09:10 18/09/2012

Tăng cường kiểm tra rau, củ, quả nhập khẩu

Tại cuộc giao ban về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và vật tư nông nghiệp ngày 17/9 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Hồng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ rau, củ, quả nhập khẩu.

Tại cuộc giao ban về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và vật tư nông nghiệp ngày 17/9 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Hồng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ rau, củ, quả nhập khẩu.

 

Tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra


Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong tháng 8 và đầu tháng 9, tần suất kiểm tra nhập khẩu với nho tươi, lựu và khoai tây và một số sản phẩm đã được tăng cường. Cụ thể, Cục đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ Trung Quốc, tiến hành kiểm tra chặt và tăng tần suất lấy mẫu kiểm nghiệm. Kết quả, từ ngày 10/8 đến 10/9 đã phát hiện 4 mẫu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đối với nho, lựu (ở cửa khẩu Lào Cai) và mận tươi (cửa khẩu Lạng Sơn).


“Chúng tôi đã thông báo với phía Trung Quốc về vấn đề này. Các chủ hàng phía Trung Quốc cũng đã có những động thái như một số doanh nghiệp Trung Quốc thấy đã bị cảnh báo đến lần thứ hai thì họ không lấy các mặt hàng bị phát hiện vi phạm quy định để xuất sang Việt Nam nữa”, ông Hồng cho biết.


Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, việc nhập các nông sản, đặc biệt là rau củ quả tươi đều được kiểm tra một cách thường xuyên, liên tục và theo quy định của pháp luật Việt Nam chứ không phải nghe dư luận phản ánh mới bắt đầu đi kiểm tra. Tuy nhiên, khi nào có sự cố xảy ra thì tăng cường kiểm tra hơn.


“Đúng là nhiều nước đang ái ngại về trái cây Trung Quốc. Nhưng không thể nói là hàng Trung Quốc không an toàn. Vấn đề là chúng ta chỉ cho nhập sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm của Việt Nam. Nếu có nguy cơ không an toàn và chúng tôi phát hiện được thì lập tức sẽ thông báo ngay với người dân”, ông Hồng khẳng định.


Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng kiến nghị thành lập đường dây nóng về an toàn thực phẩm và xây dựng mạng lưới tình nguyện viên để có thêm thông tin phục vụ việc xử lý các nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.


Tán thành với đề xuất của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng nên xây dựng mạng lưới tình nguyện viên; tuy nhiên, cần cơ chế rõ ràng. “Trong thời gian tới, tiếp tục tăng cường kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, chuẩn bị cho Hội nghị “Nói không với sản xuất rau không an toàn”. Tập trung cao độ vẫn là chống sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, làm thế nào để thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm của hộ sản xuất, người tiêu dùng, cán bộ địa phương”, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu Cục trồng trọt kết hợp với Cục Bảo vệ thực vật hệ thống hóa lại thông tin, từ đó xác định vùng trọng tâm có nguy cơ cao, những loại rau có nguy cơ cao chứa dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật để tập trung xử lý. Bộ trưởng cũng nghiêm khắc yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo về sản xuất chè, để Bộ có cơ sở làm việc với các địa phương nhằm đạt mục tiêu sản xuất chè an toàn với phương châm: “Phải kiểm tra, không che giấu”.

 

Không nên quá lo


Theo ông Hồng, bằng mắt thường rất khó phân biệt được rau củ quả Trung Quốc có sử dụng hóa chất, phải cần tới trang thiết bị rất hiện đại. Một số loại quả bề mặt rất bóng là do được bôi bằng một loại sáp được phép sử dụng sau thu hoạch có tác dụng như một màng mỏng bên ngoài chống việc xâm nhập vi khuẩn, hạn chế việc bốc hơi nước, nhiều nước vẫn dùng bình thường.


Không nên ăn giá sống Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, trong tháng vừa qua, Cục đã chỉ đạo các đơn vị lấy 50 mẫu giá đỗ ở các chợ của Hà Nội về kiểm tra dư lượng hóa chất độc hại. Kết quả cho thấy, các mẫu này an toàn với chỉ tiêu chất asen. Tuy nhiên, chỉ tiêu về vi sinh vật rất đáng ngại: 40% số mẫu có chứa vi sinh vật có hại cho đường tiêu hóa, vượt cao hơn mức cho phép đối với rau ăn sống. Cụ thể, 11 mẫu có Ecoli, 20 mẫu có Samonella cao hơn giới hạn cho phép và 3 mẫu có Listeria. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật cần gấp rút xây dựng Quy chuẩn sản xuất giá đỗ an toàn để các cơ sở sản xuất phải thực hiện đúng mới cho sản xuất, đây cũng là cơ sở pháp lý để nếu các cơ sở vi phạm thì sẽ phạt, thậm chí đóng cửa.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng cho rằng người tiêu dùng không nên quá hoang mang vì tất cả các sản phẩm đang được bán trên thị trường đều đã được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát theo quy định của pháp luật. Hiện nay các phòng thí nghiệm của Cục Bảo vệ thực vật có thể phân tích được trên 300 hoạt chất. Cục Bảo vệ thực vật vừa qua đã trang bị và đưa vào sử dụng 3 thiết bị kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hiện đại, tại Trung tâm kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc.


Để bảo đảm an toàn khi sử dụng rau củ quả, ông Nguyễn Xuân Hồng khuyến cáo người tiêu dùng: “Nên rửa sạch, gọt vỏ và nên mua ở các cửa hàng có nguồn gốc rõ ràng vì đó là những nơi các cơ quan nhà nước quản lý chặt được. Đồng thời, rửa và ngâm bằng nước muối và thuốc tím để giảm nguy cơ do ảnh hưởng của hóa chất. Đối với giá đỗ, tốt nhất không nên ăn sống”.

 

Mạnh Minh