Đồng bào Khmer ở Kiên Giang không ngại vượt khó cho con học hành

Với mong muốn con em mình có kiến thức để sau này được một tương lai tốt đẹp, nhiều gia đình dân tộc Khmer trên địa bàn xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang không ngại gian khó để lo cho các con ăn học.

Ông Khưu Minh Anh, Chủ tịch Hội khuyến học xã Định Hòa cho biết, chuyện học của con em, đặc biệt là đối với đồng bào Khmer trên địa bàn xã trước đây rất khó khăn; một phần do đường sá đi lại không thuận tiện, mặt khác đa số các hộ ở đây còn nghèo khó.

Từ khi xã được Trung ương chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, Định Hòa thay đổi rõ rệt. Nhiều con đường, cây cầu, trường học được sửa chữa, làm mới tạo động lực cho con em đến trường.

Ông Hoa, bà Thương rất tự hào về thành tích học tập các con.

Đến nay, toàn xã có 995 hộ gia đình hiếu học, trong đó có 673 hộ gia đình dân tộc Khmer. Điều đáng nói là trong số những gia đình hiếu học có những gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhưng họ quyết tâm không để các con thất học. Điển hình là gia đình ông Danh Chí Hoa và bà Thị Thương, ngụ ấp Hòa Mỹ.

Trong những ngày gần đến Tết cổ truyền Chôl  Chnăm  Thmây 2017, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer (diễn ra từ 14-16/4/2017), mọi người đều chỉnh trang nhà cửa, mua sắm các vật dụng thiết yếu.

Riêng gia đình ông Danh Chí Hoa và bà Thị Thương nằm sâu trong con kênh đào dẫn nước phục vụ sản xuất của Hợp tác xã Hòa Thuận thuộc ấp Hòa Mỹ, xã Định Hòa thì vẫn như mọi ngày. Dù vậy, khi hỏi đến gia đình ông Hoa và bà Thương ai cũng biết. Bởi người dân ở đây ai cũng nể phục với ý chí vượt khó lo cho các con ăn học.

Gia đình vợ chồng ông Hoa, bà Thương có 4 người con, hiện lần lượt thi đậu vào các trường đại học. Con gái lớn Thị Ngọc Trinh, sinh năm 1990, đã học xong Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh; con gái kế Thị Ngọc Trang, cũng đang học tại Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành Bác sĩ đa khoa.

Người con gái kế tiếp là Thị Ngọc Trâm cũng đang học năm thứ Nhất Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành hộ sinh, còn cậu con trai út đang học lớp 6 ở địa phương cũng là học sinh có học lực khá, giỏi.

Nhiều con đường, cây cầu, trường học được sửa chữa, làm mới tạo động lực cho con em đến trường.

Chia sẻ với chúng tôi về chuyện học của các con, bà Thị Thương chỉ nói đơn giản: “Đời mình ít học nên nghèo khó đã khổ, chỉ mong con mình có kiến thức để sau này có công việc ổn định không vất vả nghèo khổ như cha mẹ nó”. Cũng từ suy nghĩ đó mà suốt thời gian qua không kể vất vả khó khăn, vợ chồng ông Hoa bươn trải từ việc trồng rau màu đến đi làm thuê mướn đủ công việc để có tiền lo cho các con ăn học.

Cuộc sống khó khăn nên tích cóp được bao nhiêu ông bà cũng tằn tiện để gửi cho con, có khi không đủ phải đi hỏi vay bên ngoài. Dù vất vả thế nhưng khi nghĩ đến ngày các con sẽ tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định để lo cuộc sống bản thân ông bà Thương cảm thấy rất vui, bao nhiêu vất vả cũng được trả xứng đáng.

Bà Thương bộc bạch: “Trước đây cha mẹ mình cũng khó khăn không lo được cho mình học hành, tôi chỉ học được hết lớp 9, còn chồng học hết lớp 11 rồi nghỉ, không có điều kiện ra huyện, tỉnh học. Giờ dù có khó khăn đến mấy cũng phải ráng lo cho các con học thành tài để sau này không còn khổ như cha mẹ nữa. Bởi có học mới thoát được cảnh nghèo khó. Suy nghĩ như vậy nên mọi vất vả của vợ chồng tôi đều qua hết”.

Thấu hiểu sự vất vả của cha mẹ, các con của ông bà đều chăm ngoan học giỏi. Do gia đình thuộc diện hộ nghèo nên các con của vợ chồng bà Thương được miễn học phí, chỉ lo tiền sinh hoạt ở ký túc xá. Tranh thủ thời gian, các em còn đi làm thêm có tiền để trang trải chi phí học tập. Cũng nhờ biết suy nghĩ cố gắng học hành, nhất là nghĩ đến hoàn cảnh gia đình và sự yêu thương chăm lo của cha mẹ, nên các em đều có thêm động lực vượt khó.

Ngoài gia đình ông Danh Chí Hoa, bà Thị Thương ở xã vùng sâu, vùng đông đồng bào Khmer Định Hòa còn không ít trường hợp gia đình dù nghèo khó nhưng vẫn quyết tâm cho con ăn học tới nơi tới chốn. Nhiều người con Định Hòa đã đỗ đạt thành tài, có nhiều đóng góp cho xã hội. Tinh thần hiếu học của những gia đình như vậy thật đáng biểu dương và nhân rộng, lan tỏa truyền thống hiếu học ở địa phương để ngày càng nhiều nhân tài phục vụ cho quê hương, đất nước.

Bài, ảnh: Lê Sen (TTXVN)
Lan tỏa phong trào xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học
Lan tỏa phong trào xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học

Ngày 16/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận phối hợp với Hội khuyến học tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết chương trình phối hợp xây dựng "Gia đình hiếu học, dòng họ, thôn, khu phố khuyến học", giai đoạn 2008- 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN