12:07 19/12/2014

Tăng cường kiểm tra thực phẩm phục vụ Tết

Tết sẽ là thời điểm các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm có hóa chất, phụ gia nguy hại “ồ ạt” bán ra thị trường.

Tết Nguyên đán là thời điểm  các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, quy trình chế biến không đảm bảo, thực phẩm giả, thực phẩm có hóa chất, phụ gia nguy hại “ồ ạt” bán ra thị trường. Trước nguy cơ trên, ngành Y tế đã triển khai nhiều biện pháp với phương châm “Tết năm nay phải an toàn hơn Tết năm trước”.


Tại một số chợ truyền thống, hiện nay vẫn tồn tại những sản phẩm thực phẩm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn tồn tại một số nhà sản xuất vì lợi nhuận đã sử dụng phụ gia ngoài danh mục Bộ Y tế cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.


Tết là thời điểm các loại thực phẩm kém chất lượng "ồ ạt" tung ra thị trường.


Với những tồn tại trên, Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh (ATVSTP) đã ban hành kế hoạch đảm bảo ATVSTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2015. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng – Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, cho biết trong kế hoạch này sẽ có ít nhất 30 đoàn thanh tra liên ngành và chuyên ngành ở cấp thành phố và quận, huyện tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung kiểm tra vào các sản phẩm phục vụ Tết. Qua đó, sẽ lấy mẫu để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn, nhất là các sản phẩm có sử dụng các chất phụ gia. 


Bên cạnh đó, ông Huỳnh Lê Thái Hòa cũng cho rằng: Tình hình ATTP trên địa bàn thành phố ngày càng được cải thiện thông qua các giải pháp quản lý của thành phố nên Tết Nguyên đán năm nay phải an toàn hơn Tết năm trước.


Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục cục trưởng – Cục ATTP, Bộ Y tế, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và trong thời gian diễn ra Lễ hội Xuân chúng tôi đặt ra mục tiêu là giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm, bảo đảm số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành y tế sẽ triển khai nhiều biện pháp, trong đó tập trung vào công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp bảo đảm VSATTP tới người tiêu dùng, người sản xuất và kinh doanh. Song song đó, sẽ thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã phường, trong đó tập trung vào nhóm thành phố có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong năm, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.


Để chọn được những thực phẩm đảm bảo ATVSTTP, ông Huỳnh Lê Thái Hòa khuyến cáo, người tiêu dùng nên sử dụng những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ được sản xuất ở những cơ sở có thương hiệu lâu năm. Các sản phẩm thực phẩm được bày bán ở những nơi có đủ điều kiện như siêu thị, các cửa hàng tiện ích...Các sản phẩm có màu sắc tự nhiên, tức là chọn những sản phẩm màu tự nhiên của nguyên liệu cấu thành sản phẩm đó. Phải tuân thủ nghiêm các điều kiện bảo quản của sản phẩm và lưu ý hạn sử dụng, nhất là trong dịp Tết lượng thực phẩm được bảo quản tại nhà tăng cao.


Bên cạnh đó, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý: vào dịp tết, các gia đình thường sum họp hay đi ăn uống bên ngoài. Do đó, nếu thức ăn, nước uống không đảm bảo ATVS thì dễ gây rối loạn tiêu hóa như ói, tiêu chảy. Đặc biệt ở trẻ em, do các em chưa có nhận thức rõ về ATVSTP. Để hạn chế các bệnh này mọi người cần phải ăn chín uống sôi tại gia đình. Nếu sử dụng thức ăn bên ngoài, nên tìm chỗ sạch sẽ, đảm bảo được ATVSTP. Khi mắc bệnh tiêu chảy, nôn ói nên cho bệnh nhân uống nhiều nước như Oresol, nước khoáng để bù lượng nước mất. Nếu bệnh nhân không giảm ói, hay tiêu chảy, hoặc có dấu hiệu nặng hơn như sốt cao, vã mồ hôi, mệt, tay chân lạnh,... nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị sớm, bởi đó là những dấu hiệu của ngộ độc thức ăn nặng.



Đan Phương