04:21 07/04/2015

Tặng quà cho pháo thủ xe tăng chiếm Dinh Độc Lập

Ngày 7/4, Báo Tin Tức và Công đoàn cơ sở hội sở chính của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đến thăm và tặng quà cựu chiến binh Nguyễn Bá Tứ.

Ngày 7/4, Báo Tin Tức và Công đoàn cơ sở hội sở chính của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đến thăm và tặng quà cựu chiến binh Nguyễn Bá Tứ. Đây là một trong những hoạt động thiết thực của Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội và Báo Tin Tức hướng tới kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Góp phần vào lịch sử


Ông Nguyễn Bá Tứ (SN 1953, hiện ở số nhà 74, ngõ 173 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) nhập ngũ năm 1971. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, ông Nguyễn Bá Tứ là pháo thủ số 2 của xe tăng 846 (Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2), một trong những chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu, tiến vào Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975. Xe tăng 846 cũng chính là chiếc xe tăng trong bức ảnh nổi tiếng “Xe tăng quân giải phóng chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975” của nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Trong bức ảnh, pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ ngồi trên tháp pháo, đây là vị trí rất nguy hiểm, có thể hy sinh bất cứ lúc nào khi bị địch phản công.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở hội sở chính NHCSXH Phan Cử Nhân (ngoài cùng, bên trái) và Tổng biên tập Báo Tin Tức Nguyễn Quang Vinh (thứ 2 từ phải sang) trao quà cho ông Nguyễn Bá Tứ. Ảnh: Lê Sơn


Sau khi rời quân ngũ năm 1977, trở về cuộc sống đời thường, ông Tứ là thợ điện của Phòng y tế Hai Bà Trưng, đến năm 1995 thì chuyển sang lái xe du lịch. Năm 2010, ông Tứ bị ung thư thanh quản, phải cắt bỏ thanh quản. Bây giờ khi giao tiếp với ai, đi bất cứ đâu, ông Tứ đều mang theo cây bút và tờ giấy để “nói chuyện”. Ai hỏi gì, ông đều trả lời bằng cách viết ra giấy.


Cũng chính vì hạn chế khi giao tiếp nên câu chuyện xe tăng 846 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và giờ phút tiến vào Dinh Độc Lập, một phần ông Tứ ghi ra giấy cho chúng tôi đọc, một phần chúng tôi nghe kể từ người thân của ông và ông Nguyễn Quang Hòa, chỉ huy xe tăng 846 –người mà chúng tôi đã có dịp gặp trước đó.


Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, lúc 17 giờ ngày 26/4/1975, xe tăng 846 bắn phát súng đầu tiên khai màn tại căn cứ Nước Trong. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, đến ngày 29/4 mới kết thúc. Sau khi đánh xong căn cứ Nước Trong, Đại đội 5 sáp nhập với Đại đội 4 tiến vào Sài Gòn, mục tiêu là Dinh Độc Lập. Trưa ngày 30/4/1975, cùng với những chiếc xe tăng khác, xe tăng 846 đã vào Dinh Độc Lập, hoàn thành sứ mệnh của nó. “Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại đội 5 có 9 xe tăng thì bị địch bắn cháy 6 chiếc”, ông Nguyễn Bá Tứ viết ra giấy đưa cho chúng tôi đọc.


Cần sự sẻ chia


May mắn trở về sau cuộc kháng chiến, nhưng ông Tứ bị nhiễm chất độc da cam. Vợ chồng ông sinh được 3 người con (1 gái, 2 trai), thì con gái lớn là Nguyễn Thị Thùy Hương (SN 1978) bị nhiễm chất độc da cam từ bố, mất sức lao động hoàn toàn. Con trai út sinh năm 1997 đang học lớp 12. Hiện ông Tứ và con gái đang được hưởng trợ cấp chất độc da cam 1,4 triệu đồng/tháng. Ông Tứ từ ngày bị bệnh cũng không thể thể lái xe nữa mà ở nhà phụ vợ bán xôi. Mọi chi tiêu trong gia đình đều trông vào gánh hàng ấy, cuộc sống rất khó khăn.


“Còn sống trở về sau cuộc kháng chiến đã là vô cùng may mắn. Anh Tứ cũng đã là một trong những con người của giây phút lịch sử. Họ cũng chưa khi nào đòi hỏi cho mình bất cứ thứ gì. Nhưng rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, anh Tứ bị di chứng chất độc da cam, ung thư thanh quản phải cắt bỏ thanh quản. Nỗi đau còn dai dẳng hơn khi con gái anh cũng bị nhiễm chất độc da cam từ bố. Gia đình anh sẽ sống và nuôi con như thế nào? Trước những hoàn cảnh như thế này, rất cần sự chung tay của các cá nhân, tổ chức. Báo Tin Tức cũng sẽ luôn đồng hành, nhằm góp phần chia sẻ, động viên họ tiếp tục vượt khó, vươn lên trong cuộc sống”, Tổng biên tập Báo Tin Tức Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.


Tổng biên tập Báo Tin Tức Nguyễn Quang Vinh và tác giả bức ảnh "Xe tăng quân giải phóng chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975" Trần Mai Hưởng tặng bức ảnh cho Công đoàn cơ sở hội sở chính NHCSXH. Ảnh:Lê Sơn.


Theo ông Phan Cử Nhân, Chủ tịch công đoàn cơ sở hội sở chính của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Ban chấp hành công đoàn đã xây dựng quỹ an sinh, đóng góp từ tiền lương của cán bộ công nhân viên nhằm góp bàn tay nhỏ bé chia sẻ, động viên những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các cựu chiến binh-những người đã trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.


Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, tác giả bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975” cũng không giấu niềm xúc động: “Chiến tranh đã qua đi, nhưng có nhiều gia đình chiến tranh chưa dừng lại. Có người bị chất độc da cam, nỗi đau còn âm ỉ. Có người khi rời quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường còn nhiều gánh nặng lo toan. Chúng tôi hiểu điều đó. Vì vậy, sáng kiến của Ngân hàng Chính sách xã hội và Báo Tin Tức như thế này làm ấm lòng các gia đình cựu chiến binh”.


Trước hoàn cảnh khó khăn của ông Nguyễn Bá Tứ, Công đoàn cơ sở hội sở chính NHCSXH đã trao tặng ông Tứ 10 triệu đồng. Trong năm 2014, với tinh thần “tương thân, tương ái”, đền ơn đáp nghĩa, Công đoàn cơ sở hội chính NHCSXH đã có nhiều hoạt động thiết thực như: đóng góp kinh phí hỗ trợ xây dựng trường THCS xã Mường Mươn (huyện Mường Chà, Điện Biên); hỗ trợ kinh phí cho Đoàn Thanh niên NHCSXH TW tặng quà các gia đình chính sách tại xã Điềm Mặc (Định Hóa, Thái Nguyên); vận động đoàn viên ủng hộ chương trình “Chăn ấm vùng biên”, tặng 300 chăn ấm cho 300 hộ gia đình nghèo xã biện giới của Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang; tặng quà Tết cho Hội người mù quận Hoàng Mai, nạn nhân chất độc da cam/điôxin tại Hà Nội; đóng góp các chương trình từ thiện do Công đoàn NHCSXH phát động trao quà cho các hộ nghèo ở Lào Cai, Bắc Giang, Nghệ An,… nhân dịp Tết Ất Mùi.



Xuân Phong