Các tỉnh Tây Nguyên thu hơn 2.900 tỷ đồng từ du lịch

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ đầu năm 2017 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút trên 1,881 triệu lượt khách, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, khách du lịch trong nước tăng 6,6%, khách quốc tế tăng 2,4%, đạt doanh thu trên 2.906 tỷ đồng, tăng gần 14% so cùng kỳ năm 2016.

Tiết mục Cồng chiêng của đồng bào người Ê Đê. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Lâm Đồng vẫn là địa phương có lượng du khách đến nhiều nhất so với các tỉnh trong vùng, chiếm 78,34% so với toàn vùng, kế đến là tỉnh Đắk Lắk.

Phát huy thế mạnh của thiên nhiên ưu đãi, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng các sản phẩm du lịch gắn liền với ghềnh thác nước, hồ đập, đồi núi, nông nghiệp hữu cơ, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ…

Tỉnh Lâm Đồng đã có các sản phẩm du lịch độc đáo như nghỉ dưỡng cuối tuần, nghỉ trăng mật, tham quan núi, hồ, du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp.

Tỉnh Đắk Lắk có các sản phẩm du lịch như cưỡi voi, bơi thuyền độc mộc hồ Lắk, Bản Đôn, xem biểu diễn văn hóa cồng chiêng ngay tại buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ…

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch cũng như hệ thống giao thông thuận tiện phục vụ tốt yêu cầu đi lại cho khách du lịch.

Du khách uống rượu cần giao lưu trong đêm biểu diễn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Hiện nay, Sân bay quốc tế Liên Khương (Lâm Đồng) đã được Nhà nước đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 4D đủ điều kiện để phục vụ trên 2 triệu hành khách/năm. Ngoài các chuyến bay quốc tế, Sân bay quốc tế Liên Khương đã khai thác 6 tuyến nội địa đi và đến các tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội, Huế, Vinh với tần suất 27 chuyến bay/ngày phục vụ tốt yêu cầu khách du lịch trong, ngoài nước đến Lâm Đồng.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đẩy mạnh công tác hoạt động quảng bá du lịch theo hướng xã hội hóa, tăng cường phồi hợp với các cơ quan truyền thông, các hãng thông tấn trong, ngoài nước kết hợp với quảng cáo trên các chuyến bay quốc tế, trong nước… nhằm thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với Tây Nguyên.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc thu hút khách du lịch cũng như doanh thu từ du lịch vẫn còn thấp so với yêu tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Các tỉnh Tây Nguyên cần nghiên cứu, tăng thêm các sản phẩm du lịch mới, lạ trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, văn hóa nghệ thuật của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ; đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức liên kết vùng, liên kết khu vực… nhằm góp phần thu hút đông đảo khách du lịch trong, ngoài nước đến Tây Nguyên.

Quang Huy (TTXVN)
Phát triển du lịch Tây Nguyên - Liên kết khai thác tiềm năng du lịch
Phát triển du lịch Tây Nguyên - Liên kết khai thác tiềm năng du lịch

Tây Nguyên có tiềm năng và những lợi thế lớn về du lịch trên cơ sở đầu tư khai thác lâu bền các cảnh quan thiên nhiên đặc thù và truyền thống văn hóa dân tộc lâu đời. Trong những năm qua, du lịch Tây Nguyên đã có những bước phát triển khá, góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN