10:08 08/10/2012

Tăng cường giám sát các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo phát hiện 1 ca mắc và 1 trường hợp khác tử vong do chủng mới của coronavirus, một chủng virút giống với chủng virút từng gây ra đại dịch SARS 2003, nhiều người dân lo lắng về nguy cơ sẽ bùng phát một đợt dịch bệnh nguy hiểm.

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo phát hiện 1 ca mắc và 1 trường hợp khác tử vong do chủng mới của coronavirus, một chủng virút giống với chủng virút từng gây ra đại dịch SARS 2003, nhiều người dân lo lắng về nguy cơ sẽ bùng phát một đợt dịch bệnh nguy hiểm. PGS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã trao đổi với phóng viên Báo Tin tức xung quanh vấn đề này.

 

´Chủng coronavirus mới được phát hiện có nguy hiểm như chủng virút gây đại dịch SARS năm 2003 không, thưa ông?


Coronavirus là một họ virút lớn, được chia làm 3 nhóm và nhiều chủng virút khác nhau theo phân loại sinh học. Mặc dù có nhiều chủng coronavirus nhưng cho đến nay người ta chỉ phát hiện được 5 chủng coronavirus gây bệnh ở người, trong đó 3 chủng gây bệnh cảm lạnh và 2 chủng gây bệnh hô hấp cấp tính nặng (bao gồm SARS coronavirus năm 2003 và coronavirus năm 2012).


 

Nhân viên sân bay quốc tế Nội Bài theo dõi thân nhiệt hành khách bằng máy đo tia hồng ngoại. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

 

Ở người, coronavirus chủ yếu xâm nhập vào tế bào biểu mô đường hô hấp và gây bệnh đường hô hấp. 30% số người bị cảm lạnh là do coronavirus. Triệu chứng cảm lạnh bao gồm chảy nước mũi, đau họng, ho, nhức đầu, sốt, ớn lạnh... Nhiều trường hợp nhiễm virút không có triệu chứng rõ ràng và có thể tự khỏi, khả năng miễn dịch sau khi mắc bệnh thường ngắn, do người bệnh có thể bị nhiễm virút lại.


Chỉ có hai chủng coronavirus được phát hiện năm 2003 (SARS coronavirus) và loại vi rút mới được phát hiện tháng 9/2012 là khác nhau hoàn toàn về mặt di truyền học, gây hội chứng nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng và có khả năng gây tử vong cao.


Dịch SARS năm 2003 gây dịch lớn trên thế giới với hơn 8.000 người mắc và 775 người chết, tỷ lệ tử vong khoảng gần 10%. Hai trường hợp bệnh nhân nhiễm chủng coronavirus mới trong năm nay bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng (sốt cao, ho, khó thở), kèm theo có suy thận. Hai trường hợp này không có liên quan về mặt dịch tễ học, một tử vong (phát hiện tháng 6/2012 ở Hà Lan) và một đã hồi phục (phát hiện tháng 9/2012 ở Anh).


Theo WHO, chưa có bằng chứng nào cho thấy loại virút này có thể lây truyền từ người sang người. Do đó, WHO không khuyến cáo sàng lọc phát hiện bệnh tại các cửa khẩu, không hạn chế đi lại và thương mại để phòng ngừa loại virút mới này.


´Sau dịch SARS diễn ra vào năm 2003, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có tiếp tục nghiên cứu về loại virút gây nên căn bệnh này không? Có phát hiện thêm trường hợp nào nhiễm SARS coronavirus không, thưa ông?


Kể từ sau năm 2003, với sự hỗ trợ của WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh Hoa Kỳ (CDC), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã triển khai Chương trình giám sát quốc gia về cúm mùa và viêm phổi nặng do virút. 12 virút khác nhau gây bệnh đường hô hấp bao gồm coronavirus đã được xét nghiệm, trên gần 6.000 mẫu bệnh phẩm. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy 10 virút đã được phát hiện ở bệnh nhân viêm phổi nặng là các virút cúm A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, B, A/H1N1/09 đại dịch, Parainfluenza, RSV, hMPV, Picorna. Không phát hiện trường hợp nào nhiễm coronavirus. Viện vẫn đang tiếp tục tăng cường hoạt động này.
´Người dân cần làm gì để phòng tránh nguy cơ mắc phải dịch bệnh này nói riêng và các bệnh đường hô hấp nói chung trong mùa đông tới, thưa ông?


Mặc dù chưa có bằng chứng bệnh lây truyền từ người sang người của chủng virút mới này nhưng chúng ta vẫn cần phải tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng ở các bệnh viện nhằm phát hiện được chủng virút mới này.


Để phòng chống các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính bao gồm: Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện mắc bệnh. Khi có dịch cúm nên tránh những nơi đông người, tránh đưa tay lên mũi và miệng, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sát trùng bằng cồn, làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, lau chùi thường xuyên bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường. Người dân cần nâng cao sức khỏe bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và tập luyện thể thao. Khi bị hội chứng nhiễm trùng hô hấp cấp tính nên đeo khẩu trang nhằm hạn chế lây truyền ra những người xung quanh. Khi có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở nên đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.


Xin cảm ơn ông!


Phương Liên (thực hiện)