11:23 06/11/2011

Tăng hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ cho nông thôn và miền núi

Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015", các đơn vị của Bộ KH&CN đang gấp rút triển khai các dự án liên quan.

Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (tháng 10/2011) về chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015", các đơn vị của Bộ KH&CN đang gấp rút triển khai các dự án liên quan.

Theo các chuyên gia KH&CN, quyết định trên sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho việc phát triển thị trường KHCN ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.

1.200 tỷ đồng hỗ trợ ứng dụng KHCN

Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Nguyễn Trọng Bình - Chánh văn phòng Chương trình nông thôn miền núi (Bộ KH&CN) cho biết: Nét mới của giai đoạn 2011 - 2015 là sự điều chỉnh cơ chế quản lý nhằm nâng cao vai trò của Trung ương và địa phương trong việc khảo sát địa bàn, lựa chọn nội dung và tổ chức thực hiện... Bởi giai đoạn trước, một số địa phương còn chưa chủ động và chậm trong các thủ tục như: Cân đối phần kinh phí đối ứng, giao đất, giải phóng mặt bằng… khiến nhiều dự án KHCN triển khai chậm.

Trồng thử nghiệm giống lúa mới của Viện Di truyền nông nghiệp tại huyện Văn Giang, Hưng Yên.


Để tăng tính hiệu quả cho các dự án, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Quảng Trị - Hoàng Đức Hòa chia sẻ: Các công nghệ được chọn nhằm tạo ra sản phẩm ứng dụng tại địa phương thì nên phù hợp với trình độ dân trí ở đó; phải ký hợp đồng chặt chẽ và phân công trách nhiệm rất cụ thể giữa cơ quan chuyển giao công nghệ và cơ quan chủ trì thực hiện.

Trong hai năm đầu giai đoạn 2011- 2015, chương trình sẽ thực hiện 169 dự án theo loại hình công nghệ; 169 dự án theo loại hình đơn vị chủ trì; 169 dự án triển khai tại các vùng dân tộc ít người và hải đảo. Ban chỉ đạo sẽ phân ra 2 nhóm: Nhóm công nghệ không quá phức tạp sẽ được giao cho các sở KH&CN giúp ủy ban nhân dân tỉnh quản lý; nhóm hai do Trung ương trực tiếp quản lý là những dự án đòi hỏi đầu tư lớn, phức tạp.

Theo quyết định trên, giai đoạn 2011- 2015 sẽ hỗ trợ ít nhất 60 doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến ở nông thôn và miền núi; chuyển giao và ứng dụng ít nhất 900 công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao hiệu quả sản xuất các nông sản và các mặt hàng phải nhập khẩu; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp… với tổng kinh phí là 1.200 tỷ đồng.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Trong Báo cáo mới đây về kết quả hoạt động của Chương trình giai đoạn 2004- 2010 và kế hoạch 2011 - 2015, đại diện Bộ KH&CN cho biết: Giai đoạn qua, Chương trình đã triển khai được 291 dự án tại 60 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí 743,917 tỷ đồng. Các dự án được triển khai chủ yếu tại địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo, các vùng khó khăn chậm phát triển, vùng dân tộc ít người.

Những dự án được triển khai đã giúp các địa phương làm chủ và giải quyết các vấn đề về: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân giống và đưa vào sử dụng các giống cây trồng vật nuôi có năng suất; phát triển các sản phẩm lợi thế của Việt Nam như: Cây ăn quả có múi đặc sản; hoa các loại; phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu… Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng: Hầu hết các mô hình triển khai ở quy mô chưa lớn, chưa có cơ chế khuyến khích nhân rộng kết quả sau khi dự án kết thúc. Vì vậy, trong giai đoạn 2011- 2015, các dự án có hiệu quả cần được hỗ trợ để nhân rộng mô hình.

Đại diện Công ty TNHH Đỗ Tờ (tỉnh Quảng Ninh) - đơn vị triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi tu hài thương phẩm” (một trong những dự án đã được triển khai trong giai đoạn 2004 - 2010) cho biết: Trước kia khi chưa có chương trình chuyển giao KHCN, ngư dân địa phương chủ yếu chỉ khai thác tự nhiên nên nguồn lợi ngày càng cạn kiệt.

Vì vậy, ngay từ khi thực hiện dự án, công ty đã chuyển giao kỹ thuật nuôi tu hài thương phẩm cho bà con ngư dân thuộc vùng dự án với số lượng vượt kế hoạch đề ra; cung cấp giống tu hài cấp II với giá rẻ cho trên 200 hộ dân thuộc các xã đảo huyện Vân Đồn. Đến nay, dự án đã lan tỏa đến trên 1.000 hộ dân thuộc các xã đảo và một số doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh và Hải Phòng.

Công ty cũng đề xuất: Bộ KH&CN cần quan tâm nhân rộng thêm nhiều mô hình ứng dụng KHCN xuống các địa phương, trong đó, nên quan tâm tới việc nhập khẩu công nghệ tiên tiến của nước ngoài, đưa vào ứng dụng để sản xuất một số giống loài mới có giá trị kinh tế cao như: Sá sùng, bào ngư, ngán biển… nhằm phát huy hết tiềm năng thế mạnh của vùng biển phía Bắc Việt Nam.

Theo Sở KH&CN tỉnh Sơn La, để mở rộng và nhân nhanh kết quả các mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN vào nông thôn và miền núi trên diện rộng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chuyên môn, có giải pháp tổ chức chỉ đạo như: Cho vay vốn ưu đãi, tuyên truyền thông tin, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm.

Minh Phương