Đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua việc tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân các dân tộc vùng biên giới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc đã được triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong đồng bào

Tăng cường tuyên truyền, vận động

Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, thời gian qua vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Tây Bắc cơ bản ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Các địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện các chính sách dân tộc như: Nghị định 05/2011/NĐ - CP của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc; Chỉ thị số 28/CT - TTg ngày 10/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; Kế hoạch thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; các chương trình dự án, chính sách dân tộc đã góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống của đồng bào. Cùng với việc thực hiện hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đời sống cho đồng bào, các lễ hội truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển, đã tạo động lực phát triển một cách toàn diện ở vùng đồng bào DTTS.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên thăm hỏi và tuyên truyền pháp luật cho bà con dân tộc Hà Nhì.


Năm 2016, việc đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm về trật tự xã hội được triển khai đồng bộ, lực lượng chức năng đã phối hợp điều tra, làm rõ 6.874/8.233 vụ phạm pháp hình sự; bắt, xử lý 68.745 đối tượng. Phát hiện trên 4.500 vụ buôn bán vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, bắt giữ 6.062 đối tượng, thu 261,13 kg hêrôin, 89,9 kg thuốc phiện, 72 kg cần sa, 152 kg và trên 287,7 nghìn viên ma túy tổng hợp. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị đã phối hợp quán triệt, triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội và xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217 - QĐ/TW và Quyết định 218 - QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI). Tuy nhiên hoạt động của các loại tội phạm chưa giảm, sự chống phá của các thế lực phản động có nhiều diễn biến phức tạp. Hoạt động lợi dụng tôn giáo trên địa bàn các tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, các hệ phái Tin lành tiếp tục có các hoạt động tranh giành, lôi kéo tín đồ và tổ chức các lớp giáo lý, giáo luật, đưa người đi đào tạo tại các trung tâm tôn giáo, tụ tập sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật. An ninh trật tự còn nhiều nhân tố gây mất ổn định trật tự xã hội, nhất là tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép các chất ma túy; mua, bán người. Tình trạng di cư tự do diễn biến phức tạp...

Nhằm tiếp tục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, một số tỉnh trong vùng Tây Bắc đã có Đề án, kế hoạch triển khai tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2017 - 2021. Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện tại 11 huyện, thị xã biên giới, ven biển bằng các hình thức: Tổ chức các lớp tập trung, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, cấp phát sách, tờ rơi, tờ gấp theo các nhóm đối tượng là các cán bộ nhân dân khu vực biên giới đất liền, cán bộ nhân dân khu vực biên giới biển và ngư dân đi biển dài ngày; các đối tượng vi phạm pháp luật ngay tại địa phương. Các đồn, hải đội Biên phòng, các đơn vị công an, quân đội và UBND các xã, phường ở khu vực biên giới, ven biển tổ chức sinh hoạt “Ngày Pháp luật” theo định kỳ mỗi tháng ít nhất 1 lần.

Bên cạnh đó, các đồn, hải đội Biên phòng nâng cao chất lượng hoạt động của câu lạc bộ tư vấn pháp luật, hướng nghiệp để phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng tham gia. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt lưu diễn văn nghệ kết hợp với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hình thức sân khấu hóa; kiện toàn, bồi dưỡng hạt nhân của tổ tuyên truyền văn hóa tại đơn vị để phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng tham gia. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thông qua các hoạt động công tác hàng ngày để lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật thông qua thực hiện công tác chuyên môn tới nhân dân các xã, phường, biên giới... Đáng chú ý do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn, các đồn Biên phòng tuyến biên giới các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, phía Tây của tỉnh Thanh Hóa... đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân giao nộp hàng nghìn khẩu súng tự chế các loại...

Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiến hành có hệ thống, thiết thực, hiệu quả, nâng cao nhận thức cho đồng bào; tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021”. Đề án thực hiện từ năm 2017 đến hết năm 2021 trên địa bàn 52/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Công an huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu kiểm tra số súng tự chế được thu giữ.


Ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước; vận động đồng bào các dân tộc xây dựng xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, nhằm ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, triển khai sâu rộng, toàn diện và tăng cường nguồn lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Đề án. Phấn đấu đến năm 2021 có 100% cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương được phổ biến, giáo dục pháp luật và cung cấp thông tin rộng rãi về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc với nội dung và hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật.

Trên 80% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ phổ biến pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi được cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về phổ biến pháp luật và tuyên truyền, vận động về lĩnh vực công tác dân tộc, theo yêu cầu nhiệm vụ. Trên 70% đồng bào vùng DTTS và miền núi được phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Khuyến khích các cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng, duy trì chương trình, chuyên trang, chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động về công tác dân tộc, chính sách dân tộc để nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng DTTS và miền núi. Chú trọng công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS rất ít người và những địa bàn xung yếu. Triển khai xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp với phong tục tập quán, địa bàn và nhu cầu của đồng bào vùng DTTS và miền núi.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách dân tộc. Các hoạt động thường xuyên được triển khai trong việc thực hiện nội dung của Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương; đồng thời kết hợp, lồng ghép với các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền đang được triển khai ở vùng DTTS và miền núi. Cũng theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Nông Quốc Tuấn, Đề án này nhằm phổ biến nội dung Hiến pháp, các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vùng DTTS và miền núi.

Chú trọng các nội dung phù hợp với tình hình thực tế ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và vùng duyên hải miền Trung. Tập trung phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng DTTS và miền núi, nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ pháp luật; các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nội dung chính sách, pháp luật về quốc phòng an ninh, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng, chống mua bán người, bạo lực gia đình. Bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; an toàn thực phẩm; an toàn giao thông; về cải cách thủ tục hành chính; về hỗ trợ khởi nghiệp; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; gương người tốt việc tốt trong thực hiện pháp luật.

Tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Chú trọng nâng cao nhận thức về chính sách dân tộc, tạo niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng an ninh, ổn định chính trị vùng DTTS và miền núi. Tuyên truyền sâu rộng các chính sách dân tộc; chú trọng tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135; các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, các dân tộc ít người. Chính sách về giáo dục, y tế, đào tạo nghề nông thôn; các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu; hướng dẫn đồng bào áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đời sống đồng bào vùng DTTS và miền núi.

Lựa chọn xây dựng mô hình điểm ở các xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới; địa bàn xung yếu và nơi có đồng bào DTTS ít người cư trú. Khảo sát, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mô hình thí điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách dân tộc ở các xã tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và vùng duyên hải miền Trung, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện mô hình thí điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở để triển khai nhân rộng...

Đại tá Bùi Gia Lượt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu: Đẩy mạnh tuyên truyền đồng bào giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

Lai Châu là địa bàn rộng, nhiều thành phần dân tộc sinh sống nên để làm tốt công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Công an tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Kế hoạch của Bộ Công an; Chỉ thị của tỉnh về tổng kiểm tra và mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, lực lượng công an tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phù hợp với phong tục, tập quán của từng vùng, từng dân tộc. Tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, người có uy tín tại các vùng dân tộc, khu dân cư; xây dựng mô hình xã, bản điển hình về công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, từ đó nhân rộng ra các địa bàn khác trên phạm vi toàn tỉnh... Lực lượng Công an tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra các loại công cụ hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị được phép trang bị trước đây, nay theo quy định không được trang bị để thu hồi theo Thông tư số 46/2014/TB - BCA của Bộ Công an. Đồng thời tích cực rà soát, nắm tình hình, lên danh sách các hộ dân đang tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vận động họ tự giác giao nộp cho cơ quan chức năng tại địa bàn cơ sở.


Thiếu tá Hoàng Trung Hà, Phó trưởng Công an huyện Nậm Pồ (Điện Biên): Tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp

Các đối tượng lừa nạn nhân, sau đó chủ yếu đưa lên Lào Cai rồi qua đường tiểu ngạch qua biên giới. Đa số các nạn nhân bị bán cho các ổ mại dâm hoặc bán làm vợ. Theo số liệu của Công an huyện Nậm Pồ, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện đã có 12 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương không rõ lý do; 4 trường hợp vắng mặt lâu ngày nghi bị mua bán; 5 trường hợp bị mua bán trong các vụ án, trong đó hai nạn nhân đã trở về địa phương. Trước tình hình trên, năm 2017, Công an huyện Nậm Pồ đã phá thành công ba chuyên án, bắt 5 đối tượng có hành vi mua bán người, giải cứu thành công hai nạn nhân. Nạn nhân tập trung vào số phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở các thôn bản, vùng sâu, vùng xa thiếu việc làm, trình độ nhận thức hạn chế. Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng phong tục “bắt vợ” của người Mông để thực hiện hành vi lừa đảo. Nhiều trường hợp nạn nhân chủ động hoặc tự nguyện đi theo đối tượng, nguyên nhân là do hoàn cảnh khó khăn, muốn có cuộc sống ổn định hơn.


Ông Lý A Nhị, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu): Chung tay bảo vệ cột mốc biên giới

Đồng bào dân tộc Dao, bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ chúng tôi luôn tự hào vì có một cột mốc biên giới: Cột mốc đôi 67(2) ở ngay trước cửa nhà tôi, dưới bóng mát của những tán cây to. Hàng ngày bọn trẻ trong bản thường nô đùa, ngồi chơi ngay bên cột mốc 67(2). Cột mốc không cần rào chắn nhưng bà con dân bản Hùng Pèng luôn thay nhau canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia như tài sản của nhà mình. Nếu có gì bất thường, chúng tôi sẽ báo ngay cho bộ đội biên phòng biết. Có lần khi đi làm nương chuối cạnh mốc 67(2), tôi phát hiện một số người lạ mặt ở nơi khác vào sát khu vực cột mốc để tìm đất ở, phát nương trái phép. Tôi đã trực tiếp giải thích cho họ hiểu chủ trương của Đảng và Nhà nước về định canh, định cư; đồng thời báo cho bộ đội biên phòng, chính quyền xã để có biện pháp ngăn chặn. Bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh trật tự bản làng cũng giống như bảo vệ bờ rào ở mỗi gia đình. Mình bảo vệ, giữ gìn thì của cải trong nhà sẽ không bị mất đi.


Viết Tôn /Báo Tin Tức
Phổ biến giáo dục pháp luật vùng biên giới, hải đảo

Đề án "Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013- 2016” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ở khu vực biên giới, ven biển, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN