11:19 25/11/2014

Tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Hungary

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Hungary Áder János sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 27-28/11/2014.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Hungary Áder János sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 27-28/11/2014. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hungary Áder János nhằm tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Hungary, đặc biệt trong các lĩnh vực: kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo; thúc đẩy việc triển khai hiệu quả các dự án hợp tác giữa hai nước; khuyến khích doanh nghiệp hai nước tiếp cận, tìm hiểu tiềm năng, nhu cầu của nhau và trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.



Nằm ở Trung Âu, ngay từ năm 1968, Hungary đã tìm cách tự do hóa nền kinh tế một cách giới hạn và từ năm 1990 đã chuyển sang nền kinh tế thị trường. Từ năm 1997, nền kinh tế Hungary đi vào quỹ đạo phát triển ổn định, GDP tăng trưởng 4-5%/năm.

Các ngành công nghiệp chủ chốt của Hungary gồm chế tạo máy, thiết bị đo lường chính xác, ô tô, nhôm, lọc hóa dầu, hóa chất, dược phẩm, thiết bị y tế. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu gồm: lúa mì, ngô, hạt hướng dương, củ cải đường, thịt gia cầm, sữa...

Trong chính sách đối ngoại, Hungary đang ưu tiên hội nhập sâu vào Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam là một trong những ưu tiên ở Đông Nam Á của Hungary trong chính sách khôi phục và thúc đẩy quan hệ với các đối tác truyền thống. Hungary cũng coi trọng việc phát triển quan hệ với các nước châu Á, nhất là với các nền kinh tế mới nổi; coi việc mở rộng hợp tác với Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược mở về hướng Đông của mình.

Việt Nam và Hungary thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 3/2/1950. Hungary đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong phong trào "Việt Nam , chúng tôi bên cạnh các bạn", Hungary đã tổ chức nhiều đợt hiến máu và quyên góp vật chất giúp đỡ. Bạn đã tham gia Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam , đào tạo cho Việt Nam gần 3.500 cán bộ khoa học kỹ thuật và xóa các khoản nợ từ năm 1973 về trước.

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Hungary có bề dày lịch sử gần 65 năm. Quan hệ chính trị thời gian qua phát triển tốt đẹp thông qua trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Gần đây nhất là chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hungary . Trong chính sách hướng Đông của mình, Hungary đánh giá cao và đặc biệt quan tâm tăng cường quan hệ với Việt Nam .

Hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước có những tiến triển tích cực, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt 148 triệu USD. Tính đến tháng 8/2014, kim ngạch song phương đạt 113,5 triệu USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là: thiết bị điện, điện tử, đồ gỗ, thiết bị phụ tùng máy bơm, máy nén, quạt gió, thủy sản...; nhập khẩu: tân dược, máy móc, phụ tùng, hóa chất, thức ăn gia súc.

Hiện nay, Hungary có 12 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 47,3 triệu USD; trong đó nổi bật là Dự án Công ty TNHH Crest Asia Việt Nam thực hiện từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, sản xuất đa thành phẩm, da thô mộc và các sản phẩm từ da. Dự án Công ty TNHH phát triển White Stone thực hiện từ năm 2009, tổng vốn đầu tư 2 triệu USD thuộc lĩnh vực bất động sản. Dự án Công ty TNHH Amdocs Việt Nam thực hiện từ năm 2009 với tổng vốn đầu tư 2 triệu USD thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông...

Về hợp tác phát triển, Hungary cam kết duy trì ODA, coi Việt Nam là đối tác ưu tiên. Giáo dục, đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước. Phía Hungary giúp đào tạo chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam .

Là cầu nối hữu nghị trong quan hệ hai nước, cộng đồng người Việt Nam tại Hungary hiện có khoảng trên 4.000 người, sống tập trung chủ yếu tại Thủ đô Budapest, kinh doanh hàng may mặc tại các chợ, trung tâm thương mại châu Á. Hungary đánh giá cao và tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt hòa nhập với cuộc sống sở tại.

Hoàng Thị Hoa