06:15 18/06/2011

Tăng sự gắn kết cho trẻ từ trò chơi dân gian

Đều là trò chơi, nhưng những trò chơi dân gian đơn giản lại có sức hấp dẫn rất riêng, so với các trò chơi điện tử hiện đại ngày nay. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trò chơi điện tử và game trên máy tính làm suy giảm khả năng sáng tạo của trẻ em.

Đều là trò chơi, nhưng những trò chơi dân gian đơn giản lại có sức hấp dẫn rất riêng, so với các trò chơi điện tử hiện đại ngày nay. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trò chơi điện tử và game trên máy tính làm suy giảm khả năng sáng tạo của trẻ em. Trong khi đó, trò chơi dân gian lại góp phần giúp trẻ rèn luyện sức khỏe, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống khác nhau trong cuộc sống, thói quen làm việc theo nhóm.

Kết tình bè bạn…

Một trong những hoạt động thu hút rất đông người tham gia, đặc biệt là các em thiếu nhi trong dịp Tết thiếu nhi của Bảo tàng Dân tộc học là chương trình trình diễn trang phục truyền thống Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. “Đây là trang phục truyền thống của dân tộc Mông ở miền Bắc nước ta. Cổ áo của dân tộc này được đáp bằng một miếng thêu rất đẹp. Chính vì thế khi mặc, họ thường dựng cổ áo lên để khoe miếng vải thêu”, giọng bạn gái dẫn chương trình thánh thót. Dưới hàng ghế khán giả, những tiếng ồ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của bộ quần áo thêu.

Khi buổi biểu diễn thời trang kết thúc, nhiều người lại kéo nhau sang những khu vui chơi khác như đi gáo dừa, cà kheo, chơi kéo co... Ở một chỗ khác, nhiều em nhỏ được hướng dẫn cách tết những con châu chấu, cá, bông hoa bằng lá, biểu diễn con rối bằng tre; làm các con vật bằng cách cuộn giấy; làm quạt giấy kiểu truyền thống với thợ thủ công đến từ Chàng Sơn, Hà Nội...

Đây không phải là lần đầu tiên, những chương trình như thế này diễn ra ở Bảo tàng Dân tộc học vào các ngày tết thiếu nhi, các ngày lễ lớn... Ban đầu là những trò chơi dân gian trong nước, sau đó có thêm một số trò chơi dân gian của các nước khác.

Hướng dẫn các em làm đồ chơi dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Nhật Anh-TTXVN


Không chỉ các em thiếu nhi, mà ngay cả phụ huynh, ban đầu chỉ là đưa con đến chơi, nhưng sau đó cũng rất hào hứng tham gia các trò chơi dân gian này. Chị Lan Anh, một phụ huynh cho biết, chị thường xuyên đưa con đến chơi ở Bảo tàng Dân tộc học, để cháu được biết về các trò chơi dân gian ngày xưa, và chính chị cũng được biết thêm nhiều trò chơi và kiến thức bổ ích như sự tương đồng và khác biệt giữa các trò chơi dân gian của các nước Đông Nam Á như: Đi trên gáo dừa của Lào, Thái Lan và Inđônêxia; Ô ăn quan của Inđônêxia, Philíppin và Việt Nam; Sang sông của Philíppin và Việt Nam; Kéo co của Thái Lan và Việt Nam; Đánh quay của Malaixia, Inđônêxia và Việt Nam; Chồng nụ chồng hoa của Mianma, Philíppin và Việt Nam...

Nhiều gia đình đưa con đến bảo tàng, các trẻ quen thân nhau, rồi các phụ huynh cũng quen nhau và tự nhiên thành một nhóm, thường xuyên cùng nhau mang con đến đây chơi. “Trước đây, tôi hay đưa con đến khu vui chơi cho trẻ ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhưng những nơi đó quá nhỏ. Nhiều nơi thì chủ yếu là các trò chơi điện tử trên máy cá nhân nên chẳng bé nào nói chuyện với bé nào. Chỉ chờ đến lượt là chơi, không có chuyện nhường nhịn. Nhưng khi đến đây và tham gia các trò chơi dân gian, cháu trở nên vui vẻ và thân thiện hơn rất nhiều” – chị Lan Anh tâm sự.

... và tình làng, nghĩa xóm

Những trò chơi dân gian của Việt Nam hay của các nước khác trên thế giới thường mang tính cộng đồng cao. Thực tế cho thấy, phần lớn các trò chơi dân gian đều góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống khác nhau trong cuộc sống, thói quen làm việc theo nhóm. Chẳng hạn, nhóm các trò chơi vận động tập thể như kéo co, bịt mắt bắt dê, nhảy lò cò… có thể giúp các em tăng cường sức khỏe, thể chất, phát huy tính đoàn kết; trong khi đó, những trò chơi ít vận động hơn như: ô ăn quan, cờ gánh… lại giúp phát triển trí tuệ, rèn luyện khả năng phán đoán. Và đặc điểm chung của các trò chơi dân gian là đơn giản, dễ chơi, các em nhỏ dễ hòa nhập vào cuộc chơi nên việc phổ biến rộng rãi các trò chơi dân gian đến các đối tượng là rất khả thi.

Một chuyên gia tâm lý cho rằng, khi chơi các trò chơi cộng đồng, cả sức khỏe lẫn tinh thần của trẻ em đều tốt lên, vì các trò chơi này đều gắn với truyền thống. Chơi trò chơi cũng chính là sự kế tục văn hóa truyền thống. Điều này rất cần thiết trong việc giáo dục nhân cách. Thêm nữa, những niềm vui của không gian, của cộng đồng giúp người ta vui vẻ, lạc quan….

“Không những thế, chi phí để chơi trò chơi dân gian lại rẻ hơn nhiều so với trò chơi điện tử thường thấy ở trung tâm thương mại, công viên. Tuy nhiên, do thiếu không gian, nhiều năm nay người ta chưa thực sự coi trọng nó”, vị chuyên gia này nói.

Nhận thấy lợi ích của việc cho trẻ chơi các trò chơi dân gian, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến khích việc phát triển và đưa các trò chơi dân gian vào trường học qua phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhiều trường đã thực hiện và có kết quả rất tốt.

Nhiều trò chơi dân gian không đòi hỏi không gian quá lớn, đôi khi sân chơi nhỏ của khu dân cư, của nhà văn hóa thôn, xã là cũng có thể là nơi các em cùng quây quần chơi ô ăn quan, nhảy lò cò, đi cà kheo… Điều quan trọng là phải có người hướng dẫn các em cách chơi, luật chơi, giúp các em gắn kết. Nếu như trong thời gian nghỉ hè này, ở các cụm dân cư nơi thành thị, những chòm xóm ở nông thôn, Đoàn Thanh niên, các tổ chức hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi chú ý đến việc tổ chức cho trẻ chơi thành nhóm và chơi những trò chơi dân gian mang tính cộng đồng này, sẽ giúp các em có một kỳ nghỉ hè ý nghĩa, giúp tâm hồn các em phong phú hơn. Và điều quan trọng nhất là tình làng, nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết và tương thân, tương ái sẽ nảy nở từ các trò chơi này.

Nguyên Hà