11:17 10/11/2010

Tạo sự liên kết và đa dạng hoá sản phẩm hút khách

Trung tâm xúc tiến du lịch Hà Nội (Sở Văn hoá Thể thao Du lịch Hà Nội) vừa tổ chức khảo sát một loạt điểm du lịch tại huyện Ba Vì nhằm liên kết xây dựng chương trình du lịch sinh thái, thu hút khách quốc tế và kéo dài thời gian lưu trú tại Hà Nội.

Trung tâm xúc tiến du lịch Hà Nội (Sở Văn hoá Thể thao Du lịch Hà Nội) vừa tổ chức khảo sát một loạt điểm du lịch tại huyện Ba Vì nhằm liên kết xây dựng chương trình du lịch sinh thái, thu hút khách quốc tế và kéo dài thời gian lưu trú tại Hà Nội.

Du lịch tự phát

Ba Vì là một trong 2 điểm du lịch sinh thái nổi bật của Thủ đô Hà Nội. Khác với Sóc Sơn, Ba Vì có một ưu thế nổi bật với Vườn quốc gia Ba Vì, đây là 1 trong 6 vườn cấp quốc gia với mức độ đa dạng sinh học cao. Chính vì vậy, trong vài năm gần đây, Ba Vì luôn là điểm đến nghỉ ngơi, thăm quan của nhiều người dân Hà Nội. Dù lượng khách đến đây năm sau tăng hơn năm trước từ 10-15% nhưng du lịch vẫn mang tính tự phát và phục vụ chủ yếu khách du lịch nội địa.

Ông Trần Thành Công, Phó giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist nhận xét: khách đến Ba Vì chủ yếu đi trong ngày và tự tổ chức đi là chính; có thể phân chia thành 2 luồng khách rõ rệt: khách cao cấp đến các resort thường đi theo kiểu gia đình, công ty tổ chức và khách bình dân chủ yếu là học sinh, sinh viên, thanh niên và người dân quanh vùng đến du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái. Chính vì vậy, các khu du lịch tại Ba Vì đang đầu tư theo 2 hướng: resort cao cấp phục vụ nghỉ dưỡng và khu du lịch với mức giá vừa phải. Tuy nhiên, khi đã xác định là du lịch sinh thái là nền tảng, các khu du lịch cũng không nên bê tông hóa nhiều hạng mục phá vỡ cảnh quan và làm phản tác dụng. Điều này nhận thấy rõ nhất là tại khu du lịch Ao Vua cộng với thái độ phục vụ khách khiến khu du lịch mất lợi thế cạnh tranh với các điểm du lịch khác đang nổi lên.

Đồng quan điểm này, chị Hồng Nhung, đại diện Công ty du lịch Đại dương xanh cho rằng: việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch là cần thiết để phục vụ nhu cầu cần thiết nhưng tránh bê tông hóa tràn lan. Đồng thời, các khu du lịch đầu tư chiều sâu để trở thành nơi giáo dục về môi trường thiên nhiên. Trong một chuỗi các khu du lịch tại Ba Vì, đáng chú ý là điểm du lịch Thiên Sơn- Suối Ngà với không gian rộng, hạ tầng được nâng cấp hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng để thu hút đối tượng khách bình dân vừa vui chơi vừa kết hợp giáo dục về môi trường sinh thái.

Đại diện Công ty du lịch DreamViet cho rằng: hiện Vườn quốc gia Ba Vì đang là tâm điểm của du lịch sinh thái của cả vùng nhưng khai thác du lịch mới chỉ dạng tài nguyên sẵn có, chưa vào bề sâu. Khách đến đây du lịch theo kiểu sinh thái mới chỉ “hít khí trời trong lành”, chưa có những hướng dẫn cụ thể về thảm thực vật đa dạng ở đây. Vườn quốc gia Ba Vì có thể bố trí hướng dẫn viên giới thiệu về sự đa dạng sinh học ở đây và hoàn toàn có thể bắt chước cách làm của Vườn quốc gia Cúc Phương. Ngoài ra, Vườn quốc gia Ba Vì còn có thể bổ xung các dịch vụ đi xe đạp địa hình, vui chơi thể thao… mới có thể thu hút đoàn khách nước ngoài.

Tiến tới làm du lịch chuyên nghiệp

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho biết, chương trình khảo sát du lịch sinh thái Ba Vì nằm trong chương trình hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long với mục đích tạo sự gắn kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn Ba Vì và kết nối với các doanh nghiệp lữ hành. Hiện nay, hầu hết các khu du lịch trên địa bàn đang tự quảng bá để thu hút khách nhưng nếu liên kết với lữ hành sẽ phát triển tốt hơn bởi xét góc độ nào đó, công ty lữ hành như là “đại lý” gom khách cho các điểm du lịch. Để làm được điều này, 2 bên dung hoà được lợi ích và có gói sản phẩm tương thích. Đây là cơ hội lớn cho các đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn Ba Vì bắt tay với doanh nghiệp lữ hành để thu hút khách chuyên nghiệp hơn.

Ông Trần Thành Công cho rằng: việc khảo sát một loạt tuyến điểm du lịch trên địa bàn Ba Vì rất hữu ích với các doanh nghiệp lữ hành bởi qua đó biết rõ những thế mạnh từng khu du lịch và từ đó sâu chuỗi lại các dịch vụ để tạo ra một tour du lịch hấp dẫn. Chúng ta có thể học cách làm chương trình du lịch homestay (du lịch cộng đồng) và sinh thái của Nhật Bản như thông báo lịch gieo trồng và cập nhật thường xuyên cho du khách để du khách tham gia từ quá trình gieo trồng, thu hoạch và phơi lúa và hưởng thụ sản phẩm. Thực tế, tại Hà Nội, do quá trình đô thị hóa, rất nhiều trẻ em và thanh niên không biết đến nghề nông, môi trường thiên nhiên hoang dã nên Ba Vì hoàn toàn có thể xây dựng một những sản phẩm đặc thù du lịch hấp dẫn thu hút du khách.

Đại diện các doanh nghiệp lữ hành trong chuyến khảo sát đều cho rằng: việc hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch và lữ hành là hoàn toàn có thể bởi ngoài những tháng hè đông khách và chủ yếu là khách lẻ tự đi. Nhưng mùa đông, khách thường rất vắng và khu du lịch cần đưa ra những gói sản phẩm ưu đãi để công ty lữ hành có thể hợp tác và quảng bá đưa khách đến.

Anh Phạm Hoàng Tuấn, Công ty Vietnamtourist tại Hà Nội cho biết: việc hợp tác giữa lữ hành và các điểm du lịch tại Ba Vì trước tiên là công tác xúc tiến quảng bá. Nhiều doanh nghiệp lữ hành thiếu thông tin về dịch vụ mới, chính sách giá cả theo mùa vụ. Do đó, các điểm du lịch tại Ba Vì nên có người chuyên trách để quảng bá cũng như có cơ chế hợp tác đồng bộ hơn.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho rằng: du lịch sinh thái là thế mạnh của Ba Vì và cần được phát huy. Vườn quốc gia Ba Vì là đơn vị đầu tiên được giao thí điểm dự án “thuê môi trường để làm du lịch”. Thực tế là mô hình này đang mang lại hiệu quả tại khu du lịch Thiên Sơn- Suối Ngà nhưng cần phải có sự tổng kết trước khi nhân rộng. Hiện nay, hạ tầng giao thông tuyến đường Láng- Hòa Lạc đang được hoàn thiện và hạ tầng về lưu trú cơ bản đáp ứng được nhu cầu du khách sẽ là nền tảng để hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, để lượng khách quay lại nhiều lần và thu hút được khách quốc tế cần phải có sự đa dạng sản phẩm, cũng như tạo sản phẩm đặc trưng. Hiện các khu du lịch tại Ba Vì đều có sản phẩm na ná nhau và trùng lặp như: trượt cỏ, bể bơi, đốt lửa trại… Do đó, mỗi khu nên đầu tư một sản phẩm thế mạnh để từ đó tạo sự liện kết, tránh cạnh tranh phá giá. Đồng thời, các điểm du lịch cần tăng cường quảng bá, xúc tiến sản phẩm qua nhiều kênh thông tin, đặc biệt là sự hợp tác với các hãng lữ hành trong việc tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa, tâm linh và làng nghề tại Ba Vì.

Sau chuyến khảo sát, Trung tâm xúc tiến du lịch Hà Nội và CLB lữ hành Hà Nội sẽ xây dựng tour mẫu du lịch sinh thái Ba Vì và sớm hoàn thiện giới thiệu vào trung tuần tháng 8 để không chỉ thu hút khách trong nước mà cả du khách quốc tế.

Xuân Cường