08:09 05/08/2011

Tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

Sáng 4/8, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011...

Thảo luận sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

Tiếp tục kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, sáng 4/8, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình Đinh Thế Huynh phát biểu tại tổ Lào Cai, Hoà Bình, Hà Tĩnh và Cà Mau. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, nhiều đại biểu cho rằng, sau 4 tháng triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, với quyết tâm cao cùng với việc tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; sự cố gắng tích cực của các địa phương, các doanh nghiệp và sự đồng thuận của toàn xã hội, tình hình KT-XH những tháng gần đây đã có một số chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình KT-XH cũng nổi lên nhiều khó khăn, thách thức cần được phân tích kỹ, đánh giá, làm rõ nguyên nhân để tập trung chỉ đạo sát sao hơn.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về 8 nhóm giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm nhằm hoàn thành các chỉ tiêu năm 2011 ở mức cao nhất. Các đoàn đại biểu đều nhất trí với đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng cuối năm và nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra trong những tháng cuối năm.

Tại đoàn Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đề cập đến một vấn đề là làm thế nào để quỹ bình ổn hàng hóa thật sự hiệu quả, thông qua cơ chế nào thì phù hợp và phải kiểm soát chặt chẽ được việc tiếp nhận. Tuy quỹ bình ổn không phải là nguồn lực quá lớn để có thể đáp ứng cả nhu cầu thị trường tiêu dùng, nhưng cũng là một giải pháp có ý nghĩa và cần thiết vào thời điểm này. Vì vậy, những biện pháp can thiệp kinh tế kiểu như quỹ bình ổn giá chỉ thực sự có ý nghĩa khi đến được tay người tiêu dùng.

Các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ vẫn thu hút nhiều ý kiến đóng góp. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường - đoàn Hà Nội cho rằng, lãi suất tăng cao như hiện nay, để kinh doanh có lãi rất khó vì doanh nghiệp ít nhất phải đạt lợi nhuận 25% mới đủ chi phí. Con số huy động đầu vào 14% là không thực tế bởi lãi suất thỏa thuận vẫn tồn tại, có lúc lên tới 17-18%, thậm chí có thể cao hơn. Như vậy, tính minh bạch của hệ thống ngân hàng bị phá vỡ. Nhiều đại biểu cùng chung ý kiến siết chặt tín dụng với bất động sản phải có lộ trình giảm dần, giảm từ từ bởi đây cũng là áp lực lớn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Trần Thị Dung phát biểu ý kiến tại hội trường chiều 4/8. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN


“Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến to lớn, phức tạp và sâu sắc. Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình mới là rất cần thiết”. Tại phiên họp toàn thể buổi chiều 4/8 do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì, các đại biểu đều thống nhất với đề xuất trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Tờ trình do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, căn cứ vào các văn kiện của Đảng và tình hình thực tiễn của đất nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị 7 định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 về: Chế độ chính trị; chế độ kinh tế; văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân; tổ chức bộ máy nhà nước; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp. Theo đó, về chế độ chính trị, khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đã được nhân dân ta, mà đại diện cao nhất là Quốc hội thừa nhận và ghi vào Hiến pháp. Khẳng định nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Các đại biểu cho rằng Hiến pháp là nền tảng bảo đảm cho tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần quan tâm đến tính hệ thống, tính nhất quán, ổn định lâu dài của Hiến pháp. “Để bảo đảm Hiến pháp có chất lượng tốt, có hệ thống, tính nhất quán cao thì phải tổng kết, hệ thống hóa pháp luật”, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) nói.

Đề cập đến 4 bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, nếu như Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp của thời kỳ lập quốc thì Hiến pháp năm 1992 được coi là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới phát triển đất nước. Tuy là đổi mới toàn diện đất nước nhưng lại chủ yếu đổi mới về chế độ kinh tế, văn hóa, quyền và nghĩa vụ công dân, còn bộ máy quản lý nhà nước vẫn giữ cơ bản như cũ. Do vậy, theo đại biểu, cơ bản nhất là phải tập trung sửa đổi quy định về bộ máy nhà nước. Chính phủ với tính chất là cơ quan hành chính cao nhất sẽ được thể hiện ở những phương diện gì, đây là vấn đề cần phải được làm rõ. Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao, vậy quyền lực giám sát của Quốc hội đến đâu? Phải làm rõ được vấn đề quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc lập pháp, hành pháp và tư pháp - đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) kiến nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh đến việc phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, hoàn thiện cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước, bổ sung quy định và làm rõ hơn nội hàm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Tuy thống nhất với các đại biểu về việc sửa đổi tổ chức bộ máy nhà nước, song, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cho rằng đây chỉ là một trong những vấn đề trọng tâm chứ không phải lần này chỉ nên tập trung sửa đổi tổ chức bộ máy mà phải nghiên cứu toàn bộ các vấn đề của Hiến pháp. Nhiều vấn đề đặt ra như sở hữu (nhất là đất đai), các quyền cơ bản của công dân cũng cần được nghiên cứu...

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ được thuyết minh giải trình trong phiên họp bế mạc trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua. Trong quá trình nghiên cứu triển khai, phải tiến hành tổng kết việc thi hành Hiến pháp, các nghị quyết liên quan của Đảng mới có thể biết được nội hàm phạm vi sửa đổi toàn diện hay không. Theo kế hoạch sơ bộ, tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 sẽ được triển khai từ tháng 8/2011 – 3/2012. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2013.

Cuối buổi chiều, Quốc hội đã nghe báo cáo về tình hình Biển Đông.

Thu Hằng - Chu Thanh Vân