11:07 06/11/2012

Tạo cơ sở pháp lý xây dựng thủ đô tương xứng với tính chất đặc thù

Sáng 5/11, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Thủ đô.

Sáng 5/11, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Thủ đô.


Nhiều đại biểu cho rằng: Cơ quan soạn thảo dự án Luật Thủ đô đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; đồng thời, đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số nước để có những quy định phù hợp. So với dự thảo luật đã trình Quốc hội khóa XII, các quy định trong dự thảo luật lần này đã được chỉnh lý lại phù hợp hơn, có tính khả thi cao hơn, bảo đảm chất lượng và điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.


Đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN

Theo đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội), dự thảo đã đạt được bước tiến khá căn bản, thu hẹp được sự khác biệt trong ý kiến về hầu hết các vấn đề quan trọng; xác định một cách rõ ràng hơn, xác đáng hơn tính chất đặc thù của thủ đô và cơ chế, chính sách đặc thù dành cho thủ đô. Đại biểu nhấn mạnh: Tính chất đặc thù của thủ đô là trung tâm chính trị hành chính quốc gia của cả nước, là bộ mặt của cả nước, nơi tập trung các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành; nơi có các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế; nơi diễn ra các sự kiện, hoạt động quan trọng tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Đây chính là những đặc điểm chỉ riêng thủ đô mới có và được xác định là tính chất đặc thù của thủ đô.


Theo đại biểu, với vị thế và vai trò đặc biệt như vậy, chính quyền và nhân dân thủ đô không những thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của riêng mình mà còn có trách nhiệm rất quan trọng và rất vinh dự là thay mặt cả nước đảm bảo điều kiện và môi trường hoạt động tốt, đáp ứng tiêu chuẩn cao về cơ sở hạ tầng, quản lý tổ chức đô thị, văn minh đô thị, xứng đáng ngang tầm với những thủ đô tiên tiến, văn minh hiện đại khác trên thế giới. Do đó, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước cũng có trách nhiệm tạo điều kiện cho Thủ đô thực hiện tốt trọng trách của mình, thông qua các chính sách ưu tiên đầu tư về nguồn lực cũng như cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho Thủ đô hoạt động thuận lợi, có hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.


Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) và nhiều đại biểu khác đồng tình việc quy định cho thủ đô một số cơ chế đặc thù và những chính sách phù hợp là để tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô.


Đại biểu Trần Thị Hoa Sim (Lạng Sơn) phát biểu tại tổ. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN

 

Đồng tình cần thiết có những cơ chế, chính sách đặc thù hơn để đầu tư xây dựng và phát triển thủ đô so với các tỉnh, thành phố khác nhưng đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng cần làm rõ hơn những cơ chế, chính sách đặc thù, nổi bật của thủ đô bởi những vấn đề bức xúc được đề cập trong dự thảo là vấn đề chung trong cả nước chứ không riêng gì Hà Nội, như: quản lý đất đai, giao thông, dân cư… Đại biểu cũng đề nghị làm rõ cơ chế chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy chính quyền thủ đô và mối quan hệ giữa chính quyền thủ đô với các cơ quan Trung ương.


Liên quan đến vấn đề quản lý dân cư, nhiều ý kiến tán thành việc thắt chặt quy định điều kiện đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội bởi nếu không đảm bảo biện pháp hạn chế nhập cư, không thể giải quyết việc xây dựng, phát triển thủ đô trước tình trạng quá tải đối với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo nên những áp lực về giao thông, trường học, chỗ ở, y tế, việc làm. Tuy nhiên, các đại biểu đều cho rằng, về lâu dài cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan, tổ chức ra khỏi nội thành; hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận... mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề này.


Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) khẳng định: Đây là biện pháp hành chính áp dụng trước mắt, không trái với quy định của Luật Cư trú, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà hoàn toàn cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Nhiệm vụ của Nhà nước là phải đảm bảo ngày càng tốt hơn đời sống cho dân cư. Thực tế các đô thị lớn đang có gánh nặng quá tải áp lực dân cư; nếu không có kế hoạch quản lý, phân bổ dân cư hợp lý sẽ làm suy giảm chất lượng sống.


Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), việc đưa ra 2 phương án lựa chọn để thắt chặt điều kiện nhập cư là không đủ sức thuyết phục bởi không thể giảm mật độ dân cư bằng cách này, không thể phủ định và quy định khác đi so với Luật Cư trú. Đại biểu đề nghị cần trả lời được câu hỏi: Vì sao môi trường sống chưa tốt nhưng người dân lại thích kéo về thủ đô? Đại biểu dẫn chứng, trong khi tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, rác thải… ở Hà Nội ở mức báo động, các trung tâm ngoại ngữ, giáo dục từ mẫu giáo đến đại học chất lượng cao, các khu chung cư, khu dân cư cao cấp, văn phòng, trụ sở công ty vẫn liên tục mọc lên, quy tụ về thủ đô. Do đó, việc người dân quy tụ về thủ đô là điều hết sức bình thường vì Hà Nội còn cần đến họ và vì tính hấp dẫn của thủ đô.


Ở một góc nhìn khác, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) và một số đại biểu khác cho rằng, cùng với chính sách, cần kích thích việc hướng tới không gian rộng lớn còn lại bởi thủ đô Hà Nội ngày nay không chỉ là Thăng Long xưa mà còn gắn với văn hóa xứ Đoài. Đất lành chim đậu, nếu xây dựng được cơ sở hạ tầng, chính sách tốt, dân cư sẽ không co cụm chỉ trong vùng lõi của nội thành. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quan trọng hơn là quy hoạch lại các phân khu chức năng để hướng người dân không tập trung vào nội đô.

 

Giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng


Chiều 5/11, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và dự án Luật Hòa giải cơ sở.


Nhiều ý kiến nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Qua thảo luận, hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với dự thảo Luật Thuế TNCN quy định nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng; bổ sung quy định: khi giá thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.


Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc giảm trừ đối với những người phụ thuộc còn thấp và đề nghị cần phải tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 4,5 triệu đồng; đồng thời, cần phải giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng bị mắc bệnh nan y (ung thư...), mức giảm trừ đối với những trường hợp này cần tăng gấp đôi là 7,2 triệu đồng và không đóng thuế thu nhập.


Theo đại biểu Thạch Thị Dân (Trà Vinh), luật cần điều chỉnh các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định đối với người có công. Hiện nay, ngoài phụ cấp ưu đãi đối với người có công, Chính phủ cũng cần quy định cho một số ngành được hưởng phụ cấp ưu đãi, như ngành giáo dục, y tế... Do đó, cần bổ sung thêm phụ cấp ưu đãi cho một số ngành khác cũng như được giảm trừ thuế. Đại biểu cho rằng quy định này thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước đối với cán bộ, viên chức ở một số ngành đang gặp khó khăn.


Đối với thời gian thực hiện Luật Thuế TNCN, theo nhiều đại biểu, dự thảo luật đưa ra là tháng 7/2013, luật mới có hiệu lực, nhưng sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Thuế TNCN cần được thực thi ngay từ 1/1/2013.

 

Giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp tại địa bàn dân cư


Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành dự án Luật Hòa giải cơ sở sau 13 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Các đại biểu cho rằng, việc ban hành khung pháp lý cao hơn nhằm điều chỉnh hoạt động hòa giải ở cơ sở sẽ thúc đẩy sự lựa chọn của người dân, sự tham gia cũng như cơ chế phối hợp nhiều bên tham gia vào quá trình hòa giải, đặc biệt là vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo, góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp tại địa bàn dân cư, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân.


Xung quanh quy định bầu, công nhận hòa giải viên, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) cho rằng dự thảo luật nên quy định theo hướng không bầu hòa giải viên mà chỉ lựa chọn, giới thiệu và công nhận hòa giải viên vì đây là công việc mang tính tự nguyện, xã hội hóa là chính. Đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật nên có quy định riêng về vấn đề bình đẳng giới, bạo lực gia đình. Đại biểu phân tích: Hòa giải mối quan hệ giữa hàng xóm láng giềng và quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là rất khác nhau. Thực tế hiện nay hòa giải liên quan tới bạo lực gia đình thường có xu hướng khuyên nhủ, động viên người bị bạo lực gia đình (phần lớn là phụ nữ) chấp nhận sự nhường nhịn, cam chịu để gia đình êm ấm... Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ.
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về việc lựa chọn, giới thiệu và công nhận hòa giải viên; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở...


TTN