12:07 19/12/2014

Tăng 16 bậc xếp hạng hạ tầng giao thông

Mức hữu dụng và chất lượng hạ tầng giao thông của Việt Nam vừa được diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng 16 bậc xếp hạng so với năm 2012. Điều này cho thấy những nỗ lực đầu tư, phát triển hạ tầng của nước ta.

Mức hữu dụng và chất lượng hạ tầng giao thông của Việt Nam vừa được diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng 16 bậc xếp hạng so với năm 2012. Điều này cho thấy những nỗ lực đầu tư, phát triển hạ tầng của nước ta.

Triền khai nhiều công trình trọng điểm

Theo bảng xếp hạng này, hạ tầng giao thông Việt Nam đang đứng thứ 74 (so với thứ 90 vào năm 2012) trong số 138 nước được xếp hạng toàn cầu về mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng. Bảng xếp hạng dựa trên hiệu quả của 4 phương thức giao thông: Đường bộ, hàng không, đường sắt và đường biển. Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc tăng xếp hạng không những cho thấy thế giới đã ghi nhận nỗ lực phát triển hạ tầng của Việt Nam, mà còn giúp tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hình ảnh cầu Nhật Tân cho thấy hạ tầng tốt sẽ giúp cải thiện hình ảnh và năng lực của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.


Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho biết: Với những kết quả về giải ngân và huy động vốn cho phát triển hạ tầng giao thông những năm gần đây, đặc biệt là việc giải ngân nguồn vốn ODA, đánh giá của WEF là có cơ sở. Muốn phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Điều này thể hiện rõ nhất trong hai năm 2013 - 2014, khi hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm được đầu tư, như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Dầu Giây, Cầu Nhật Tân, Cầu Vĩnh Thịnh, nhà ga T2 Nội Bài... và hàng loạt các dự án sẽ được khởi công tới đây. Chỉ cần nhìn thấy các công trình này phục vụ tốt nhu cầu của người dân và các địa phương là thấy những hiệu ứng tích cực từ việc tăng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Mặt khác, việc tập trung đầu tư phát triển đường cao tốc Bắc - Nam của ngành GTVT sẽ tạo điều kiện cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa, trở thành những khu vực có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng: Hạ tầng giao thông tại Việt Nam đã thay đổi vượt bậc. Số lượng công trình, cũng như tiến độ và chất lượng được nâng lên nhiều. Với các doanh nghiệp và người dân, những công trình giao thông được đầu tư, xây dựng và về đích sớm là điều rất đáng mừng, bởi khi đó việc kinh doanh, đi lại thuận tiện hơn.

Anh Trần Văn Long, một lái xe container chuyên nghiệp tại Hải Phòng chia sẻ: “Công việc của tôi chủ yếu là chở hàng từ cảng Hải Phòng đi cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai). Trước đây hành trình phải mất từ 7 - 9 giờ, hiện có tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nên thời gian lưu thông giảm một nửa. Bởi vậy, mỗi khi có một tuyến đường mới được hoàn thành đều khiến đội ngũ lái xe đường dài mừng vui, vì sẽ đỡ vất vả, lái xe an toàn hơn...”.

Thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Bộ GTVT cho biết, ngành đã huy động được khoảng 160.000 tỷ đồng ngoài ngân sách để triển khai 65 dự án. Riêng năm 2013, ngành GTVT đã huy động được 24 dự án, với tổng mức đầu tư gần 68.600 tỷ đồng. Năm 2014, con số này là hơn 42.500 tỷ đồng. Dự kiến năm 2015 sẽ ở mức khoảng 45.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến sẽ có tới 235.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, nhiều công trình trọng điểm được triển khai, hoàn thành đúng tiến độ, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế, đang tạo dấu ấn tốt cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Điều này có vai trò quan trọng trong việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng của ngành GTVT, nhất là đối với hệ thống ngân hàng.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh: Những nỗ lực trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam không chỉ được WEF đánh giá cao, mà thực tế thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản... trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi cũng có những đánh giá tích cực. Năm 2014, ngành GTVT dự kiến giải ngân được mức cao kỷ lục, khoảng 100.000 tỷ đồng.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bày tỏ: “Đây là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế Việt Nam bởi đánh giá trên không chỉ góp phần khẳng định sự cố gắng của Việt Nam, mà còn giúp cho các nước và các nhà đầu tư trên thế giới thêm tin tưởng. Với đánh giá này, Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn trong con mắt nhà đầu tư thế giới để từ đó tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài”.

Bài và ảnh: Tiến Hiếu