Cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp

Kể từ khi công cuộc đổi mới ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước được triển khai, vùng đồng bằng sông Cửu Long như được đón “làn gió mới”, đưa vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước vượt qua những chông gai, khẳng định sự trường tồn mạnh mẽ của vùng châu thổ Chín Rồng.

Những tín hiệu tích cực

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có trên 3,8 triệu ha đất nông nghiệp cung cấp lương thực, trái cây, thủy sản lớn, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, thủy sản của quốc gia. Theo đó, những năm qua, ĐBSCL đã đóng góp khoảng 40,7% trong giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp, hơn 53% sản lượng thóc, khoảng 70% sản lượng trái cây, 70% sản lượng thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Nông dân huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) thu hoạch lúa vụ thu đông. Ảnh: Trường Giang-TTXVN

Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang hội nhập sâu, rộng với khu vực thế giới, có thể nói rằng, vùng ĐBSCL có đủ điều kiện trở thành trung tâm chế biến thực phẩm lớn nhất nước tham gia trong chuỗi nông sản toàn cầu. Thế nhưng sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL lại đang đứng trước bối cảnh suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm nguồn nước, tăng chi phí sản xuất và đe dọa tính bền vững của tăng trưởng. Điều này kéo theo hệ quả là chi phí sản xuất nhiều loại nông sản ngày càng cao khiến khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam với vị thế nhà sản xuất “chi phí thấp” bị giảm đi trên trường quốc tế.
Chính vì thế, từ tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn tới năm 2050” với mục tiêu chung là tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên. Bởi nông nghiệp xanh không chỉ tạo ra những sản phẩm sạch, mà còn là yếu tố quan trọng cho sự ổn định kinh tế - xã hội. Đây là hướng đi bền vững và ưu việt nhất để ngành nông nghiệp vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tăng cường xuất khẩu nông sản ra thế giới.

Do vậy, mô hình sản xuất nông nghiệp xanh hay nông nghiệp sinh thái, phòng trừ dịch hại tổng hợp theo hướng GAP… được nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL tập trung triển khai mạnh mẽ hơn kể từ khi có quyết định nói trên nhằm tạo ra nông sản an toàn, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng và giảm tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Có thể dẫn chứng tại tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh đã quy hoạch đến năm 2020 phát triển mở rộng diện tích canh tác lúa - tôm đạt 45.000 ha, sản lượng đạt 200.000 tấn. Trong đó, quy hoạch vùng sản xuất lúa - tôm theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 10.000 ha, sản lượng đạt 50.000 tấn và tăng gấp 10 lần so với năm 2015, tập trung tại 3 huyện Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời bằng việc tận dụng lợi thế phát triển lúa đặc sản, gạo sạch có giá trị kinh tế cao, vì không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.

Tính toàn vùng ĐBSCL, hình thức nuôi tôm kết hợp với trồng lúa thời gian qua phát triển tương đối ổn định, thể hiện tính bền vững, hiệu quả, tăng trưởng nhanh về diện tích, năng suất và sản lượng. Hiện nay, hình thức nuôi chủ yếu là luân canh 1 vụ tôm - 1 vụ lúa, với tổng diện tích toàn vùng hơn 160.000 ha, năng suất 300 - 500 kg/ha, sản lượng trên 60.000 tấn/năm. Hiện các tỉnh nuôi tôm - lúa có diện tích khá lớn là Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Đây là mô hình sản xuất thông minh, thân thiện với môi trường trước bối cảnh tác động bất lợi như xâm nhập mặn, hạn hán, nước biển dâng,… Đồng thời mô hình này còn giúp nông dân thu về nguồn lợi kinh tế chủ lực là tôm và lúa trên cùng diện tích sản xuất với mức ổn định 60 - 70 triệu đồng/ha/năm, giúp xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững.

Ngoài ra, các địa phương trong vùng cũng đã tích cực triển khai đồng loạt nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, như: mô hình “ruộng lúa bờ hoa”, “ba giảm ba tăng”, mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp xanh của hợp tác xã Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang), hợp tác xã Bưởi Năm Roi (tỉnh Vĩnh Long), sản xuất rau an toàn các loại theo hướng GAP tại xã Tân Đông, Gò Công Đông (Tiền Giang), mô hình mẫu sử dụng khí sinh học trong chăn nuôi heo… đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Niềm tin ở tương lai

Có thể nói, những mô hình canh tác sản phẩm nông nghiệp tăng năng suất, chất lượng hiệu quả đã đề cập ở trên đã tạo tiền đề rất lớn cho công cuộc cách mạng “xanh” của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL. Tại ĐBSCL ngày hôm nay những nhà nông bám ruộng đồng từ thời kỳ “con trâu đi trước, cái cày theo sau” cho đến lúc ứng dụng cơ khí hóa vào sản xuất đều biết đến đề án “Tái cơ cầu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững” của Chính phủ. Điều này cho thấy chính sách lớn đã có sức lan tỏa mạnh mẽ ở vùng trọng điểm lương thực của quốc gia. Nhưng ý nghĩa quan trọng nhất mà những nhà nông này thấu hiểu chính là sự “đổi mới trong tư duy làm nông nghiệp”.

Như câu chuyện của bà Nguyễn Thị Ngọc Hường, nông dân ở hợp tác xã K7b, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang canh tác 2 vụ lúa/năm trên diện tích 3 ha với thu nhập chỉ đạt khoảng 14,5 triệu đồng/ha. Theo lời bà, vào những khi mất mùa, bà thậm chí không có khả năng thanh toán tiền vật tư nhưng kể từ khi tham gia vào dự án “canh tác lúa giảm khí thải nhà kính” (11/2012 - 12/2014) cuộc mưu sinh với ruộng đồng đã đổi thay hoàn toàn.

“Năm 2012, tôi được khuyến khích tham gia dự án. Trong suốt vụ đầu tiên, tôi lo lắng vì dự án chỉ khuyến khích giảm tới 50% lượng giống, 30% lượng phân, giảm nước và phun xịt dịch bệnh nhiều lần càng tốt. Cũng trong vụ đầu tiên này, tôi được hướng dẫn cách đếm số chồi và bông. Qua đó, tôi đã tự kiểm chứng, mặc dù sạ ít hơn một nửa nhưng tổng số chồi, bông ở ruộng tôi cũng xấp xỉ ở các ruộng sạ dầy gấp đôi và bón nhiều phân. Kết quả vụ đầu rất khả quan, qua vụ thứ hai là vụ đông xuân 2013 - 2014, tôi trúng mùa, với 3 ha đất thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi sau khi trừ hết chi phí. Tôi đã dùng số tiền trừ hết những khoản nợ nần trước đây, đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Dù cuối năm 2014 dự án đã kết thúc nhưng tôi và nhiều hộ khác vẫn tiếp tục với mô hình. Chúng tôi đã tin và được xóa bỏ “rào cản” tư duy sản xuất truyền thống lạc hậu” - bà Hường xúc động nói.

Những ngày này, bước vào vụ đông xuân 2015 - 2016, bà Hường vẫn tất bật trên khoảnh ruộng 3 ha của mình và áp dụng những gì đã học được từ mô hình canh tác lúa giảm khí thải nhà kính. Đồng thời, bà cũng chắt chiu thời gian của mình để tham gia hoạt động Tổ Phụ nữ địa phương với một mục đích lớn lao duy nhất là chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng kỹ thuật “1 phải 6 giảm” để giúp họ giảm chi phí, tăng thu nhập cho gia đình.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, trong quá trình triển khai dự án đã hình thành được 5 tổ, nhóm với 133 hộ nông dân, trong đó có hộ nghèo. Đến năm 2015 đã mở rộng thêm 5 tổ, nhóm với 56 hộ tham gia (hộ nghèo là 12 hộ). Vụ đông xuân năm nay tổng diện tích đã tăng từ 270 ha lên 525 ha ở địa bàn hợp tác xã K7b, riêng toàn huyện Tân Hiệp đã phủ gần như toàn diện tích của 36 ngàn ha trồng lúa theo mô hình nói trên.

Được biết, dự án sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính đã được triển khai thí điểm ở 5 tỉnh, thành trong khu vực gồm: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang. Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cũng đã khuyến cáo ngành nông nghiệp các tỉnh nên đưa dự án này vào sản xuất mở rộng ở những vùng khô hạn, thiếu nước tưới, nhằm giúp người nông dân cải thiện cuộc sống và góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho công cuộc “cách mạng xanh” ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Mặt khác, từ ngày 7/12 vừa qua, đồng loạt các siêu thị và hệ thống cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đồng loạt thực hiện bán rau củ, thịt sạch sau thông tin về hàng loạt vụ kinh doanh rau củ, thực phẩm nhiễm bẩn bị phát hiện, không đảm bảo an toàn. Đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng bởi từ đây đã tạo ra một lực đẩy cho sự thay đổi về “ý thức tiêu dùng”. Chính điều này sẽ tạo áp lực lên sản xuất, tạo nên xu hướng sạch và xanh.

Do vậy Chính phủ, các cấp ngành địa phương cần phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền giáo dục và nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân đối với tiêu dùng xanh và sản phẩm xanh thân thiện môi trường. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập thị trường cho tiêu dùng xanh lấy thị trường làm động lực thúc đẩy sản phẩm xanh để lôi kéo và thu hút sản xuất xanh đối với các doanh nghiệp.

Anh Đức
Phát huy lợi thế Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ
Phát huy lợi thế Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ

Thực hiện chính sách đồng bộ, đầu tư hơn nữa cho Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nhằm phát huy tối đa lợi thế vùng trong sự phát triển chung của kinh tế - xã hội là niềm mong mỏi và cũng là tâm huyết của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN