10:22 21/10/2012

Tập trung nguồn lực để phòng chống dịch bệnh dịp cuối năm

Trong những tháng cuối năm, dịch bệnh sẽ diễn diến phức tạp. Bên cạnh một số loại dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở nhiều địa phương như Tay chân miệng, rubella, sốt xuất huyết, các chuyên gia y tế còn lo ngại về nguy cơ xảy ra dịch cúm A/H5N1 ở người.

Trong những tháng cuối năm, dịch bệnh sẽ diễn diến phức tạp. Bên cạnh một số loại dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở nhiều địa phương như Tay chân miệng, rubella, sốt xuất huyết, các chuyên gia y tế còn lo ngại về nguy cơ xảy ra dịch cúm A/H5N1 ở người.


 

Điều trị bệnh nhân bị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu -TTXVN

 

Vì vậy, phát biểu kết luận và chỉ đạo tại Hội nghị giao ban trực tuyến "Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh năm 2012 và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2013" diễn ra ngày 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: Các Bộ, ngành, đoàn thể và 63 tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt và ưu tiên kinh phí, nguồn lực phòng chống dịch bệnh.

 

Theo Phó Thủ tướng, các địa phương và các bộ, ngành cần tập trung nguồn lực, quyết liệt phòng chống thì dịch bệnh khó xảy ra và bùng phát trên diện rộng. Phó Thủ tướng yêu cầu: Để nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, lãnh đạo các địa phương quan tâm và chủ động phòng ngừa; có chính sách hỗ trợ cho người làm công tác y tế dự phòng, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch năm 2013 theo sát với tình hình thực tế, thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra về công tác sẵn sàng ứng phó với phòng chống dịch tại các địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung xây dựng đề án về tăng cường năng lực cho hệ thống y tế dự phòng; quy hoạch phát triển hệ thống y tế; chiến lược phòng chống bệnh truyền nhiễm, chiến lược quốc gia về y tế dự phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để trình Chính phủ phê duyệt.


Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị tổng kết đánh giá 25 năm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng; phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi và định mức chi cho công tác phòng chống dịch phù hợp thực tế hiện nay. Bộ Thông tin - Truyền thông chủ động xây dựng Đề cương kế hoạch tuyên truyền phòng chống dịch bệnh và các bộ, ngành liên quan để tuyên truyền, phổ biến về nguy cơ, các biện pháp phòng, chống dịch, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Xu hướng gia tăng


Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước phát hiện 51.256 ca sốt xuất huyết, 42 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2011, số mắc sốt xuất huyết tăng 20,5%, số ca tử vong cũng tăng hơn 30%. Số mắc và tử vong chủ yếu tập trung ở khu phía Nam, chiếm 86,2% số ca mắc và 85,4% số ca tử vong của cả nước.


Số ca mắc bệnh tay chân miệng trong cả nước trong 9 tháng năm 2012 cũng rất cao với 103.561 ca tại 63 địa phương, trong đó đã có 41 trường hợp tử vong tại 15 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2011 (57.055 ca mắc/113 ca tử vong), số mắc tăng 81,5%, số tử vong giảm 175,65%.


Năm 2012 cũng năm đầu tiên Việt Nam phát hiện 2 trường hợp nhiễm amip “ăn” não người, 1 ca tử vong và 1 ca đang được theo dõi điều trị. Bệnh sốt rét tuy đã được khống chế ở tỷ lệ mắc thấp nhưng gần đây lại bùng phát ở Đắk Nông với 420 ca, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ xét nghiệm dương tính với ký sinh trùng sốt rét tăng hơn 30% so với năm trước...


Tuy nhiên, các nhà chuyên môn đặc biệt lo ngại là nếu như trong cả năm 2011, Việt Nam không ghi nhận ca mắc cúm A/H5N1 thì năm 2012 lại phát hiện 4 ca bệnh (tại Kiên Giang, Sóc Trăng, Bình Dương, Đắk Lắk), trong đó 2 ca đã tử vong tại các địa phương. Các trường hợp mắc cúm A/H5N1 đều liên quan đến ổ dịch cúm gia cầm trên địa bàn và đều có tiền sử tiếp xúc hoặc ăn thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.


Từ tháng 1 - 9/2012, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 24 tỉnh, thành phố. Hiện nay, tuy chỉ còn 5 tỉnh còn lưu hành dịch cúm A/H5N1 ở gia cầm (Quảng Ngãi, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Thái Bình) nhưng nguy cơ dịch bùng phát trên đàn gia cầm và lây lan, gây bệnh trên người là rất lớn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

 

Tăng cường công tác y tế dự phòng


“Trong 3 tháng cuối năm, ngành y tế sẽ tăng cường công tác y tế dự phòng, ngăn chặn và dập dịch kịp thời, không để dịch lớn xảy ra”, ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Y tế khẳng định tại một Hội nghị do Bộ Y tế tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội.


Để giảm nguy cơ bùng phát bệnh dịch dịp cuối năm, đại diện ngành y tế cho biết sẽ tăng cường giám sát dịch bệnh chủ động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời. Chú trọng thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích, dự báo xu hướng phát triển của dịch bệnh ở từng địa phương để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh…


Ngoài ra, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cũng sẽ được chú trọng. Theo đó, sẽ tăng cường phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, giáo dục vệ sinh tại những nơi có nguy cơ cao, nơi tập trung đông người như: trường học, khu công nghiệp. Tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước phòng chống dịch bệnh, thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng, ngủ màn, ăn chín uống sôi…


Để đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng: “Cần phải tạo thế chân kiềng vững chắc với sự tăng cường chỉ đạo các cấp chính quyền, sự vào cuộc của người dân và sự tham mưu đắc lực, kịp thời của ngành y tế. Có như vậy thì mới có thể làm tốt được công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo về nguồn nước sạch, an toàn sinh học trong chăn nuôi...”.


Phương Liên - Nhật Minh