12:10 14/12/2012

Tập trung khống chế và loại trừ bệnh dại

Theo Quyết định 2891/QĐ-BNN-TY ngày 14/11/2012 phê duyệt Kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra, UBND cấp xã, phường phải quản lý chặt đàn chó, mèo trên địa bàn.

 

Theo Quyết định 2891/QĐ-BNN-TY ngày 14/11/2012 phê duyệt Kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra, UBND cấp xã, phường phải quản lý chặt đàn chó, mèo trên địa bàn. TS Văn Đăng Kỳ (ảnh), Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y- Bộ NN&PTNT) đã trao đổi với Báo Tin tức về chủ trương khống chế và loại trừ bệnh dại.

 

´Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng nếu nuôi chó mà phải đi đăng ký thì rất phiền hà và khó thực hiện. Chính quyền địa phương cũng khó quản lý vì thiếu nhân lực. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?


Chúng tôi đã tiến hành điều tra 1.200 hộ dân tại 12 xã thuộc 3 huyện (Phù Ninh, Cẩm Khê và thành phố Việt Trì) của tỉnh Phú Thọ về việc quản lý chó, mèo. Đa số người dân đồng ý với chủ trương này. Vấn đề hiện nay là cách tổ chức thực hiện như thế nào cho hiệu quả. Tôi cho rằng việc lập sổ quản lý chó, mèo rất dễ triển khai.


UBND xã, phường sẽ cấp sổ theo dõi và quản lý chó, mèo cho người dân. Người nuôi chỉ cần khai báo vào một tờ khai có mẫu sẵn về số lượng chó, mèo, màu lông và cam kết về tiêm phòng vắcxin đầy đủ, nuôi chó trong nhà, không thả rông… Chó mèo đã được tiêm phòng sẽ được lưu lại số liệu về ngày giờ tiêm để tiện quản lý.


Cách làm thứ hai áp dụng cho vùng nông thôn là mỗi thôn, ấp, bản có một cuốn sổ quản lý chó, mèo do ông trưởng thôn, ấp, bản giữ, người nuôi khai báo vào đó để trưởng thôn và thú y địa phương sẽ nắm được số chó trong thôn và kết quả tiêm phòng bệnh dại cho chó.


Khi chó, mèo bị bán, chết hay bị làm thịt, chủ hộ có trách nhiệm đến khai báo cho trưởng thôn để cập nhật thông tin, số liệu. 98% nguyên nhân gây bệnh dại là do chó, 1% là do mèo và 1% là do các loài động vật khác. Vì thế, việc quản lý và tiêm phòng đàn chó được chú trọng hơn, còn quản lý mèo chỉ làm ở khu vực thành phố.


Giai đoạn 1991 - 1996, cả nước có khoảng 200 - 300 người chết/năm do bệnh dại. Năm 2011, số người chết là 110 người và từ đầu năm 2012 đến nay là 85 người. Trong khi đó, vắcxin phòng dại cho người hiện nay khá cao, khoảng từ 600.000 - 900.000 đồng/liều. Quy định chó, mèo thả rông bắt được sau 72 giờ nếu không có người nhận sẽ bị tiêu hủy chỉ áp dụng tại TP Hồ Chí Minh và chỉ tiêu hủy với trường hợp nghi mắc bệnh dại. Về lâu dài, để xóa bệnh dại, phải có quy định chặt chẽ về trách nhiệm của chủ vật nuôi như: Phải xích chó trong nhà, không thả rông vật nuôi, chó dữ khi ra đường phải có rọ mõm... Dự thảo Luật Thú y đang được xây dựng để đến năm 2014 sẽ trình Quốc hội phê duyệt.

Hiện nay, chúng ta chưa có thống kê chính xác để quản lý đàn chó trên cả nước. Năm 2008, ngành thú y tiến hành thống kê thì cả nước có 6 triệu con chó, song theo số liệu ngày 1/4/2012 của Tổng cục Thống kê công bố, cả nước có trên 10 triệu con chó. Như vậy, với số lượng 4 triệu liều vắcxin tiêm phòng dại cho chó hàng năm thì chúng ta mới chỉ kiểm soát được 40% số lượng chó.


Theo lộ trình Bộ NN&PTNT đặt ra, đến năm 2015 tỷ lệ vắcxin tiêm phòng bệnh dại cho chó đạt 70% và đến năm 2020 cả nước cơ bản khống chế được bệnh dại.
Trước mắt, chúng tôi sẽ khoanh vùng 13 tỉnh có nguy cơ bị bệnh dại cao như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang... để tập trung tiêm phòng đạt tỷ lệ cao ở các ổ dịch cũ, đã giảm lưu hành bệnh dại.

 

´Thưa ông, việc quản lý chó, mèo và tiêm phòng bệnh dại là rất cần thiết. Tuy nhiên, có một thực tế là ở Việt Nam, nuôi chó còn để kinh doanh, giết thịt. Vậy quy định quản lý chó, mèo có đưa vào “tầm ngắm” những cơ sở vận chuyển, giết thịt chó, mèo hay không?


Thông tư Hướng dẫn phòng chống bệnh dại là áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán chó, mèo, động vật cảm nhiễm với bệnh dại. Tức là nuôi chó, kinh doanh chó cũng phải áp dụng Thông tư này.


Theo đó, nếu nuôi chó là phải đăng ký, nhất là những hộ nuôi chó để kinh doanh, giết thịt càng phải thực hiện nghiêm quy định về tiêm phòng vắcxin dại, quản lý đàn chó không để chó thả rông, gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo chó nuôi để kinh doanh cũng phải được tiêm phòng bệnh dại, tránh trường hợp các đối tượng vận chuyển và đưa đi giết thịt những con chó bệnh dại hoặc mới tiêm vắcxin, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.


Xin cảm ơn ông!


Mạnh Minh (thực hiện)