Để du lịch Tây Bắc phát triển đúng tầm

Tuy giàu tiềm năng, phong phú và đa dạng về tài nguyên du lịch nhưng vùng Tây Bắc chưa khai thác được hết hiệu quả, chưa phát triển xứng tầm cả về quy mô và tính chất. Đây là nhận định của các đại biểu tại hội nghị “Quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch vùng Tây Bắc” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 23/11, do Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp cùng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức.


Chưa phát huy được lợi thế

Tây Bắc được biết đến là một vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, các lễ hội giàu bản sắc văn hoá của hơn 30 dân tộc anh em trong một không gian văn hóa rộng lớn, phong phú. Tây Bắc còn có các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch được xác định gắn liền với những giá trị hào hùng về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, với những địa danh lịch sử có giá trị đặc biệt hấp dẫn du lịch như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pắc Bó - Cội nguồn Cách mạng Việt Nam (tỉnh Cao Bằng); khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang (tỉnh Điện Biên); Đền Hùng và hệ thống di tích thời đại Hùng Vương, nơi có hai di sản văn hóa phi vật thể của thế giới là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ)...

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hội nghị.

Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự hội nghị, vùng Tây Bắc chưa phát triển xứng tầm cả về quy mô và tính chất, sức cạnh tranh kém so với các vùng du lịch khác trong cả nước. Theo đó, hiệu quả kinh tế du lịch còn khiêm tốn, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế địa phương; điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm du lịch còn đơn giản, rời rạc, chất lượng chưa cao, chưa có thương hiệu thu hút thị trường trong và ngoài nước.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc, đánh giá: “Đến nay hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư của các địa phương vùng Tây Bắc còn chưa đạt được kết quả như mong muốn, có thời điểm chưa tạo được sức lan toả và chiều sâu để mời gọi, thu hút đầu tư. Hoạt động liên kết phát triển du lịch ở vùng Tây Bắc đã xuất hiện, song hầu như mới chỉ dừng lại ở hình thức, trao đổi kinh nghiệm, chưa huy động được nguồn lực và khuyến khích sáng tạo để đầu tư, hiệu quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, các hiệp hội du lịch hoạt động chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa tập trung và liên kết được các doanh nghiệp, nguồn lực còn hạn hẹp; có tỉnh chưa thành lập được hiệp hội. Một số doanh nghiệp của tỉnh hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn nhỏ lẻ, chưa bền vững và chưa đủ sức vươn tới các thị trường ngoài tỉnh. Nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao”.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra rằng, sự tham gia của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp vào phát triển kinh tế du lịch Tây Bắc còn ít về số lượng, chất lượng hoạt động chưa được như mong muốn. Một số địa phương không “giữ chân” được doanh nghiệp vì những hạn chế trong chính sách thu hút đầu tư cũng như sự quan tâm chưa đầy đủ, thiếu chiều sâu của chính quyền sở tại đối với doanh nghiệp.

Giải quyết bài toán hạ tầng

Đại diện các tỉnh vùng Tây Bắc và doanh nghiệp lữ hành du lịch TP Hồ Chí Minh tham gia hội nghị cũng đã chỉ ra du lịch vùng Tây Bắc chưa phát triển đúng tầm là do hạ tầng giao thông chưa phát triển nên chưa kết nối được các điểm đến của vùng du lịch. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc công ty du lịch Vietravel, nói: “Chúng tôi cần kết nối các tuyến, điểm du lịch, các danh lam thắng cảnh trở thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn thì rất cần có giao thông thông suốt. Nhưng vì giao thông còn hạn chế và bị chia cắt về địa hình đã khiến cho việc thông thương giữa Tây Bắc với cả nước nói chung và giữa chính các tỉnh trong nội vùng gặp nhiều khó khăn, rất khó phát triển du lịch. Do vậy, rất cần Chính phủ, địa phương vùng Tây Bắc tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng”.

Tại hội nghị, đại diện Bộ GTVT khẳng định rằng, với kết cấu hạ tầng giao thông như hiện nay đã giải quyết được cơ bản nhu cầu đi lại nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và du lịch. Bởi về quy hoạch, hệ thống giao thông đã tương đối hoàn chỉnh, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các quy hoạch phát triển quốc gia có liên quan. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch còn nhiều khó khăn do nguồn lực còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo đó, đại diện Bộ GTVT cũng đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường có vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư theo hình thức BOT để sớm đưa các công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả vốn đầu tư như: cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Bắc Giang - Lạng Sơn và Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Cạn); cải tạo nâng cấp đường Hồ Chí Minh từ QL2 đến Hương Nộn, QL32 từ Cổ Tiết - cầu Trung Hà (Phú Thọ) và QL31 đoạn Bắc Giang - Chũ.

Cũng theo Bộ GTVT, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục đầu tư các dự án mới như quốc lộ 4C Hà Giang - Đồng Văn nhằm khai thác du lịch cao nguyên đá, khu du lịch cột cờ Lũng Cú, nhà gia tộc họ Vương, cửa khẩu Thanh Thủy; quốc lộ 4D đoạn Bản Phiệt – cửa khẩu Sín Tẻn, đi qua Mường Khương cũng là nơi có tiềm năng phát triển du lịch khá tốt; quốc lộ 32 đoạn Đèo Khế - Tú Lệ, sẽ giúp cho lưu thông lên Mường Lò, Tú Lệ và Than Uyên được thuận lợi; quốc lộ 15 đoạn Hòa Bình - Thanh Hóa qua Mai Châu nơi có nền văn hóa đặc trưng của người Thái; quốc lộ 43 đoạn Mộc Châu – cửa khẩu Loóng Sập nơi tổ chức tết hàng năm của người Mông.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để du lịch vùng Tây Bắc phát triển, các cơ quan ban ngành cần tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển du lịch. Có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích đầu tư vào phát triển các khu, điểm du lịch quốc gia. Tập trung phát triển sản phẩm đặc thù gắn với đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch vùng Tây Bắc. Tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong vùng, liên vùng, đặc biệt là liên kết với TP Hồ Chí Minh trong quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch. Bởi TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, thương mại và du lịch hàng đầu của cả nước, với tiềm lực kinh tế và hệ thống doanh nghiệp mạnh, năng động cùng bề dày kinh nghiệm sẽ có vai trò tích cực thúc đẩy, đầu tư vào du lịch vùng Tây Bắc.



Bài và ảnh: Anh Đức - Hoàng Tuyết
Niềm vui trong những ngôi nhà 167 ở vùng Tây Bắc
Niềm vui trong những ngôi nhà 167 ở vùng Tây Bắc

Nhờ có những ngôi nhà 167 mà cuộc sống người dân đã từng bước được cải thiện, không ít hộ nghèo đã thoát nghèo từ chương trình này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN