06:17 05/06/2014

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận công lý

Sáng 5/6, các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 5/6, các đại biểu đã làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

 

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện hành xuất phát từ việc Hiến pháp năm 2013 đã có những nội dung mới, quan trọng về chế định Viện Kiểm sát nhân dân. Các ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý đổi mới toàn diện về: hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc hoạt động, chuẩn hóa các chức danh tư pháp và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng...

 

Bảo đảm yêu cầu xây dựng nền tư pháp gần dân

 

Thảo luận mô hình tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện hay khu vực, nhiều ý kiến đại biểu chọn phương án 2 là "Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân tại các đơn vị hành chính cấp huyện". Các ý kiến cho rằng: Việc tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện như phương án 2 là phù hợp với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân. Các lĩnh vực công tác của cấp kiểm sát này đòi hỏi mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án, trong khi các cơ quan này vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức gắn liền với các đơn vị hành chính như hiện nay. Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt yêu cầu của Đảng về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra; bảo đảm yêu cầu xây dựng nền tư pháp gần dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận công lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân, Nhà nước và xã hội.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Thị Bích Nhiệm phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN.

Nhấn mạnh đến sự cần thiết giữ nguyên mô hình Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: Nếu thành lập Viện Kiểm sát nhân dân theo phương án 1 là “Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân theo khu vực” sẽ gây khó khăn cho người dân về khoảng cách địa lý do phải sáp nhập nhiều đơn vị Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện vào Viện Kiểm sát nhân dân khu vực. Mặt khác, nếu thành lập Viện Kiểm sát nhân dân theo khu vực, việc xây dựng trụ sở, mua sắm trang bị, phương tiện làm việc cho mô hình này sẽ rất tốn kém về kinh phí, diện tích đất đai và các nguồn lực khác, trong khi điều kiện kinh tế của đất nước còn gặp khó khăn, do đó, tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện như hiện nay là hợp lý.

 

Đồng tình với việc "Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân tại các đơn vị hành chính cấp huyện", đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) lý giải: Phương án này đã đáp ứng yêu cầu về đổi mới hoạt động tố tụng của Viện Kiểm sát nhân dân, đó là tăng cường hoạt động công tố trong công tác điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra, bảo đảm yêu cầu xây dựng nền tư pháp gần dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý. Mặt khác, để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện Kiểm sát nhân dân phải tham gia hầu hết các giai đoạn tố tụng. Trong đó tố tụng hình sự, yêu cầu đặt ra là Viện Kiểm sát phải tiến hành kiểm sát ngay từ đầu khi tiếp nhận thông tin về tin báo tố giác tội phạm và trong suốt giai đoạn điều tra vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải thực hiện tốt yêu cầu tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra.

 

Cũng tán thành chọn phương án 2, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cho rằng tại một số địa phương việc đi lại để tham gia tố tụng đối với các vụ án rất khó khăn, nếu thành lập Viện Kiểm sát khu vực sẽ gây khó khăn cho người dân khi tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án dân sự hiện nay vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức gắn liền với địa hạt hành chính.

 

Tạo điều kiện cho Kiểm sát viên rèn luyện, phấn đấu

 

Góp ý về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, nên quy định "Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được bổ nhiệm không thời hạn. Các Kiểm sát viên khác được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm", như vậy phù hợp với đặc điểm Việt Nam cũng như thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), dự thảo Luật quy định như vậy là bảo đảm và phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, thận trọng trong việc lựa chọn, bổ nhiệm Kiểm sát viên và tạo động lực phấn đấu vươn lên cho Kiểm sát viên bổ nhiệm lần đầu, cũng bảo đảm phù hợp với Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là ngạch Kiểm sát viên đặc biệt do Chủ tịch nước bổ nhiệm - những người này có trình độ chuyên môn sâu, đã được sàng lọc qua nhiều ngạch, bậc Kiểm sát viên, nếu được bổ nhiệm không thời hạn.

 

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng: "Tất cả các Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu đều có thời hạn là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch, thời hạn là 10 năm, để bảo đảm cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả các Kiểm sát viên". Theo đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình), quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng của đội ngũ Kiểm sát viên. Nhất là trong điều kiện tổ chức, hoạt động và cơ chế giám sát Kiểm sát viên hiện nay, nếu quy định bổ nhiệm Kiểm sát viên không thời hạn sẽ tạo ra tâm lý trì trệ, không chịu phấn đấu rèn lyện. Như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng công tác của Viện kiểm sát. Do đó, quy định thời hạn bổ nhiệm Kiểm sát viên sẽ tạo điều kiện cho Kiểm sát viên rèn luyện, phấn đấu sau mỗi kỳ bổ nhiệm để tự hoàn thiện bản thân. Đây cũng là một biện pháp hữu hiệu để quản lý, giám sát hoạt động và tạo động lực để nâng cao chất lượng đạo đức, tinh thần trách nhiệm của Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ.

 

Xem xét lại một số nội dung cho phù hợp

 

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã góp ý kiến vào một số nội dung khác như: Vai trò của Ủy ban kiểm sát; thẩm quyền, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân khi thực hiện quyền công tố trong giai đoạn điều tra; chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân...

 

Góp ý về vai trò của Ủy ban kiểm sát, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: Cần tiếp tục quy định Ủy ban kiểm sát có vai trò như hiện nay. Đối với việc giải quyết án, Ủy ban kiểm sát có trách nhiệm thảo luận và cho ý kiến trước khi Viện trưởng quyết định. Thủ tục lấy ý kiến Ủy ban kiểm sát là bắt buộc, nhằm kết hợp nguyên tắc tập trung dân chủ với nguyên tắc tập trung thống nhất trong ngành cũng như phát huy tác dụng tích cực của cơ chế Ủy ban kiểm sát. Đồng thời, quy định như vậy sẽ phù hợp với quy định của các luật tố tụng về tư cách tiến hành tố tụng và nguyên tắc chịu trách nhiệm trong hoạt động tư pháp của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.

 

Đề cập về chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân, đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) cho rằng: Bên cạnh việc kế thừa các nhiệm vụ của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân hiện hành, dự án Luật sửa đổi đã bổ sung quy định Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhằm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về Viện kiểm sát nhân dân.

 

Góp ý kiến về thẩm quyền, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện quyền công tố trong giai đoạn điều tra, đại biểu Hồ Văn Năm bày tỏ đồng tình với quy định của dự thảo Luật này và cho rằng: Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo hiến định, đồng thời có cơ sở vững chắc và niềm tin vào chứng cứ tại hồ sơ vụ án. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) đề xuất chỉ nên thành lập cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, điều tra một số tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ cơ quan tư pháp.

 

Nguyễn Cường