­Đưa trí thức trẻ về vùng khó Tây Bắc

Dự án Tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo (còn gọi là dự án 600 trí thức trẻ) được triển khai từ năm 2011 theo Quyết định số 08/2011/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tăng cường cán bộ là Phó Chủ tịch UBND các xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước. Tháng 6/2017 dự án sẽ kết thúc, 80% đội viên đã được bố trí làm công chức là niềm vui, động lực để họ yên tâm cống hiến lâu dài cho vùng khó.

Bản lĩnh, xung kích, hiệu quả

Theo dự án sẽ tuyển chọn 600 đội viên trí thức trẻ được bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND xã đặc biệt khó khăn, ban đầu chỉ có 583 đội viên “trụ lại”. Các đội viên trúng tuyển có trình độ đại học, được rèn luyện, tập huấn những kỹ năng cần thiết, nên khi về cơ sở nhận nhiệm vụ đã sớm khẳng định mình, phát huy năng lực và hiệu quả công tác. 

Đội viên Hà Minh Tuấn hướng dẫn bà con của xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An) chăm sóc rau.

Sau 5 năm đưa các đội viên về cơ sở, Bộ Nội vụ cho biết có hơn 20 đội viên được bố trí làm công chức cấp huyện (2 đội viên là trưởng phòng cấp huyện, số còn lại làm công chức các phòng, ban chuyên môn của huyện); hơn 20 đội viên chính thức được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch UBND xã. 

Với tinh thần xung kích tình nguyện, với sức trẻ dấn thân, với nỗ lực cố gắng học hỏi, cách tiếp cận phù hợp, “4 cùng” với nhân dân, các đội viên trí thức trẻ đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới... Qua đánh giá hàng năm, trên 95% đội viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, nhiều người trưởng thành từ Dự án. Về cơ bản, các đội viên đã được bố trí công việc ổn định tại huyện, xã, chỉ còn 20% chưa được bố trí.

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ: 

Bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả trí thức trẻ 

Dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã 62 huyện nghèo trong cả nước sắp kết thúc, nhiều đội viên đã phát huy được trình độ, năng lực và có đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bộ Nội vụ đã có Văn bản số 2875/BNV - CTTN ngày 30/7/2014, gửi cấp ủy, chính quyền địa phương nơi thực hiện dự án đã tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm đánh giá, nhận xét và quy hoạch trí thức trẻ vào các chức danh lãnh đạo từ cấp xã trở lên. Sắp tới tổ chức tổng kết dự án này, Ban Quản lý Dự án phải bám sát vào nhiệm vụ và đánh giá các kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của các tồn tại. Từ đó, đề xuất giải pháp tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả các trí thức trẻ sau khi dự án kết thúc. Phải tổng kết kỹ ở cấp tỉnh, phân công thành viên Ban quản lý dự án đi các tỉnh để lắng nghe tiếng nói từ địa phương và nêu rõ trách nhiệm của từng địa phương khi kết thúc dự án. Ban Quản lý Dự án phải có đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc, miền núi, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở. Đây là dự án để nghiên cứu chính sách đối với công tác cán bộ, như là một “phép thử”. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải đánh giá Dự án có thành công thực sự không, có bao nhiêu đội viên thực sự phục vụ các xã nghèo, tìm ra chính sách, bước đi mới với đội ngũ trí thức trẻ ở địa phương. Qua tổng kết làm rõ định hướng có triển khai dự án nữa không, biện pháp xử lý đối với những trường hợp chưa trưởng thành và đề xuất các chính sách liên quan.

Anh Hà Minh Tuấn, tham gia dự án và được phân về làm Phó Chủ tịch UBND xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An), cho biết: “Tôi là con em địa phương nên cũng có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, trình độ nhận thức của người dân ở đây không đồng đều, một số bộ phận nhân dân còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa dám mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất... Tôi nhận thức, tham gia Dự án 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã là cống hiến nhiệt huyết, sức trẻ cho vùng khó khăn. Để đồng nghiệp gần gũi, tin tưởng, người dân yêu quý, tôi không ngại khó, ngại khổ để cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào. Khi bản thân mình xây dựng được lòng tin, uy tín trong công việc thì nói gì và làm gì cũng được thuận lợi”.


Qua khảo sát, lắng nghe tâm tư của người dân và nhu cầu thực tiễn ở địa phương, anh Tuấn đã đề xuất chuyển đổi cây trồng trên quỹ đất trước kia không mang hiệu quả kinh tế. UBND xã Châu Kim thống nhất với kế hoạch của Phó Chủ tịch Tuấn đưa ra và triển khai thí điểm trên địa bàn trồng cây mía nguyên liệu, các loại rau xanh. Ban đầu có 2 gia đình chuyển đổi sang trồng mía với mô hình thí điểm 1,5 ha, đến nay đã được nhân rộng lên 19,5 ha mía góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống người nông dân. 


Ngoài ra, mô hình chuyên canh cây rau màu đối với quỹ đất bỏ hoang với diện tích nhỏ không liền vùng khoảnh cũng được triển khai. Năm đầu làm mô hình chuyên canh bắp cải với quy mô 0,6 ha (1 hộ thực hiện), qua thực tế đã thấy được hiệu quả nên xã nhân rộng 10 ha/vụ/năm... Với những đóng góp của Hà Anh Tuấn, địa phương đã ghi nhận và bầu vào cấp ủy (Khóa 2015 - 2020), quy hoạch là Chủ tịch UBND xã Châu Kim.


Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sông Mã (Sơn La), nhưng anh Nguyễn Trung Hiếu lại chọn lập nghiệp ở một huyện nghèo, xa xôi của tỉnh Cao Bằng khi đăng ký tham gia Dự án 600 trí thức trẻ. Được phân công về xã Kim Cúc, những ngày đầu đối với chàng thanh niên người Kinh mọi thứ đều mới mẻ, nhất là ngôn ngữ. anh Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ: “Ngỡ ngàng và lo lắng! Đó là cảm giác ban đầu của tôi mặc dù đã chuẩn bị tâm lý sẽ đương đầu với mọi thử thách. 


Tôi được đào tạo về Văn hóa dân tộc, nhưng lại được phân công làm Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế - xã hội, dường như những kiến thức trên giảng đường đại học không giúp ích gì cho bản thân. Bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, tôi xuống các thôn, bản tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân, tìm hiểu phong tục tập quán, học tiếng địa phương và thường xuyên cùng các cán bộ xã họp bàn tìm hướng thay đổi nhận thức, hỗ trợ, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế”.

Ông Nguyễn Minh Tăng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu: 

Nguồn nhân lực chất lượng cao 

Với tỉnh miền núi Lai Châu, trong tổng số 45 trí thức trẻ đang làm việc tại địa phương, đến nay có 24 người giữ nguyên chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã, 21 người được quy hoạch vào chức danh cao hơn của xã, huyện. Đến cuối năm 2015, có 29 người được kết nạp Đảng sau khi về xã công tác, bốn người đang được cấp ủy giúp đỡ để phát triển Đảng trong thời gian tới. Tỉnh Lai Châu coi đội ngũ trí thức trẻ này là nguồn nhân lực chất lượng cao, địa phương cũng mong muốn có chính sách để tiếp tục sử dụng. UBND 6 huyện đã tiến hành rà soát biên chế trên địa bàn huyện và dự kiến sắp xếp cho đội viên Dự án trên địa bàn huyện. UBND tỉnh Lai Châu kiến nghị Bộ Nội vụ bổ sung 45 biên chế để bố trí, sử dụng, vì số biên chế chưa sử dụng của các huyện dùng để bố trí đối tượng sinh viên cử tuyển và con em người dân tộc tại địa phương, nảy sinh sự so sánh giữa người địa phương và người từ nơi khác đến.


Với lĩnh vực phụ trách, Hiếu đã tận dụng các chương trình, dự án ưu tiên cho việc phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; xây dựng đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, phát huy thế mạnh của xã... Mỗi việc làm, mỗi vướng mắc được giải quyết đã giúp anh Hiếu hiểu ra và đúc kết được phương pháp, kinh nghiệm trong quá trình công tác.


Anh nhận thấy, đối với đồng bào dân tộc vùng cao, rào cản lớn là bất đồng ngôn ngữ, chính vì vậy để truyền đạt hiệu quả cần cho bà con hiểu được 3 vấn đề cốt lõi: Chính sách tập trung vấn đề gì? Nhân dân được hưởng lợi gì? Và nhân dân phải làm gì để cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện chính sách đó? Các văn bản các cấp cần phải truyền đạt đến nhân dân hiệu quả nhất thông qua hình thức truyền khẩu, có minh chứng cụ thể để bà con hiểu và làm theo. Những việc làm xuất phát từ sự chân thành đã giúp Phó Chủ tịch xã Nguyễn Trung Hiếu gần gũi với bà con vàđồng bào hiểu hơn.


Sau gần 5 năm công tác, anh đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Cuối năm 2015, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trung Hiếu đã được HĐND xã bầu làm Chủ tịch xã UBND xã Kim Cúc. “Không tự mãn với hiện tại, nhưng thành công của ngày hôm nay đã cho tôi có quyền vững tin hơn vào quyết định táo bạo của mình khi tham gia dự án. Bản thân tôi vẫn đang cố gắng từng ngày để làm tròn trách nhiệm của Đảng, Nhà nước giao phó, đáp lại niềm tin của bà con nhân dân gửi gắm”, Chủ tịch UBND xã Kim Cúc, Nguyễn Trung Hiếu tâm sự.


Bố trí, sử dụng trí thức trẻ


Với Hà Minh Tuấn và Nguyễn Trung Hiếu cũng như các đội viên khác mong muốn, sau khi kết thúc dự án sẽ được ở lại địa phương công tác lâu dài, dù ở vị trí nào, làm công việc gì thì bản thân các đội viên sẽ cố gắng để làm tốt nhiệm vụ được giao. Theo Bộ Nội vụ, những trí thức trẻ được đánh giá, phân loại từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên đều được xem xét, bố trí công tác phù hợp với trình độ, phẩm chất và năng lực. Dự án 600 trí thức trẻ nếu được thực hiện tốt sẽ là nguồn cán bộ trẻ có trình độ cho cơ sở. Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị việc bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức trẻ được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã từ nay cho đến khi kết thúc dự án.


Chủ tịch UBND xã Kim Cúc, Nguyễn Trung Hiếu (người thứ 3 từ trái sang) tiếp xúc với người dân.

Các địa phương được thụ hưởng Dự án 600 trí thức trẻ đều ghi nhận những đóng góp của các đội viên, họ đã cùng với Chủ tịch UBND, đội ngũ cán bộ cơ sở điều hành tốt hoạt động của UBND, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân ở các xã khó khăn, vùng cao biên giới. Sở Nội vụ Nghệ An cho rằng, Dự án 600 trí thức trẻ được triển khai là chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp của Đảng và Nhà nước, nhằm tăng cường nhân lực giúp các xã nghèo sớm hoàn thành Chương trình xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

Ông Lò Văn Xương, Bí thư Đảng ủy xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu): 

Mong muốn được cống hiến lâu dài 

Đội viên Lương Thị Thu, quê ở Hòa Bình, tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Nông - Lâm, về làm Phó Chủ tịch UBND xã Ta Gia và được giao phụ trách công tác văn hóa - xã hội. Tuy công việc trái ngành học, nhưng Lương Thị Thu luôn học hỏi, lăn lộn để bám địa bàn, gần gũi người dân, sáng tạo và linh hoạt trong công việc nên hiệu quả thực hiện nhiệm vụ rất tốt. Dự án 600 kết thúc, Lương Thị Thu có nguyện vọng ở lại xã công tác thì xã sẽ đề nghị huyện giữ lại làm lâu dài, vì đã quen việc và làm rất tốt.




Nghệ An có 26 đội viên theo dự án về làm Phó Chủ tịch ở 26 xã thuộc 3 huyện khó khăn là Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn. Nhiều đội viên đã có sáng kiến xây dựng các đề án phát triển các mô hình kinh tế đạt kết quả tốt. Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho rằng, nếu kết thúc thời gian dự án, các em không được bố trí công việc thì quá thiệt thòi. Chính phủ cần có cơ chế chính sách cụ thể, rõ ràng điều kiện được tiếp tục bố trí công việc để các em yên tâm công tác. Theo Sở Nội vụ Nghệ An, các đội viên dự án có 3 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 2 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, mà có nguyện vọng ở lại công tác lâu dài thì phải bố trí công việc hợp lý cho các em. 

Thời gian đầu tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện dự án còn có nhiều khó khăn nhưng hiện nay địa phương đã có phương án bố trí cụ thể cho các đội viên trên địa bàn. Sở Nội vụ Lai Châu cho biết, UBND tỉnh đã có công văn số 204/UBND - TH ngày 14/2/2017 gửi các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố yêu cầu bố trí, xét chuyển đội viên Dự án làm công chức, viên chức. Hiện nay, các huyện đã chủ động có phương án dự kiến bố trí công tác cho 41/45 đội viên, trong đó có 10 đội viên sắp xếp vào các phòng, ban cấp huyện. 

Bộ Nội vụ cho biết, có 448/583 trí thức trẻ (chiếm gần 77,9%) được tiếp tục bố trí làm Phó Chủ tịch UBND xã và quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo cao hơn. Kết quả đại hội Đảng cơ sở của 20 tỉnh thuộc phạm vi thực hiện Dự án đã có 153 trí thức trẻ (chiếm 26,6%) được bầu và trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng ủy xã (nhiệm kỳ 2015 - 2020).


Chị Bùi Thị Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa, huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết: “Sau gần 5 năm công tác tại địa phương, bản thân tôi không ngừng nỗ lực cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi vui mừng vì được chính quyền địa phương tín nhiệm quy hoạch chức vụ Phó Chủ tịch HĐND xã và được bầu vào cấp ủy (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Tôi mong muốn tỉnh Lai Châu quan tâm, bố trí cho tôi được làm công chức để yên tâm công tác lâu dài”.


Chia sẻ với nguyện vọng của các đội viên tham gia Dự án 600 trí thức trẻ, Bộ Nội vụ khẳng định địa phương có trách nhiệm, quyền hạn bố trí, sắp xếp công việc cho số trí thức trẻ này khi dự án kết thúc.


Bài và ảnh: Việt Hoàng - Trọng Thủy
Tạo chuyển biến từ việc đưa trí thức trẻ về cơ sở
Tạo chuyển biến từ việc đưa trí thức trẻ về cơ sở

Thực hiện chủ trương đưa trí thức trẻ về cơ sở tại tỉnh Bạc Liêu, hơn 300 trí thức trẻ tuyển chọn từ các sinh viên tốt nghiệp đại học được đưa về công tác ở cơ sở đã bổ sung cho các xã, phường, thị trấn đội ngũ cán bộ trẻ được chuẩn hóa, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN