04:22 12/04/2015

Tập trung đầu tư cho vùng khó khăn

PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho mạng lưới YTCS trong thời gian tới.

PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho mạng lưới YTCS trong thời gian tới.

´Để thay đổi diện mạo YTCS, tạo niềm tin và giữ người bệnh ở lại với tuyến YTCS, ngành y tế sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Để phát triển YTCS, cần tăng cường nhận thức và trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với vấn đề này. Thực tế cho thấy, ở đâu có đầu tư thì ở đó có sự phát triển. Ví như ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhờ được đầu tư đồng bộ (chủ yếu từ địa phương) về cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị, đào tạo cán bộ và mở rộng dịch vụ y tế theo khả năng chuyên môn của BS… nên người dân rất tin tưởng, chỉ muốn khám chữa bệnh tại YTCS, nhất là các TYT.

Về phía ngành y tế, chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng đến việc phát triển nhân lực cho YTCS. Ngành tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung đào tạo đáp ứng sự thay đổi về nhu cầu chăm sóc sức khỏe mô hình bệnh tật, đặc biệt đào tạo cho cán bộ y tế về y học gia đình. Các trung tâm y tế, BV huyện thực hiện luân phiên cán bộ về các TYT xã để bảo đảm thường xuyên khám, chữa bệnh tại xã (2 - 3 ngày/tuần). Thực hiện luân phiên bác sỹ của TYT xã lên trung tâm y tế, BV huyện để tham gia trực và làm chuyên môn y tế nhằm nâng cao trình độ. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện và triển khai các chính sách đặc thù về đào tạo, tuyển dụng viên chức YTCS.

Đặc biệt, cơ chế tài chính cho YTCS sẽ được đổi mới nhằm khuyến khích việc cung cấp các dịch vụ y tế một cách hiệu quả. Bộ Y tế đang triển khai phân bổ tài chính dựa trên kết quả đầu ra. Phát triển hình thức BHYT dài hạn đặc thù cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Bộ Y tế đang trình Chính phủ Đề án tăng cường YTCS. Sau khi Đề án này được phê duyệt và bố trí nguồn ngân sách triển khai, YTCS sẽ có những thay đổi quan trọng về chất và lượng.

´Tại nhiều địa phương, dù đã đưa ra chính sách đãi ngộ nhưng người về thì ít mà số BS chuyển đi thì nhiều. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Để cán bộ YTCS yên tâm công tác phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị song song với đào tạo nâng cao cho cán bộ y tế và thay đổi chế độ tài chính, cả cơ chế phân bổ (dựa trên kết quả đầu ra) nhằm nâng cao thu nhập cho họ… Bên cạnh đó, cũng cần kịp thời động viên, vinh danh những cán bộ YTCS có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đó cũng chính là hàng loạt giải pháp mà ngành y tế đang tích cực triển khai. Thực tế ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và Khánh Hòa, 2 địa phương có mạng lưới YTCS hoạt động tốt cho thấy, khi triển khai đồng bộ các giải pháp trên thì không chỉ người dân muốn khám, chữa bệnh tại YTCS mà cả cán bộ y tế cũng rất vững tâm, gắn bó với việc khám, chữa bệnh tại tuyến y tế gần dân nhất.

´Nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất và trang thiết bị cho YTCS cần triển khai trọng điểm hơn. Bộ Y tế đã “tính” đến vấn đề này chưa, thưa ông?

Trọng tâm thời gian tới là sẽ tập trung đầu tư trước cho y tế vùng sâu, vùng xa; những nơi gần các BV thì sẽ xây dựng mô hình y tế phù hợp, tránh lãng phí. Bộ Y tế đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới để xây dựng Dự án đổi mới cung ứng dịch vụ, nhằm xây dựng mạng lưới y tế đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh nhưng phù hợp với khả năng và sẽ không giống nhau giữa các vùng miền. Ví dụ, với những TYT quá gần BV thì không tổ chức đỡ đẻ mà sẽ chủ yếu làm công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Như vậy, nguồn lực chắc chắn sẽ tập trung hơn.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)