Cần học tập kinh nghiệm các nước

Nhằm làm rõ hơn những vấn đề được đặt ra trong chuyên đề “nguồn vốn và giải pháp bền vững cho nông nghiệp ĐBSCL” chúng tôi xin trích đăng ý kiến nghiên cứu của các chuyên gia về một số kinh nghiệm của các quốc gia trong việc phát triển nông nghiệp và chính sách giúp người dân tiếp cận nguồn phục vụ sản xuất. Đây là các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển mạnh và là những mô hình có thể nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn ĐBSCL.

Ths Vũ Thị Hòa,  Ngân hàng Nhà nước: 
Mô hình “mỗi làng một sản phẩm” 

Thái Lan là một quốc gia nông nghiệp truyền thống với dân số nông thôn chiếm khoảng 80%. Để phát triển nông nghiệp, chính phủ Thái Lan hỗ trợ mạnh mẽ khu vực này với nhiều chính sách cụ thể như:  Quy hoạch các khu chuyên canh cũng như xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực nông nghiệp, nông thôn với hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho hầu hết đất canh tác trên toàn quốc, góp phần nâng cao năng suất lúa và các loại cây trồng khác trong sản xuất nông nghiệp cùng chương trình điện khí hóa nông thôn với việc xây dựng các trạm thủy điện vừa và nhỏ được triển khai rộng khắp cả nước. Phát động và tổ chức nhiều hình thức khuyến khích nông nghiệp phát triển như chương trình “mỗi làng một sản phẩm” hay chương trình quỹ làng...  

Nông dân Hậu Giang tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Tăng cường vai trò của các cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, mở các lớp đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thiết lập hệ thống bảo hiểm rủi ro cho nông dân và các sản phẩm nông nghiệp bằng cách tăng cường các loại hình bảo hiểm lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...  

Chính phủ còn đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chính phủ Thái Lan còn là người đại diện thương mại với chính phủ các nước để các doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu thực phẩm chế biến... Thái Lan cũng có chính sách tài chính hấp dẫn cho các nhà đầu tư như giảm thuế, ưu đãi tiền tệ, cho vay ngoại tệ... nhằm thu hút nhiều nhất nguồn vốn FDI...  

Nhật Bản cũng là một ví dụ. Ngay từ những năm 70, Nhật Bản đã thực hiện chương trình “mỗi làng một sản phẩm”, đây là một trong những hoạt động phát triển nông thôn trong thời kì công nghiệp hóa đất nước rất thành công và được xem là “cái nôi” giúp nông nghiệp Nhật Bản thành công.  Nhật Bản cũng chú trọng phát triển khoa học kỹ thuật nông nghiệp, dựa vào các Viện nghiên cứu nông nghiệp, liên kết với các trường đại học, doanh nghiệp, hội khuyến nông... để giúp nông dân tiếp cận công nghệ, trang thiết bị tiên tiến, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. 

Chính phủ cũng quy định rõ những vùng đất tốt dùng cho mục đích nông nghiệp đã tạo động lực kích thích nền nông nghiệp phát triển. Quy mô ruộng đất bình quân của mộ nông trại có sự thay đổi theo hướng tích tụ ruộng đất vào các trang trại lớn để tăng hiệu quả sản xuất. Nâng cao chất lượng nông sản và phát triển một nền sản xuất có chọn lọc cùng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp kịp thời để khuyến khích nông nghiệp phát triển như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị, vật tư nông nghiệp, cung cấp thông tin, cho vay vốn tín dụng.  

ThS Nguyễn Hoàng Anh,  Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh: 
Kinh nghiệm mở rộng khả năng tiếp cận tài chính tại khu vực  nông thôn 

Ở Anh có cơ quan Hỗ trợ tài chính (The financial Inclusion Task Force) với lĩnh vực ưu tiên hàng đầu đó là tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tiếp cận thẻ tín dụng có khả năng chi trả và tiếp cận dịch vụ tư vấn tiền tệ trực tiếp miễn phí, đưa ra các loại tài khoản ngân hàng cơ bản không cần qua các thủ tục rườm rà. Sản phẩm tiết kiệm phù hợp với đặc điểm lưu chuyển tiền tệ của hộ nghèo; tăng cường xây dựng môi trường luật pháp trong các tổ chức tín dụng. Tạo ra tài khoản thẻ bưu điện (POCA) cho những người không thể hoặc không sẵn sàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cơ bản...  

Ở Mỹ, Luật Tái đầu tư cộng đồng (CRA) ngăn cấm phân biệt đối xử tại ngân hàng đối với những người có thu nhập thấp và trung bình. CRA khẳng định và tiếp tục nghĩa vụ tại các ngân hàng nhằm phục vụ nhu cầu tín dụng và dịch vụ ngân hàng của toàn bộ cộng đồng mà họ có đặc quyền.  Thực tế tại Việt Nam mà cụ thể là ĐBSCL cho thấy, hệ thống ngân hàng đã tích cực đẩy mạnh công tác hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với nhiều khu vực khó khăn và xây dựng được nhiều chính sách mở rộng khả năng tiếp cận vốn, dịch vụ tín dụng cho người dân ĐBSCL. 

Tuy nhiên, về mặt chính sách, NHNN cần chú trọng hơn về chính sách bảo vệ khách hàng, thể hiện ở việc phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao tính minh bạch của các hợp đồng, quảng cáo về tín dụng. Hiện nay người dân vẫn còn tâm lý e ngại tiếp cận vốn ngân hàng do thủ tục rườm rà, khó hiểu. Điều này tạo điều kiện cho tín dụng đen phát triển. Tại ĐBSCL, khái niệm “xóa mù tài chính” vẫn còn khá mới mẻ, các nghiên cứu chỉ ra rằng việc không được hỗ trợ tài chính không chỉ làm gia tăng phân hóa giàu nghèo mà còn dẫn tới tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội. Vì vậy, những biện phát khuyến khích mở rộng phạm vi hỗ trợ tài chính cũng chính là để cải thiện an sinh xã hội, là chiến lược để thúc đẩy kinh tế phát triển theo xu hướng càng ngày càng toàn diện.  

LH/Báo Tin Tức
Nguồn vốn và giải pháp bền vững cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long
Nguồn vốn và giải pháp bền vững cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long

Ngân hàng và các tổ chức tín dụng có nhu cầu giải ngân, nông dân có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, nhưng sự bấp bênh của một nền nông nghiệp nhỏ lẻ là rào cản khiến dòng vốn không chảy mạnh vào nông nghiệp. Nền nông nghiệp “thiếu vốn” từ đó cũng không mở rộng về quy mô cũng như tăng tính bền vững, an toàn để hình thành một nền sản xuất lớn...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN