09:17 12/09/2014

Tạo sự khác biệt sản phẩm xuất khẩu để cạnh tranh

Tại Diễn đàn xuất khẩu 2014, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có vai trò hỗ trợ của Chính phủ và các hiệp hội ngành nghề xuất khẩu trong việc định hướng xuất khẩu, đồng thời cần tạo sự khác biệt sản phẩm xuất khẩu để cạnh tranh.

Mặc dù xuất khẩu (XK) Việt Nam giữ mức tăng trưởng ổn định, thế nhưng vẫn gặp không ít khó khăn và thách thức khi mở rộng thị trường. Theo đó, tại Diễn đàn xuất khẩu 2014 do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 12/9, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế trong và ngoài nước cho rằng, cần có vai trò hỗ trợ của Chính phủ và các hiệp hội ngành nghề XK trong việc định hướng XK, đồng thời cần tạo sự khác biệt sản phẩm xuất khẩu để cạnh tranh.


Toàn cảnh Diễn đàn xuất khẩu 2014 do ITPC tổ chức ngày 12/9. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN


Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch XK trong 8 tháng đầu năm 2014 ước đạt 96,98 tỷ USD, tăng khoảng 14,1% so với cùng kỳ; xuất siêu của cả nước đạt gần 1,7 tỷ USD, góp phần đảm bảo dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô.


Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, XK Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện chính sách kinh tế. Cụ thể, tăng tốc độ xuất khẩu chưa có tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội địa; chiến lược xuất khẩu chưa gắn với việc khai thác thế mạnh về nông nghiệp; nền công nghiệp mang nặng tính chất gia công; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển; xuất khẩu chủ yếu cạnh tranh về số lượng và giá cả, nhất là sản phẩm nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt, thủy hải sản nên rất rủi ro thị trường. Mặt khác, xuất khẩu tập trung quá nhanh vào một số thị trường lớn nhưng nghèo nàn về chủng loại sản phẩm nên rủi ro “dồn trứng một giỏ”… Vì vậy, để có thể được cạnh tranh và mở rộng thị trường XK, chúng ta cần phải kiểm soát được chất lượng và giá thành. Bên cạnh đó, cần phải tạo sự khác biệt của sản phẩm cạnh tranh. Đây chính là thách thức đối với việc mở rộng thị trường xuất khẩu.


Mặc dù XK Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng nhưng nền công nghiệp vẫn mang nặng tính chất gia công


Thực tế cho thấy, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng đến gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đến nay vẫn tập trung ở 5 thị trường có tỷ trọng lớn nhất là: EU, Hoa Kỳ, ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc. Theo đó, tại diễn đàn các chuyên gia kinh tế quốc tế đã phân tích những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó nhấn mạnh các hiệp định thương mại TPP và TFA là cơ hội lớn cho Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng chủ lực.


Ông Herb Cochran, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho chia sẻ: TPP và TFA là cơ hội lớn cho Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng chủ lực, bởi các hiệp định này sẽ mang đến những điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam tiếp cận được với những phương tiện máy móc và công nghệ tiên tiến từ các quốc gia có nền công nghệ phát triển như Nhật Bản hoặc Hòa Kỳ… với giá thành hợp lý. Từ đó, có thể thực hiện chiến lược cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định giá thành để đủ sức cạnh tranh trên mọi thị trường. Hơn nữa, với những hành lang pháp lý thông thoáng, các DN Việt Nam còn có thể chủ động tiếp cận và thâm nhập vào các thị trường mới những có tiềm năng.


Ngân hàng Vietinbank ký kết với ITPC về hỗ trợ nguồn vốn cho DNXK mở rộng thị trường. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN


Là địa phương chiếm 35% tỷ trọng xuất khẩu của cả nước, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, để đạt được kết quả trên, TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để DN mở rộng sản xuất, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của mọi thị trường kể cả trong nước và quốc tế. Đồng thời, có cơ chế kích cầu, hỗ trợ để cho các DN triển khai đầu tư trang thiết bị máy móc, công nghệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, giảm giá thành, giảm chi phí… Bên cạnh đó, thành phố rất quan tâm đến vấn đề đối thoại doanh nghiệp trên cơ sở đó các doanh nghiệp nắm bắt được những chính sách, cơ chế chính sách ưu đãi... giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập.


Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng thường xuyên chỉ đạo ITPC tổ chức các hoạt động xúc tiến XK trong và ngoài nước, nhờ vậy đến nay thành phố có quan hệ kinh tế với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, xuất khẩu vào thị trường châu Á chiếm tỷ trọng lớn nhất với 54,67%; tiến đến là châu Mỹ với 23,01% và thị trường châu Âu là 18,89%. Để nâng cao năng lực cạnh tranh DN, TP Hồ Chí Minh.


Thông qua diễn đàn, đại diện các tổ chức quốc tế cũng đã chia sẻ những thông tin quan trong về hoạt động xuất – nhập khẩu và những điều doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp và Nga…


Tin, ảnh: Hải Yên