02:00 11/02/2012

Tăng viện phí, bệnh nhân bảo hiểm y tế được giảm bớt gánh nặng

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế - Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề người bệnh sẽ “được gì” nếu điều chỉnh tăng viện phí...

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế - Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề người bệnh sẽ “được gì” nếu điều chỉnh tăng viện phí...

Viện phí tăng có thể giúp các BV nâng cao chất lượng dịch vụ y tế không, thưa ông?

Không nên đánh đồng việc tăng viện phí với việc tăng chất lượng dịch vụ y tế vì đây chỉ là một trong rất nhiều điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Hơn nữa, dịch vụ y tế là loại hàng hóa đặc biệt, không thể so sánh như mua một mớ rau 1.000 đồng với mớ rau 5.000 đồng, nghĩa là dù giá viện phí như thế nào thì tôi nghĩ rằng hầu hết các bác sĩ sẽ vẫn khám chữa bệnh bằng cả cái tâm, cái tài của mình.

Tôi hiểu, vấn đề mà người dân đang bức xúc là tình trạng quá tải BV, rồi vấn đề y đức, thái độ phục vụ của cán bộ ngành y... Đây là những vấn đề không thể điều chỉnh ngay trong một sớm một chiều. Nhưng đương nhiên, nếu bác sĩ được trả lương một cách xứng đáng thì bản thân người ta luôn luôn nhận thức được rằng bệnh nhân là khách hàng đặc biệt. Lúc đó, thái độ ứng xử giữa cán bộ y tế và bệnh nhân có lẽ cũng sẽ khác đi. Vì vậy, có thể hy vọng rằng việc tăng viện phí cũng sẽ tác động tích cực đến thái độ của y, bác sĩ với bệnh nhân.

Theo tôi, điều mà người bệnh “nhận” nhiều nhất sau khi tăng viện phí, là cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ có cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho họ, người bệnh sẽ không phải nộp thêm những khoản tiền phi lý mà một số BV vẫn yêu cầu như hiện nay. Khung giá mới chỉ tính một phần viện phí (nghĩa là chỉ tính các yếu tố trực tiếp dùng để khám chữa bệnh như bông băng, găng tay, vật tư tiêu hao... , chưa tính chi phí khấu hao nhà cửa, máy móc, lương cán bộ y tế...). Tuy nhiên, khi tăng viện phí thì “một phần viện phí” đó đã được tính đúng tính đủ, phần còn lại thì đã được ngân sách nhà nước đảm bảo. Do đó, BV không có cơ sở nào để yêu cầu người bệnh phải nộp thêm tiền. Đơn cử, Bảo hiểm y tế (BHYT) phải thanh toán cho BV là 12.000 đồng khi thực hiện kĩ thuật thông tiểu. Nhưng trong thực tế, ống xông dùng cho kỹ thuật này có thể có giá từ 2.000 đồng - 18.000 đồng. Do đó, các bác sĩ vẫn yêu cầu bệnh nhân mua ống xông bằng tiền túi của mình, đồng thời BV vẫn yêu cầu BHYT thanh toán 12.000 đồng. Nay, nếu giá viện phí mới được thông qua và áp dụng thì người bệnh tham gia BHYT sẽ không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào, trừ việc thanh toán phần đồng chi trả, từ 5 - 20% (tùy đối tượng tham gia BHYT).

Bộ Y tế rất đồng thuận với Bảo hiểm xã hội VN về quan điểm này. Do đó, nếu Dự thảo thông tư hướng dẫn điều chỉnh khung giá viện phí mới được Chính phủ thông qua thì chúng tôi sẽ tăng cường giám sát, yêu cầu các BV không được thu thêm của bệnh nhân bất cứ một khoản phí nào ngoài phần đồng chi trả. Với những BV cố tình vi phạm, thu thêm viện phí không chính đáng của người bệnh, Bảo hiểm xã hội VN sẽ áp dụng chế tài xử phạt, thậm chí có thể ngừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với BV đó.

Làm sao có thể giám sát, xử phạt những BV vi phạm, cố tình thu thêm tiền của người bệnh?

Tất cả chi phí mà người bệnh phải trả thể hiện rõ trên Bảng thanh toán viện phí trước khi ra viện. Cán bộ giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được pháp luật cho phép kiểm tra, giám định những chi phí đó.

Trước đây, không phải ngành bảo hiểm xã hội không nắm được việc một số BV thu thêm tiền của người bệnh sai nguyên tắc, chúng tôi đã từng lên tiếng về việc này. Song, cũng do mức giá viện phí hiện nay còn thấp nên có sự bất cập giữa chi phí thực của dịch vụ y tế và chi phí mà Bảo biểm thanh toán cho BV. Do đó, việc điều chỉnh giá viện phí theo hướng tăng này sẽ là cơ sở để ngành bảo hiểm bảo vệ quyền lợi cho người bệnh.

Làm sao người bệnh biết được mình bị thu thêm viện phí trái nguyên tắc? Đâu là nơi để bệnh nhân phản ánh sai phạm khi phát hiện BV cố tình “móc túi” mình, thưa ông?

Trước hết, bệnh nhân phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi của chính mình, phản ánh cho giám định viên tại các cơ sở y tế. Khi đó, giám định viên sẽ có trách nhiệm can thiệp với BV, đồng thời báo cáo lại cơ quan chủ quản, tức là Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tùy vào mức độ sai phạm (nếu có), chúng tôi sẽ can thiệp nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho người bệnh.

Ước tính, khi áp dụng giá viện phí mới, chi phí mà Quỹ BHYT phải chi trả cho các BV sẽ tăng khoảng 26% so với hiện tại, dự kiến tăng khoảng 6.000 - 8.000 tỷ đồng/năm. Do đó, nếu viện phí tăng, rất có thể mức phí đóng BHYT sẽ tăng theo.

Rất đơn giản để người bệnh biết được thế nào là thu thêm, thế nào là không. Chỉ cần người bệnh chú ý, xem xét mức giá trong Bảng giá dịch vụ thường được công khai tại các cơ sở y tế. Ví dụ, mức giá công khai cho 1 dịch vụ A là 40 triệu đồng thì bệnh nhân đúng tuyến sẽ được BHYT chi trả cho 80% chi phí khám chữa bệnh, người bệnh chỉ phải cùng chi trả 20%, tức là người bệnh chỉ phải nộp thêm 8 triệu đồng. Nếu bệnh nhân thấy BV yêu cầu nộp tới 15 triệu đồng thì đó là sai và cần tìm đến giám định viên BHYT, yêu cầu bảo vệ quyền lợi.

Tôi nghĩ rằng, người dân cũng cần tự nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia BHYT. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Bảo hiểm xã hội trong năm 2012. Khi người dân hiểu, cùng cán bộ của ngành bảo hiểm làm tốt công tác giám sát, thì khi đó quyền lợi của người bệnh sẽ được đảm bảo tốt hơn.

Viện phí tăng sẽ ảnh hưởng đến những bệnh nhân nghèo, mắc bệnh mãn tính, nan y. Vậy có giải pháp nào để hỗ trợ chi phí viện phí cho những bệnh nhân này không, thưa ông?

Đúng vậy, có một thực tế là khi tăng giá viện phí thì sẽ ảnh hưởng tới khả năng chi trả của những bệnh nhân mãn tính, dù là họ chỉ phải cùng chi trả 5%, nhưng 5% của giá viện phí mới chắc chắn sẽ cao hơn so với hiện nay. Bởi vậy, Bộ Y tế đang đề nghị Chính phủ sửa đổi Quyết định 139 để tạo ra nguồn tài chính, nguồn quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tóm lại, có 3 vấn đề cần được triển khai song hành: Một là điều chỉnh viện phí, hai là điều chỉnh tăng mức đóng bảo hiểm y tế và ba là sửa đổi chính sách, tạo nguồn tài chính hỗ trợ bệnh nhân nghèo, mắc bệnh mãn tính.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)