Các tỉnh Tây Nguyên có trên 100 xã, 1 huyện đạt chuẩn

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 100 xã và 1 huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 100 xã và 1 huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, tỉnh Lâm Đồng có 45 xã và huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới, là địa phương đầu tiên ở Tây Nguyên có huyện đạt chuẩn. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Nhà Rông làng Kon K’Tu. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN


Từ năm 2011 trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên đã huy động được trên 90.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới; trong đó, vốn của Trung ương là 2.295,5 tỷ đồng; số vốn còn lại huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, vốn tín dụng và đồng bào các dân tộc trên địa bàn đóng góp. 

Các tỉnh Tây Nguyên đã bố trí nguồn vốn hợp lý, hài hoà, tăng nguồn lực giúp các xã gần đạt tiêu chí sớm về đích, các xã nghèo rút ngắn khoảng cách chênh lệch về cơ sở hạ tầng với các xã khác. Đặc biệt, đồng bào các dân tộc đã tự nguyện hiến đất, giải phòng mặt bằng, góp ngày công vào xây dựng nông thôn mới. 

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đầu tư xây dựng 1.044 mô hình sản xuất có hiệu quả (chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản), xây dựng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi ở nhiều địa phương từ nhỏ lẻ lên quy mô trang trại, tổ chức cho đồng bào tham quan, học tập nhân rộng các mô hình. 

Tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 43.000 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chiếm 15,9% diện tích canh tác. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi khi áp dụng công nghệ cao tăng 25 - 30%, giúp tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp, nông hộ trên 30% doanh thu. 

Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa đồng đều, còn phát triển theo chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu, các tiêu chí đạt được vẫn còn thấp; các văn bản hướng dẫn thực hiện và bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập, cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của các tỉnh Tây Nguyên, nơi có diện tích rộng, người thưa để thực hiện chương trình có hiệu quả hơn.
TTXVN (Tin Tức)
Tây Nguyên chăm sóc gần 536.000 ha cà phê sau thu hoạch
Tây Nguyên chăm sóc gần 536.000 ha cà phê sau thu hoạch

Hiện nay, người sản xuất, kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đã tập trung lao động, phương tiện chăm sóc tốt gần 536.000 ha cà phê sau thu hoạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN