Bảo vệ cà phê chín rộ mới thu hoạch đại trà

Hiện ở các tỉnh Tây Nguyên, cà phê đã bắt đầu chín, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê đang tăng cường bảo vệ để các vườn cà phê đạt tỷ lệ quả chín từ 90% trở lên mới đưa vào thu hoạch đại trà nhằm giảm hao hụt và nâng chất lượng cà phê nhân xuất khẩu.

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, những năm trước, do nạn trộm cắp cà phê hoành hành, cũng như các đại lý tranh mua, tranh bán cà phê quả tươi nên nhiều hộ sản xuất cà phê vùng Tây Nguyên đã thực hiện “xanh nhà còn hơn già đồng”. Do vậy, nhiều vườn tuy mới có tỷ lệ quả chín từ 40 đến 50%, thậm chí, có những vườn cà phê xa khu khu dân cư, quả chín mới đạt từ 10 đến 20% các nông hộ đã thu hái một lượt cả chín lẫn quả xanh non. Theo các chuyên gia chuyên ngành cà phê, việc thu hái nhiều quả cà phê xanh non làm cho năng suất, sản lượng cà phê giảm từ 25 đến 30%, chất lượng nhân cà phê kém gây thiệt hại lớn cho các nông hộ.

Từ năm 2012 trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên, nhất là các vùng trọng điểm cà phê đã tuyên truyền, vận động các nông hộ, doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp tích cực để đồng bào hạn chế thu hoạch cà phê lẫn nhiều quả xanh non. Đặc biệt, tại Đắk Lắk, địa phương có nhiều diện tích cà phê nhất cả nước, từ năm 2010 trở lại đây, nhiều xã, doanh nghiệp có diện tích cà phê tập trung khi vào đầu vụ thu hoạch đã phối hợp với các đơn vị bộ đội, công an và củng cố lại các tổ đội bảo vệ cuả đơn vị để bảo vệ các lô cà phê chín rộ từ 90% trở lên mới đưa vào thu hoạch đại trà. 

Đắk Lắk tăng cường biện pháp phòng chống, ngăn chặn, xử lý các đối tượng trộm cắp cà phê tại thôn, buôn. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Mặt khác, được sự cho phép của các ngành chức năng, các tổ dân phòng, công an, xã đội ngoài hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ theo quy định của nhà nước, vào đầu mùa thu hoạch cà phê cũng phối hợp với các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê bảo vệ chặt chẽ vườn cà phê không để xảy ra tình trạng trộm cắp.

Một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các nông hộ tự nguyện đóng góp mỗi sào cà phê cho thu hoạch từ 30.000 đến 50.000 đồng/hộ (suốt cả vụ) cho lực lượng dân phòng, công an, xã đội bảo vệ vườn cà phê 24/24 giờ, nếu xảy ra tình trạng mất cắp, lực lượng này có trách nhiệm bồi thường lại gấp 10 lần số lượng cà phê bị mất trộm theo giá thị trường… Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV cà phê xuất khẩu Thắng Lợi, Ea Pốk, Tháng 10, xã Hoà Đông (thành phố Buôn Ma Thuột), Cuôr Đăng (Cư M’gar)... luôn để vườn cà phê đạt tỷ lệ quả chín từ 95% trở lên mới đưa vào thu hoạch đại trà.

Các xã thôn, buôn có diện tích cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã sắp xếp lại các đại lý thu mua cà phê, nhất là kiên quyết không thu mua cà phê quả tươi không rõ nguồn gốc, của những người lạ mặt và có trách nhiệm báo cáo với các đơn vị chức năng để giám sát, theo dõi. Các lực lượng chức năng cũng nắm rõ nhân khẩu, lao động vãng lai trên địa bàn, hạn chế không để người lạ mặt vào ra các lô cà phê. Tại các địa bàn có diện tích cà phê phân tán, các nông hộ tuyển thêm lao động ngày đêm tuần tra, bảo vệ vườn cà phê…

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê trên 573.400 ha; trong đó diện tích cho thu hoạch gần 532.500 ha, sản lượng đạt từ 1 triệu tấn cà phê nhân trở lên.

Quang Huy (TTXVN)
Công nghiệp chế biến cà phê ở Đắk Lắk còn hạn chế
Công nghiệp chế biến cà phê ở Đắk Lắk còn hạn chế

Tỉnh Đắk Lắk là địa phương có nhiều diện tích cà phê nhất nước nhưng công nghiệp chế biến cà phê, nhất là chế biến theo công nghệ ướt, chế biến sâu còn nhiều hạn chế nên giá cà phê nhân xuất khẩu cũng như giá trị gia tăng thấp, gây thiệt hại lớn cho người trồng cà phê.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN