Ngày 29/12, Ban An toàn giao thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á (AIP) đã tổng kết dự án “Hành trang an toàn” giai đoạn 2019- 2020.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông. Thế nhưng, trước đây việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện chỉ đạt khoảng 30 - 40%. Trong khi đó, tình trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, mũ bảo hiểm giả, mũ không phải là mũ bảo hiểm còn phổ biến, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Vì thế, trong những năm qua, thành phố đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Theo đó, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở trẻ em (6 - 15 tuổi) đã tăng từ 40% năm 2017 lên 70% năm 2019 và năm 2020 phấn đấu đạt trên 80%.
Dự án “Hành trang an toàn” là một trong những hoạt động nhằm hướng đến thay đổi nhận thức và trực tiếp thay đổi hành vi của phụ huynh, học sinh về đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông. Dự án được triển khai thực hiện tại một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố với các hoạt động tập huấn, giáo dục, truyền thông tới học sinh, phụ huynh, giáo viên về đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và đúng cách. Cùng với đó, dự án cũng đã trao tặng gần 11.500 mũ bảo hiểm cho học sinh tại các trường tham gia dự án.
Theo đại diện Quỹ AIP, các trường tham gia dự án có số học sinh đội mũ bảo hiểm tăng từ 23% lên 78%. Tuy nhiên, việc khảo sát cho thấy tỷ lệ mũ đạt tiêu chuẩn lại rất ít, mặt khác, còn có nhiều mũ đã quá hạn sử dụng theo khuyến cáo của WHO. Vì thế, các ban, ngành liên quan của thành phố nên tập trung hơn cho công tác tuyên truyền giáo dục, kiểm soát việc đội mũ bảo hiểm của trẻ em cũng như kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm được bán trên thị trường.