09:08 18/09/2014

Tạo chuyển biến về nhận thức của cấp ủy

Toàn tỉnh Lai Châu hiện có 108 xã, phường, thị trấn, trong đó có 77/96 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, hạ tầng kinh tế, xã hội chậm phát triển.

Toàn tỉnh Lai Châu hiện có 108 xã, phường, thị trấn, trong đó có 77/96 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, hạ tầng kinh tế, xã hội chậm phát triển.


Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu, do trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao; chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều tổ chức cơ sở đảng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trong khi đó, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã nhiều mặt còn hạn chế. Tình hình an ninh, trật tự một số nơi còn tiềm ẩn nhân tố phức tạp.

 

Bám bản, bám địa bàn xây dựng hệ thống chính trị cơ sở là trách nhiệm của mỗi cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng. Ảnh: Viết tôn


Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn, Tỉnh ủy Lai Châu đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện; ban hành Đề án nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở xã, phường, thị trấn và cơ quan đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2011 - 2015. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Quy định về trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các đồng chí Tỉnh ủy viên, lãnh đạo sở, ngành phụ trách đảng bộ xã và phân công 28 đồng chí phụ trách, giúp đỡ 28 xã đặc biệt khó khăn.


Các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè đã lựa chọn 12 đảng bộ thuộc các xã đặc biệt khó khăn xây dựng kế hoạch, đề án để tập trung củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh nông thôn, phát triển kinh tế, xã hội. 12 đảng bộ xã được lựa chọn điểm tập trung củng cố hệ thống chính trị cơ sở, từ năm 2013 đến nay đã kiện toàn được 19 cấp ủy viên, 20 thành viên HĐND-UBND, 19 cán bộ MTTQ và các đoàn thể, tuyển dụng được 11 công chức xã.


Mục tiêu của Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014-2018” có nội dung: Tăng cường cán bộ người dân tộc Mông; xóa tình trạng thôn, bản “trắng” đảng viên hoặc chưa có chi bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách. Phấn đấu đến năm 2018, tất cả thôn, bản có đảng viên; 90% thôn, bản có chi bộ; 85% cán bộ chuyên trách cấp xã được đào tạo đạt chuẩn; 100% cán bộ chủ chốt được đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh; 100% những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo vị trí việc làm... Những xã có từ 30% dân số là người dân tộc Mông trở lên phải có ít nhất một cán bộ người dân tộc Mông giữ chức danh lãnh đạo xã. Để đạt được các mục tiêu trên, các địa phương cần đề ra kế hoạch với những nội dung cụ thể, bám sát vào các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.

Ông Lý Anh Hừ, Bí thư huyện ủy Mường Tè cho biết, công tác củng cố, kiện toàn, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện khá toàn diện, góp phần khắc phục, hạn chế được tình trạng cục bộ địa phương, dòng họ, mất đoàn kết tại một số cơ sở. Một số xã biên giới còn khó khăn về công tác cán bộ được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường cán bộ, chiến sỹ về cơ sở công tác và giữ các chức vụ chủ chốt. Trong 2 năm (2013 - 2014), Lai Châu đã thực hiện luân chuyển 67 cán bộ từ huyện, thành phố xuống xã, phường, thị trấn giữ các chức vụ chủ chốt; luân chuyển 14 cán bộ từ xã, phường thị trấn về huyện, thành phố. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tăng cường 16 cán bộ cho các xã biên giới giữ chức vụ bí thư, phó bí thư đảng ủy.

Thực hiện đề án đào tạo tri thức trẻ, Lai Châu đã tuyển chọn 47 sinh viên tốt nghiệp đại học về 47 xã công tác và giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã. Có thể nói, công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, giữ vững phát huy vai trò là hạt nhân chính trị cơ sở; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quan tâm công tác kết nạp đảng viên, phát triển tổ chức đảng, nhất là các thôn, bản chưa có đảng viên, chi bộ đảng.


Tuy nhiên, trong công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, đó là: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng có mặt còn hạn chế; nhất là khả năng vận dụng, cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn. Nội dung quy chế làm việc của một số cấp ủy còn chung chung, không xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của tập thể và từng thành viên cấp ủy; cá biệt một số nơi còn biểu hiện bao biện làm thay công việc của chính quyền, một số nơi buông lỏng vai trò lãnh đạo của cấp ủy. Một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến công tác kết nạp đảng viên, thành lập tổ chức đảng ở các thôn, bản, trường học, trạm y tế; đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên nhiều nơi còn hình thức…


Theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, nguyên nhân là do một số cấp ủy huyện chưa thực sự quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở. Xuất phát điểm của một bộ phận cán bộ thấp, các thế lực thù địch thường xuyên kích động, chống phá làm ảnh hưởng đến tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy chưa thường xuyên; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ.

 

Thu Hồng (Ban Chỉ đạo Tây Bắc)