12:09 25/12/2010

Tất yếu

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Thượng viện Mỹ đã gật đầu với Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới, văn kiện được Tổng thống Barack Obama coi là một "hòn đá tảng" trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng trong năm qua...

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Thượng viện Mỹ đã gật đầu với Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới, văn kiện được Tổng thống Barack Obama coi là một "hòn đá tảng" trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng trong năm qua, đặt nền móng vững chắc cho một mối quan hệ Mỹ - Nga mới sau nhiều nghi kỵ và đối đầu.

Không chỉ đơn thuần dừng ở việc hai bên cam kết hạn chế số đầu đạn hạt nhân tối đa của mỗi nước xuống còn 1.550 trong vòng 7 năm tới, tức giảm khoảng 30% so với mức giới hạn năm 2002. Không chỉ đơn thuần hiệp ước này đưa ra những biện pháp cho phép hai nước giám sát việc thực thi của bên kia. Quan trọng hơn, với thế giới, START mới là một bước tiến trong nỗ lực giải trừ hạt nhân, trong đó Mỹ và Nga đóng vai trò tiên phong với tư cách là hai cường quốc có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Với chính quyền Obama, START mới là một thành công của Nhà Trắng trong bối cảnh tương quan lực lượng tại Quốc hội lưỡng viện đã thay đổi sau cuộc bầu cử nghị viện giữa nhiệm kỳ vừa qua với ưu thế có phần nghiêng về phe Cộng hòa.

Xét cho cùng, START mới được phê chuẩn là một bước đi tất yếu và chẳng khiến ai ngạc nhiên. Tất yếu vì nhiều lý do.

Thứ nhất, đây là công cụ quan trọng để thế giới ứng phó với những mối đe dọa trong thời kỳ hạt nhân mới. Là hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, Mỹ và Nga phải nhận về mình trách nhiệm lớn hơn trong giải trừ hạt nhân. START mới đã phát đi thông điệp vững chắc và rõ ràng của Oasinhtơn và Mátxcơva ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến hạt nhân.

Thứ hai, văn kiện này phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ trong bối cảnh vị thế của Oasinhtơn trên trường quốc tế thời gian qua đã phần nào mai một. Khi các nước tuyên chiến với vũ khí hạt nhân, yêu cầu tìm ra một cơ chế kiểm soát và cắt giảm loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này càng trở nên cấp thiết. Sẽ là không có lợi khi Mỹ tự loại mình khỏi cuộc chơi này và tự cô lập mình với nỗ lực chung của thế giới.

Thứ ba, dù lý do này có phần mang tính nội bộ, song không thể không được tính đến. Đó là để START được Thượng viện "bật đèn xanh", Nhà Trắng đã phải đánh đổi bằng sự thỏa hiệp trong đạo luật về gia hạn cắt giảm thuế. Đã xuất hiện sự mặc cả giữa hai ưu tiên về đối ngoại và đối nội này giữa Dân chủ và Cộng hòa. Tổng thống Obama đồng ý gia hạn biểu thuế áp dụng từ thời cựu Tổng thống George W. Bush cho mọi đối tượng, đi ngược lại cam kết trước đó, để đổi lại một cam kết ngầm của Cộng hòa rằng START mới được sớm đi vào thực tế. Và Nhà Trắng đã thực hiện phần việc của mình khi luật gia hạn thuế chính thức được ban hành cuối tuần qua.

Phương Hồ