 m, làm hư hỏng nặng 2 ngôi nhà của hộ ông Võ Văn Dũng và Nguyễn Văn Trung; khoảng 160 m2 đất sụp xuống sông Cần Lố. Hơn 1 tuần trước đó, cũng tại khu vực bờ sông Cần Lố (đoạn gần chợ Nhị Mỹ) đã xảy ra sạt lở dài khoảng 30 m, “ăn” sâu vào mặt đường bờ Tây sông Cần Lố, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông, nhấn chìm 135 m2 đất, uy hiếp 5 căn nhà của người dân.

Sông Cần Lố là một trong những sông lớn, thuộc địa bàn huyện Cao Lãnh do cấp tỉnh quản lý. Những năm gần đây, khu vực bờ sông này xảy ra nhiều vụ sạt lở, gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hiện nay, bờ sông Cần Lố tiếp tục xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh Huỳnh Thanh Sơn cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực sạt lở cũng như có giải pháp hữu hiệu khắc phục sạt lở, thời gian tới, UBND huyện đề nghị Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan xem xét, hỗ trợ địa phương khảo sát thực tế và kinh phí khắc phục sạt lở.

Ông Huỳnh Minh Đường, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ sạt lở ở các sông, kênh, rạch thuộc các xã Phương Trà, Tân Hội Trung, An Bình, Tân Nghĩa, Nhị Mỹ, Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh); xã Tân Phú Đông, Tân Quy Tây (thành phố Sa Đéc); xã Hòa Tân, Phú Long, An Khánh, Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành) với chiều dài sạt lở gần 600 m, diện tích hơn 2.000 m2, làm sập 5 căn nhà, ảnh hưởng trực tiếp trên 15 hộ dân, ước thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Đáng quan tâm, chỉ trong vòng hơn 2 tháng (từ ngày 28/3 - 6/6), riêng huyện Cao Lãnh đã xảy ra 12 vụ sạt lở, chiều dài 345 m, diện tích sạt lở là 1.285 m2, nhiều hộ phải tháo dỡ, di dời nhà.

Theo Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, năm 2022, trên địa bàn xảy ra sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu có tổng chiều dài hơn 27 km, “ăn” vào bờ từ 0,3 - 22 m (thuộc 21 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố), diện tích đất bị mất trên 3,2 ha, gây thiệt hại về vật chất ước tính gần 7 tỷ đồng, 19 hộ bị ảnh hưởng và được di dời đến nơi ở an toàn. Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng với tổng chiều dài 21,7 km (tăng 19,5 km so với năm 2021), sạt lở sâu vào bờ từ 0,5 - 6 m. Tổng diện tích sạt lở 3,13 ha, ảnh hưởng trực tiếp đến 5 hộ dân, thiệt hại về vật chất ước tính 6,37 tỷ đồng (tăng 5,12 tỷ đồng so với năm 2021).

Chủ động ứng phó sạt lở

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ sạt lở bờ kênh Nha Mân - Tư Tải, đoạn thuộc ấp Tân Hựu, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành (Đồng Tháp). 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan cho biết, nguyên nhân sạt lở trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu; đồng thời do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra. Sạt lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định, nơi dòng sông hẹp, thắt “cổ chai” và do các dòng sông bị “đói” phù sa. Bên cạnh đó còn do các hoạt động của con người như: nuôi thủy sản dọc theo bãi bồi ven sông không theo quy hoạch hoặc không theo hướng dẫn của ngành chức năng; xây dựng nhà ở, công trình ven bờ sông lấn chiếm mặt sông. Ngoài ra, biến đổi khí hậu (sụt lún đất, biến động lượng mưa, ảnh hưởng dòng thấm do mưa đầu vụ…) cũng có những tác động đến quá trình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh.

Việc sạt lở bờ sông cũng xuất phát từ nguyên nhân khi thi công các công trình nạo vét lòng sông, công tác giải phóng mặt bằng chưa thực hiện đúng hồ sơ thiết kế; còn tình trạng hút bùn, nạo vét lòng sông, kênh, rạch trái phép. Đa số các công trình giao thông nông thôn thường nằm sát bờ sông; trong khi đó, chưa quản lý chặt tải trọng phương tiện trên đường bộ...

Để phòng, chống sạt lở, chính quyền địa phương và ngành chức năng tỉnh đã tăng cường quản lý việc khai thác cát, xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm sông, kênh, rạch; áp dụng biện pháp công trình và phi công trình nhằm xử lý sạt lở... Những năm qua, từ hỗ trợ của Trung ương, Đồng Tháp đã thực hiện nhiều công trình kè nhằm xử lý tình trạng sạt lở với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều công trình kè phát huy tác dụng như: kè Hồng Ngự, kè Sa Đéc, kè An Hiệp (huyện Châu Thành). Địa phương đang thực hiện các công trình kè Hổ Cứ (thành phố Cao Lãnh), kè chợ Bình Thành đến vàm Phong Mỹ (thuộc huyện Cao Lãnh và Thanh Bình), kè sông Tiền (đoạn thuộc xã Tân Mỹ và Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò)…

Cùng với đó, tỉnh khuyến khích người dân trồng các loại cây có khả năng giữ đất, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch; trong đó có cây bần - loại cây quen thuộc với người dân vùng sông nước miền Tây. Tuyến kênh Ông Hộ (xã Tân Quy Tây, thành phố Sa Đéc) có nhiều điểm bị sạt lở nên khoảng 8 năm trước, một số người dân nơi đây đã trồng bần. Chủ tịch UBND xã Tân Quy Tây Phan Thanh Vũ cho hay: “Nhìn chung, việc trồng bần để giữ đất là giải pháp hiệu quả. Gần đây, xã đã triển khai trồng thêm cây bần ven kênh Ông Hộ và một số tuyến kênh khác được khoảng 2.400 cây”.

Nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang khẩn trương trồng cây bần để góp phần chống sạt lở. Huyện Cao Lãnh sẽ thực hiện dự án trồng 38.000 cây bần trong tháng 7/2023; huyện Lai Vung đã trồng 5.000 cây bần dọc các tuyến kênh, rạch có nguy cơ sạt lở. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đánh giá, cây bần có nhiều đặc điểm có thể giữ được đất nên địa phương chọn trồng loại cây này. Đây là giải pháp bền vững, ít tốn kém và mang lại hiệu quả rất cao trong việc phòng, chống sạt lở. Năm 2023, toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 120.000 cây bần.

Bài và ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Hỗ trợ di dời 8 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ kênh Rạch Giá - Long Xuyên
Hỗ trợ di dời 8 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ kênh Rạch Giá - Long Xuyên

Chiều 12/6, ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, đơn vị đang phối hợp các ban, ngành, thành phố Long Xuyên khẩn trương rà soát, theo dõi, cập nhật tình hình thiệt hại do sạt lở đất bờ kênh Rạch Giá - Long Xuyên, thuộc khu vực Tổ 15, ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN