04:23 08/04/2012

Tăng cường quản lý thuế để chống chuyển giá

Thời gian qua, những hành vi chuyển giá diễn ra giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam với các bên liên kết ngày càng tăng. Nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, hạn chế thất thu thuế của quốc gia, đầu tháng 3 vừa qua, Tổng cục Thuế đã có quyết định thành lập Tổ quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá.

Thời gian qua, những hành vi chuyển giá diễn ra giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam với các bên liên kết ngày càng tăng. Nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, hạn chế thất thu thuế của quốc gia, đầu tháng 3 vừa qua, Tổng cục Thuế đã có quyết định thành lập Tổ quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá.

Nhiều thủ thuật chuyển giá

Ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó trưởng Ban Cải cách Tổng cục Thuế, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu chống chuyển giá cho biết, những hành vi chuyển giá diễn ra giữa các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam với các bên liên kết đã được nhận diện. Hiện nay, ngành thuế đã rà soát, thống kê quản lý được gần 3.200 DN kê khai thông tin giao dịch liên kết theo hướng dẫn tại Thông tư 66/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong đó có 2.070 DN đã thực hiện đúng nghĩa vụ kê khai.

Thu thuế trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước TP Bắc Giang.


Theo đó, trong năm 2011, ngành thuế đã tổ chức thanh tra tại hơn 920 DN kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá, đã xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng, truy thu và phạt gần 1.670 tỷ đồng. Kế hoạch trong năm 2012, ngành thuế sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra khoảng 7.742 DN, trong đó tập trung các DN thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, điện lực, dầu khí, khoáng sản, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN kinh doanh lỗ, DN có số nợ thuế lớn, DN nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra…

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Cục phó Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, cho hay thủ thuật chuyển giá của các DN hiện nay chủ yếu là tăng chi phí đầu vào, giảm giá sản phẩm để giảm lợi nhuận thấp nhất. Điều này không chỉ làm cho ngành thuế bị thất thu, mà còn làm méo mó môi trường cạnh tranh kinh doanh, tạo ra bất bình đẳng giữa DN lớn và DN nhỏ. Thậm chí, trong việc liên kết kinh doanh giữa trong nước và ngoài nước, bên mạnh có thể làm nhiều thủ thuật quay vòng vốn để “nuốt” mất vốn. Như vậy, DN yếu sẽ bị thôn tính lúc nào không hay. Ngay cả quyền lợi của người lao động cũng bị ảnh hưởng khi các DN thực hiện chuyển giá, cụ thể tiền công, tiền lương không được tăng lên, tạo ra nguy cơ tiềm ẩn bất ổn xã hội.

Chống chuyển giá ở doanh nghiệp FDI để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc công ty Tư vấn và kiểm toán Price Waterhouse Coopers Việt Nam Richard Irwin, cho rằng không phải mọi hoạt động chuyển giá đều đem lại lợi nhuận. Thực tế, việc chuyển giá đôi khi mang lại những nguy cơ rủi ro khi cơ quan thuế đánh giá lại giá giao dịch của DN với các bên liên kết nhằm xác định nghĩa vụ phải nộp thêm nếu giá giao dịch không tuân theo “nguyên tắc giá thị trường”. Điều này có thể dẫn đến tăng thu nhập chịu thuế, chưa kể tốn nhiều thời gian và chi phí khi cơ quan thuế thanh tra về chuyển giá. Những DN vi phạm có thể bị phạt gấp 1 - 3 lần số tiền trốn thuế, hoặc phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Nên thỏa thuận trước về giá

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Trọng Hạnh cho rằng, để tăng cường quản lý việc chuyển giá của DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam một cách hiệu quả, giải pháp tốt nhất là điều chỉnh thuế sao cho hai bên cùng có lợi. Theo đó, nên thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (“APA”) song phương giữa cơ quan thuế và DN, hoặc đa phương giữa 2 ngành thuế của các quốc gia, từ đó tính toán lãi trên chi phí đầu tư hoặc sản phẩm. Muốn làm được điều đó, phải luật hóa vào những luật thuế có liên quan.

Cũng theo ông Hạnh, trong 3 năm qua, Cục Thuế TP.HCM đã làm việc với 50 DN bằng giải pháp trên. Sau khi phân tích số liệu 10 năm hoạt động của DN, Cục Thuế đã xem xét mức độ dao động đầu tư, chi phí phù hợp để áp chế chuyển giá. Theo đó, phần lớn các DN này đều khai lại về mức lợi nhuận, thậm chí có DN điều chỉnh quyết toán của các năm trước.

Đồng tình quan điểm này, ông Richard Irwin cho biết, hiện nay trên thế giới đều áp dụng thỏa thuận “APA”. Đây là phương pháp hiệu quả trong việc quản lý những rủi ro về chuyển giá. Ông Nguyễn Quang Tiến cho biết, trước những lợi ích của “APA”, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu, hoàn thiện lại hệ thống, chính sách, pháp luật để tăng cường quản lý thuế với hoạt động chuyển giá. Trước mắt, bổ sung vào Luật Quản lý thuế về việc cho phép áp dụng cơ chế thỏa thuận giữa cơ quan thuế với người nộp thuế về phương pháp xác định giá trước – “APA”. Về lâu dài, nên đề xuất với Chính phủ, Quốc hội quy định riêng về thời hạn thanh tra đối với hoạt động chuyển giá, bổ sung thêm quyền điều tra cho cơ quan thuế; đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành thuế.

Dù vậy, luật sư Mai Trần, Công ty Luật M&H và Công ty Kiểm toán M&H lo ngại, nếu “mạnh tay” để chống chuyển giá sẽ đụng chạm mạnh đến nguyên tắc luật thị trường và kinh doanh. Ngoài ra, sẽ tạo thêm điểm nghẽn mạch trong kinh doanh. Vì thế, cần có sự đồng bộ trong việc chống chuyển giá để DN kinh doanh phát triển và hiệu quả.

Hải Yên