Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Nguyên

Chính sách đặc thù nhằm ổn định an ninh chính trị

Tây Nguyên có nhiều yếu tố đặc thù, cả trên phương diện kinh tế - dân cư, địa chính trị, địa - xã hội và văn hóa chính trị - pháp lý. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đặc thù nhằm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.

Nghị quyết 10 - NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội - quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đặc thù nhằm ổn định tình hình an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Trong đó có các chính sách liên quan trực tiếp tới việc tập trung sức xây dựng, củng cố, kiện toàn HTCTCS. Các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã triển khai mạnh mẽ các chính sách nói trên.

Ông Nguyễn Thanh Hà (người đứng giữa), Bí Thư huyện ủy Ngọc Hồi (Kon Tum) trò chuyện với các già làng, người có uy tín của xã Bờ Y.

Bà Lê Thị Thanh Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Xây dựng hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: Qua hơn 3 năm triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và mục tiêu mà Kết luận 12-KL/TW đề ra, các cấp ủy đảng vùng Tây Nguyên đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên lĩnh vực xây dựng HTCTCS nói chung và công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng nói riêng. Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã đánh giá một cách toàn diện, khách quan trên phạm vi toàn vùng Tây Nguyên về thực trạng và những kết quả đạt được mục tiêu nêu trên; về công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2010 - 2015 của Đảng bộ các tỉnh đã đề ra.

Từ đó, đưa ra các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để đẩy mạnh công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ đảng viên tại chỗ ở từng buôn làng; gắn với việc nâng dần số lượng, chất lượng đảng viên của từng chi bộ. Quyết tâm phấn đấu để trong những năm tiếp theo, tất cả chi bộ buôn làng vùng Tây Nguyên đều có cấp ủy. Góp phần nâng cao hơn nữa về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong việc tiếp tục củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đây là vấn đề cốt lõi, quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở trong tình hình hiện nay. Làm cơ sở kiến nghị với các cấp có thẩm quyền ở Trung ương rà soát, bổ sung và ban hành những cơ chế, chính sách về công tác xây dựng Đảng phù hợp với những đặc thù của vùng Tây Nguyên. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp ủy đảng tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi những nội dung, nhiệm vụ về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở đã được xác định tại Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị.

Đã có nhiều đổi mới

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, so với mấy thập niên của thế kỷ trước, những năm trở lại đây chính quyền cơ sở ở Tây Nguyên đã có sự tiến bộ rõ nét, nhất là nhận thức về xây dựng chính quyền nhân dân, quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo, đổi mới mối quan hệ giữa tổ chức Đảng với tổ chức chính quyền. Bộ máy chính quyền được kiện toàn, từng bước được chuẩn hóa.

Hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã có nhiều chuyển biến, nội dung, hình thức chuẩn bị các kỳ họp và ra nghị quyết được đổi mới, có chất lượng hơn. Hoạt động của UBND cấp xã từng bước đi vào nề nếp, việc nắm bắt và tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt có chuyển biến tích cực, phong cách làm việc gần dân, sát dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đã được đề cao. Chính quyền cơ sở có sự chú ý nhiều hơn tới việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của người dân được phát huy tốt hơn, vị trí của buôn, làng được coi trọng hơn trước, người dân trực tiếp bầu thôn trưởng ở các địa bàn dân cư tự quản, vai trò của già làng hoặc người có uy tín ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng khi tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, thường xuyên giám sát tổ chức và cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ, tổ chức vận động quần chúng, xây dựng phong trào. Trên thực tế, nhiều phong trào quần chúng sâu rộng đã được phát động tại các cơ sở đã góp phần tăng thêm mối quan hệ hiểu biết và tình đoàn kết các dân tộc, làm giảm bớt sự phức tạp tình hình, nhất là tại các điểm nóng về an ninh chính trị và tranh chấp đất đai. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc hướng mạnh về các thiết chế dân cư tự quản, gần dân, sát dân hơn, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, buôn, tổ dân phố đi đôi với phát huy vai trò của già làng, trưởng các dòng họ, người có uy tín trong công tác vận động, giáo dục quần chúng.

Đội ngũ cán bộ thuộc HTCTCS có sự biến động mạnh cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng theo chiều hướng tích cực. Đến nay, tổng số cán bộ, công chức cấp xã trong toàn vùng là 15.558 người, trong đó 3.978 cán bộ, công chức là người DTTS (chiếm 25,56%). Số cán bộ, công chức có trình độ học vấn trung học phổ thông chiếm 82%; chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên chiếm 74,5%; lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 44,8%. Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và buôn làng trong toàn vùng có 63.546 người, trong đó ở cấp xã 13.601 người, ở buôn làng 49.945 người. Trong đó, có nhiều cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm. Đây thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng Tây Nguyên.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, quá trình xây dựng và đổi mới HTCTCS vùng Tây Nguyên đã gắn với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về kiện toàn tổ chức và tăng cường năng lực của HTCT từ Trung ương đến cơ sở. Kết quả của quá trình xây dựng và đổi mới HTCTCS vùng Tây Nguyên đã nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, khắc phục một bước tư tưởng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo, từng bước phát huy vai trò hạt nhân chính trị và khả năng tự giải quyết những vấn đề nảy sinh tại địa bàn của tổ chức Đảng cơ sở. Bộ máy chính quyền đã phát huy được hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành địa bàn, năng lực triển khai các nhiệm vụ được nâng lên, chủ động hơn trong việc giải quyết tình hình an ninh chính trị, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ngày càng thiết thực. Đội ngũ cán bộ trong HTCTCS được tăng cường về số lượng và trình độ, năng lực công tác, phong cách và ý thức làm việc có chuyển biến theo hướng tích cực, sát dân và có trách nhiệm hơn.

Tính đến quý I/2016, các tỉnh Tây Nguyên có 2.155 tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh. Tổng số đảng viên được đánh giá, phân loại chất lượng là 184.522/201.144 đảng viên trong toàn vùng.


Bài và ảnh: Viết Tôn
Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc
Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo trong thời gian tới, các tỉnh vùng Tây Nguyên thống nhất triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN