Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho phụ nữ

Sau một ngày lao động trên nương, 3 mẹ con chị Lữ Thị Phương (53 tuổi) ở bản Na Ca, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, gồm mẹ chồng, con gái và con dâu lại cùng đi học chữ. Đã 3 tháng nay, dù trời mưa hay nắng, 3 mẹ con chị Phương vẫn đến lớp học đều đặn.

Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông con, chị Phương và các con không ai được học chữ. Không biết chữ, chị Phương và con dâu, con gái của chị không đọc được đơn thuốc, nhiều lần còn bị kẻ xấu lợi dụng do không biết chữ; muốn vay vốn ngân hàng chị và các con cũng không biết chữ để ký tên… “Học được cái chữ thật vui, giờ cả 3 mẹ con đều biết đọc, biết ký tên của mình. Mỗi lần đến lớp, được nghe cô giáo giảng, được trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái cũng như chăn nuôi, trồng trọt với các chị em trong bản, tôi cảm thấy rất vui”, chị Lữ Thị Phương chia sẻ.

Một buổi học của phụ nữ bản Na Ca, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An).

Bản Na Ca, xã Châu Hạnh là bản của đồng bào dân tộc Thái, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. 50% phụ nữ ở bản mù chữ hoặc tái mù chữ. Trước thực trạng đó, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quỳ Châu nhận thấy nếu chỉ có tổ chức Hội vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia các lớp học sẽ khó thành công. Huyện Hội đã cùng Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Châu Hạnh, cán bộ Chi hội phụ nữ bản Na Ca trao đổi với Bí thư Chi bộ và Trưởng bản Na Ca để bàn việc vận động học viên tham gia lớp học chống mù chữ. Các ngành, đoàn thể đã vận động được 113 thành viên tham gia. Cuối đợt học hầu hết các học viên đều biết đọc, biết viết.

Quỳ Châu là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm tỷ lệ gần 90%, số hộ nghèo chiếm trên 50%. Toàn huyện có gần 8.600 hội viên phụ nữ. Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện gặp rất nhiều khó khăn do số phụ nữ từ 15 - 60 tuổi mù chữ và tái mù chữ, chiếm tỷ lệ gần 14%, chủ yếu tập trung ở phụ nữ dân tộc Thái. Từ thực trạng đó, năm 2013, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện xác định muốn chuyển tải hoạt động của tổ chức Hội đến hội viên thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải vận động phụ nữ tham gia công tác xóa mù chữ.

Ba mẹ con chị Lữ Thị Phương ở bản Na Ca, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) được đi học cái chữ.

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện xây dựng kế hoạch thực hiện, hướng dẫn Hội phụ nữ các xã triển khai. Để khắc phục khó khăn, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo để tư vấn chương trình, nội dung xóa mù chữ và cung cấp tài liệu phục vụ lớp học xóa mù chữ. Riêng kinh phí để trang trải cho các lớp học, Hội phụ nữ huyện huy động từ nguồn nuôi lợn tiết kiệm của cán bộ cơ quan Hội và sự chung tay góp sức của cấp ủy, chính quyền địa phương. Các đồng chí cán bộ chuyên trách Hội phụ nữ chịu trách nhiệm soạn giáo án trực tiếp giảng dạy 2 môn chủ đạo Tiếng Việt và Toán. Mỗi lớp học diễn ra trong thời gian 3 tháng, đều đặn vào các buổi tối trong tuần. Với những nỗ lực của cả học viên và giáo viên, đến cuối đợt học, các học viên đã biết đọc, biết viết tên của mình và tên các thành viên trong gia đình; một số học viên đã biết đánh vần, đọc được tin, bài trên các tờ báo.

Vừa thực hiện, vừa rút kinh nghiệm, từ thành công trong công tác xóa mù chữ ở bản Na Ca, bản Tà Sỏi, xã Châu Hạnh, đến nay Hội phụ nữ huyện Quỳ Châu đã nhân rộng mô hình tại các xã Châu Hoàn, Châu Phong. Hội còn phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng tại địa phương mở 6 lớp học tình thương cho gần 200 hội viên phụ nữ.

Ngoài việc dạy chữ, Hội phụ nữ huyện còn lồng ghép các nội dung tuyên truyền như giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, cách nhận biết hàng hóa hết hạn sử dụng, công tác phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống buôn bán người, 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; lồng ghép sinh hoạt các Câu lạc bộ kế hoạch hóa gia đình không sinh con thứ ba, con hiền dâu thảo, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con khỏe con ngoan… Hội còn phối hợp với trạm khuyến nông hướng dẫn việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; dạy nghề truyền thống dệt thổ cẩm.

“Việc lồng ghép các nội dung sinh hoạt vừa thiết thực, gần gũi với đời sống hàng ngày kết hợp với việc dạy chữ làm cho nội dung bài giảng phong phú, đa dạng, thu hút ngày càng nhiều chị em mọi lứa tuổi tham gia”, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quỳ Châu Lương Thị Phương Anh cho biết.

Bài và ảnh: Bích Huệ
Mở rộng xóa mù chữ cho phụ nữ
Mở rộng xóa mù chữ cho phụ nữ

Sau một ngày lao động trên nương, 3 mẹ con chị Lữ Thị Phương (53 tuổi) ở bản Na Ca, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, gồm mẹ chồng, con gái và con dâu lại cùng đi học chữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN