06:23 29/06/2015

Tạo sinh kế cho đồng bào vùng lõi bảo vệ rừng

Năm 2015, UNBD tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt kinh phí theo Quyết định 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư cho cộng đồng dân cư thôn, bản vùng đệm, vùng lõi để đồng bào quản lý rừng đặc dụng, mức hỗ trợ mỗi năm là 40 triệu đồng/thôn/bản.

Năm 2015, UNBD tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt kinh phí theo Quyết định 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư cho cộng đồng dân cư thôn, bản vùng đệm, vùng lõi để đồng bào quản lý rừng đặc dụng, mức hỗ trợ mỗi năm là 40 triệu đồng/thôn/bản.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn, toàn tỉnh có 83 thôn, bản nằm trong vùng lõi, vùng đệm các khu rừng đặc dụng. Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn được giao nhiệm vụ triển khai, hướng dẫn các thôn, bản này sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được hỗ trợ để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, từ đó giảm áp lực đối với rừng.

Một góc bản Khau Qua của đồng bào Mông ở vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể.


Ông Hoàng Văn Hải, Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Kạn cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm đến tận các thôn, bản để lấy ý kiến người dân nên sử dụng số tiền này như thế nào cho hợp lý. Theo quy định tại Quyết định 24, khoản kinh phí này được chi cho các nội dung đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất, gồm khuyến nông, khuyến lâm, giống cây, giống con, thiết bị chế biến nông sản quy mô nhỏ; hỗ trợ vật liệu xây dựng cho thôn, bản như làm nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông… Kiểm lâm các khu rừng đặc dụng đã đến từng thôn, bản hướng dẫn nhân dân sử dụng số tiền này sao cho thật hiệu quả, đúng mục đích, bảo đảm không thất thoát; đồng thời ký cam kết với từng hộ dân không xâm hại rừng đặc dụng, cung cấp các nguồn tin có giá trị để kiểm lâm bảo vệ rừng".

Đất canh tác của đồng bào vùng lõi.


Thôn Lủng Lỳ, xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) có 45 hộ đồng bào dân tộc Dao, chủ yếu là hộ nghèo, do thiếu vốn, không có đất sản xuất, sinh sống ngay tại vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Thời gian vừa qua, một số người trong thôn vào rừng khai thác gỗ quý hiếm về làm nhà, cưa thớt bán. Khi được nhận 40 triệu đồng, bà con trong thôn định sử dụng số tiền này để đổ bê tông sân nhà họp thôn. Kiểm lâm đến họp với dân, phân tích để bà con hiểu thực tế, nhà họp thôn mỗi tháng chỉ sử dụng một lần, nên chưa cần thiết đổ bê tông, bà con nên dùng số tiền này để làm chuồng chăn nuôi, mua giống lợn sẽ hiệu quả hơn. Ông Đặng Văn Lộc, Trưởng thôn Nà Nghè, thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể cho biết: "Nà Nghè đặc biệt khó khăn về đường đi lại. Vì vậy, chúng tôi muốn dùng số tiền này để làm đường. Bước đầu phải san được nền đường rộng, sau đó dùng tiền này để mua thêm xi măng, cát, sỏi đổ những trục đường chính”.

Ông Nguyễn Hữu Kết, Giám đốc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc cũng cho biết: “Trong khu bảo tồn này có 7 thôn, bản, có số tiền này các thôn tổ chức họp và quyết định sử dụng phù hợp với điều kiện từng thôn. Cụ thể: Thôn Nà Dạ, xã Xuân Lạc làm đường lên nhà văn hóa thôn và đường dẫn nước sạch; bản Eng (Xuân Lạc) làm 3 cầu bê tông qua suối; bản Khang (Xuân Lạc) làm nhà văn hóa thôn; thôn Nà Áng (Đồng Lạc) làm cầu xi măng qua suối; Phja Khoa (Bản Thi) mua lợn giống cho các gia đình; Khuổi Kẹn (Bản Thi) làm đường liên thôn; Cốc Tộc (Đồng Lạc) làm 3 đoạn đường liên thôn…".

Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Kạn Hoàng Văn Hải chia sẻ: “Đây là chính sách có ý nghĩa thiết thực với người dân vùng lõi, vùng đệm các rừng đặc dụng, khu bảo tồn. Thông qua việc này, tạo dựng mối quan hệ tốt giữa kiểm lâm với dân để dân thực sự là tai mắt trong bảo vệ rừng”.
Nguyễn Trình