04:08 26/04/2012

Tập trung phát hiện và phòng ngừa tham nhũng

Sáng 25/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng BCĐ đồng chủ trì phiên họp thứ 17 của BCĐ nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng quý I;...

Sáng 25/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng BCĐ đồng chủ trì phiên họp thứ 17 của BCĐ nhằm đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng quý I; phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2012 và thảo luận những nội dung công việc liên quan, trong đó có nội dung về mô hình tổ chức, hoạt động của BCĐ.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chủ trì phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN



Dự thảo báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2012 cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những chuyển biến tích cực; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác của các cán bộ, công chức, viên chức; minh bạch tài sản, thu nhập… tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Về công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng; thanh tra Chính phủ đã chủ trì, giúp Chính phủ tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng; đã ban hành 11 kết luận thanh tra (thanh tra tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Viễn thông Quân đội; Tập đoàn Sông Đà…). Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm, thiếu sót về kinh tế với số tiền 32.744 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 1.584 tỷ đồng; loại khỏi giá trị quyết toán 10 tỷ đồng; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền 10.665 tỷ đồng; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc. Thanh tra các tỉnh, thành phố đã kết thúc 310 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; tiến hành 23 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai, thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý số tiền hơn 74.595 triệu đồng, chuyển xử lý hình sự 3 vụ có hành vi tham nhũng. Kiểm toán Nhà nước đã kết thúc kế hoạch kiểm toán năm 2011; kiến nghị xử lý tài chính của 147/151 cuộc kiểm toán đã phát hành báo cáo, trong đó các khoản tăng thu là 2.534,5 tỷ đồng; các khoản giảm chi là 2.282,9 tỷ đồng.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, dự thảo báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế yếu kém của công tác phòng, chống tham nhũng như: Một số địa phương đã xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nhưng không có trường hợp nào xử lý trách nhiệm người đứng đầu vì để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập còn chậm; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng còn chậm, kéo dài, nguyên nhân vướng mắc chủ yếu là do công tác giám định tài chính, giám định chất lượng công trình hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ điều tra; nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm túc quy định chế độ thông tin, báo cáo về phòng, chống tham nhũng.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến phát biểu, đề xuất hết sức xác đáng của các thành viên BCĐ như việc tăng cường cho chống tham nhũng; xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng; các chế tài xử lý, bản án phải đủ sức răn đe; đẩy mạnh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng; tập trung phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng… Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thời gian qua các giải pháp đề ra trên cả hai mặt là phòng và chống tham nhũng đã tiếp tục được triển khai hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực bước đầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu đặt ra là phải tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nội dung phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay; coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các bộ, ngành, địa phương; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với công tác này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cùng với việc xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, công khai, minh bạch các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, cần phải tập trung vào khâu phát hiện và phòng ngừa tham nhũng, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát… Xử lý tới nơi, tới chốn những kết luận của thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu của tham nhũng, tiêu cực. Dứt khoát phải thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thông qua xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò của các chi bộ, của mỗi đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường cơ chế giám sát của nhân dân, của các đoàn thể chính trị, xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý các cơ quan chức năng tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, đặc biệt là xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp còn để tồn đọng, kéo dài.

Thiện Thuật