Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đẩy mạnh công tác liên kết vùng

Ngày 29/6, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP của vùng Tây Nam bộ đạt 6,45%, cao hơn bình quân chung cả nước nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (6,5%). Năm nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long không bị thiệt hại nặng do hạn hán và xâm nhập mặn như năm trước, nhưng mưa trái mùa, sâu bệnh đã làm giảm năng suất, sản lượng nông nghiệp. Đây là vấn đề mà các tỉnh, thành phố cần quan tâm bởi Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước.

Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm tuy vượt kế hoạch, đạt 51,7% và cao hơn mức bình quân chung cả nước, nhưng chủ yếu tăng nhờ nguồn thu từ xổ số kiến thiết và tiền sử dụng đất, các nguồn thu còn lại thấp hơn kế hoạch dự toán nên các tỉnh cần quan tâm nhiều hơn. Các địa phương cũng cần quan tâm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: Nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ trong 6 tháng cuối năm 2017 là: Tập trung thực hiện công tác liên kết vùng. Vừa qua, việc triển khai Quyết định 593 của Thủ tướng Chính phủ về công tác liên kết vùng còn rất chậm, mặc dù đây là quyết định thí điểm đầu tiên của cả nước được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò nhạc trưởng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng cần quan tâm 4 tiểu vùng mà Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đang xúc tiến; các tiểu vùng này gắn bó rất mật thiết cho cả vùng.

Ngoài ra, Ban Chỉ Tây Nam bộ cũng sẽ tập trung thực hiện một số chuyên đề để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả vùng; dự kiến trong tháng 8 tới sẽ tổ chức hội nghị các nhà tài trợ quốc tế đối với sự phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, bàn về tác động của tình hình sạt lở đất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với 64 điểm sạt lở hiện tại, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã giao Bộ Tài chính bố trí một phần kinh phí tối thiểu nhất để ổn định cuộc sống cho người dân ở một số khu vực trọng yếu.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ phối hợp với một số địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, phối hợp với các bộ giải quyết một số vấn đề mang tính chất trọng tâm về đào tạo nghề, phát triển giáo dục trên địa bàn; tiếp tục thực hiện đề án về hỗ trợ đồng bào Khmer; tập trung các hoạt động kỷ niệm 15 năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch 28 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục xây dựng, soạn thảo để trình Quốc hội Đề án Luật về các Khu hành chính kinh tế ven biển, trong đó có Khu hành chính kinh tế Phú Quốc...

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, trong 6 tháng đầu năm, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo điều hành năng động của Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương, sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể như tổng thu ngân sách đạt trên 51,7% dự toán, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,5% so với cùng kỳ, doanh nghiệp thành lập mới tăng 10,2% so với cùng kỳ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao. Các lĩnh vực y tế, giáo dục tiếp tục được duy trì, dịch bệnh được kiểm soát. Các chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, toàn vùng còn gặp một số khó khăn hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn cùng kỳ, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển phức tạp làm ảnh hưởng đến sản xuất sinh hoạt của người dân. Giá cát xây dựng tăng đột biến làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng cơ bản. Sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương bị ảnh hưởng thiên tai làm năng suất giảm, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn...

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao quyết định của Thường trực Ban Bí thư cho ông Lê Hùng Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ được nghỉ hưu từ ngày 1/7/2017.

Ngọc Thiện (TTXVN)
Tây Bắc canh tác bền vững trên đất dốc
Tây Bắc canh tác bền vững trên đất dốc

Hiện khu vực trung du và miền núi phía Bắc có khoảng 1,5 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó phần lớn diện tích đất dốc canh tác là các loại cây hàng năm, cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN