01:18 16/01/2015

Tạo điều kiện tốt hơn cho sinh viên cử tuyển

Tại Hội nghị đánh giá kết quả 7 năm thực hiện Nghị định 134 của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng... đại diện các bộ, ngành và địa phương đã thống nhất kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị định 134 của Chính phủ.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả 7 năm thực hiện Nghị định 134 của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn Tây Nguyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức mới đây tại Đắk Lắk, đại diện các bộ, ngành và địa phương đã thống nhất kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị định 134 của Chính phủ.

Chính sách đặc thù thiết thực

Lý do được các đại biểu đưa ra, đây là chính sách đặc thù rất thiết thực, sát với yêu cầu nhiệm vụ đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, góp phần đáp ứng yêu cầu cán bộ, công chức ở cơ sở đạt chuẩn nhiệm kỳ 2016- 2021 và những năm tiếp theo, nhất là những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các bộ, ngành liên quan hướng dẫn thống nhất một số vấn đề như: Thực hiện tốt chính sách ưu tiên tuyển dụng số học sinh cử tuyển, quy định thống nhất vùng, phạm vi, đối tượng, tiêu chuẩn cử tuyển, việc tiếp nhận sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phải đảm bảo tỷ lệ hợp lý.

Cần chính sách đồng bộ hơn để động viên sinh viên hệ cử tuyển.
Ảnh: Dương Giang – TTXVN


Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo cần mở rộng đối tượng, phạm vi cử tuyển, nếu là học sinh dân tộc rất ít người thì không nhất thiết phải ở vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục duy trì các khoa dự bị tại các trường đại học để đào tạo sinh viên cử tuyển, có chương trình đào tạo thích hợp để giúp các em theo kịp chương trình học tập chính quy. Hướng dẫn các địa phương sát hạch chặt chẽ chất lượng đầu vào để không ảnh hưởng đầu ra, chỉ đạo các cơ sở đào tạo có học sinh cử tuyển, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác quản lý, đánh giá chất lượng học sinh.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần tăng cường sự lãnh đạo và thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với chính sách cử tuyển, đề nghị Tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm đầu mối tham mưu thực hiện chính sách này trong thời gian tới, đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng và được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, kiên quyết kiểm điểm, xử lý những trường hợp làm trái quy định. Sở Nội vụ các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan rà soát tình hình thực tế, nắm đối tượng, ngành nghề đào tạo đã tốt nghiệp chưa bố trí công tác, đề xuất phương án cụ thể trình UBND tỉnh phê duyệt, bổ sung, thay thế các đối tượng này vào các trường hợp đã thôi việc, nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển công tác tại các cơ quan địa phương.

Tại Hội nghị này, các đại biểu cũng đề nghị các tỉnh phải xây dựng quy hoạch chung, kế hoạch cụ thể hàng năm để làm cơ sở tuyển chọn học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào học tại các trường cao đẳng, đại học… Các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện tốt hơn đề án “Tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020” nhằm bảo đảm phương châm “đào tạo phải gắn với nhu cầu địa phương”, “tốt nghiệp phải gắn với bố trí việc làm” phù hợp với từng ngành nghề, từng đối tượng, từng địa phương, quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra, phối hợp với các cơ sở đào tạo làm tốt công tác học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên, khắc phục cho được tình trạng sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa được bố trí việc làm như hiện nay, trong đó, ưu tiên trước hết cho người dân tộc thiểu số tại chỗ.

Vẫn nhiều băn khoăn

Điều băn khoăn nhất hiện nay là sinh viên cử tuyển ra trường chưa có việc làm. Phân tích nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng, hiện hệ cử tuyển muốn thi công chức cũng phải cùng tham gia với sinh viên các hệ đào tạo khác. Khi đó, với trình độ đầu vào thấp hơn, việc thi và đạt vào biên chế của sinh viên cử tuyển rất mong manh. Từ đó, nhiều người đề nghị có chính sách đồng bộ hơn để đối tượng này được hưởng những ưu tiên nhất định tìm việc làm sau khi ra trường.

Ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho rằng: Nguyên nhân học sinh hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp vẫn chưa được bố trí việc làm hết là do hiện nay chỉ tiêu biên chế của Nhà nước quá ít. Trong khi đó xây dựng kế hoạch xét chỉ tiêu cử tuyển lại chưa sát, chưa phù hợp với thực tiễn. Cũng theo ông Hóa, các em sau khi tốt nghiệp không nhất thiết phải vào công tác ở các cơ quan Nhà nước mà cần tạo điều kiện cho các em vào làm việc ở các doanh nghiệp miễn sao đúng với ngành nghề đào tạo, thích hợp với từng vùng, từng địa phương.

Một thực tế nữa là sự mất cân đối về ngành nghề cử tuyển. Đa số sinh viên cử tuyển muốn vào những ngành hấp dẫn, có yêu cầu cao dẫn đến quá trình học tập gặp khó khăn. Nhiều sinh viên cử tuyển lưu ban nhiều năm, có những sinh viên 10 năm vẫn không ra trường được. Trước thực trạng này, có ý kiến cho rằng, nhà trường nên tham gia chọn ngành cho sinh viên, không nên để mình địa phương hay bản thân sinh viên quyết định. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần nghiên cứu giải pháp để tuyển chọn sinh viên cử tuyển vào các ngành nghề hợp lý hơn. Về kinh phí đào tạo, nhiều địa phương trong vùng Tây Nguyên đánh giá mức hưởng 80% lương tối thiểu để sinh hoạt và 50% lương tối thiểu cho trang thiết bị phục vụ quá trình học tập của sinh viên cử tuyển đã không còn phù hợp. Với mức hỗ trợ này, một số sinh viên nghèo phải bỏ học giữa chừng do gia đình không có điều kiện hỗ trợ thêm. Lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo trong vùng đã đề nghị, một mặt tăng mức hỗ trợ kinh phí cho các sinh viên cử tuyển; mặt khác, bổ sung phần chi phí đào tạo cho nhà trường; đồng thời nhất quán trong việc thanh toán chi phí đào tạo...

Các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng đề nghị nên có bộ phận chuyên trách quản lý sinh viên cử tuyển. Hiện nay hầu hết các địa phương không có bộ phận chuyên trách này. Thời gian xét cử tuyển cũng được đề nghị sớm hơn để các trường chủ động trong tuyển sinh và địa phương có thời gian lựa chọn thí sinh phù hợp yêu cầu.


Huy Quang - Viết Tôn