Bao năm làm dâu, bấy nhiêu thắt lòng thương cái Tết nhà ngoại

Năm nào cũng vậy, dù cùng quê chồng hay xa quê mình, cận Tết, người phụ nữ có chồng đều phải lo sắm quà Tết cho hai bên nội ngoại. Rồi sắm sinh những vật phẩm cần thiết để chuẩn bị cho những ngày lễ Tết ở nhà chồng.

Những mâm cỗ đủ đầy theo truyền thống; bàn thờ trang hoàng những hoa, quả, bánh kẹo; sân nhà tinh tươm từ trong nhà ra ngoài ngõ… Hoặc nếu không phải lo ngần ấy thứ kia thì nhất thiết “xách làn” theo mẹ chồng, người nhà chồng và cũng kinh qua những việc ấy.

Nếu có sơ sẩy trong những việc ấy, nặng thì người nhà chồng chì chiết, mát mẻ từ gia đình đến họ hàng hoặc nhẹ hơn sẽ nhận được những ánh mắt hằn học và trách cứ, lời ong tiếng ve sau lưng. Vì vậy, phụ nữ có chồng hãy làm cho “bằng chị bằng em”. Sau những mệt nhọc này, chính họ bắt đầu so đo về sự giàu sang, phú quý, về việc nhẹ hay việc nặng với những người phụ nữ khác. Cuối cùng, trong mớ bòng bong ấy, người con gái đi lấy chồng thành đàn bà quên đi một cụm từ “vui như Tết” từng có trong mình.

Phận đàn bà mười hai bến nước...

Đàn bà có chồng đón cái Tết cổ truyền trong cảnh thương nhớ những cái Tết sum vầy tình thân, bên những tin yêu. Họ nhớ đến những cành hoa ướt sương vừa lấy từ khu vườn đặt trong phòng khách. Họ nhớ những tiếng chúc tụng chân thành của hai mươi mấy, hay ba mươi mấy năm trong giao thừa của những người ruột thịt. Họ nhớ đến hương mùi già len lỏi trong ngõ mang lại sự thư thái về một nơi gọi là “nhà” trong hương Tết, một nẻo về họ đã sinh ra và lớn lên.


Như dân gian định nghĩa, thân gái mười hai bến nước, con gái vơi đầy được rơi vào gia đình có bố mẹ chồng, gia đình nhà chồng biết chia sẻ thì dường như trong căn nhà mới, họ bớt được phần nào sự thương nhớ mà an lòng sum vầy cùng cuộc sống mới. Bởi cha mẹ chồng là bề trên, là người sinh ra chồng. Và những hủ tục, những mong muốn trong lễ nghi đặt tất lên vai người phụ nữ dâu con ấy. Dù cô ta có thực hiện được bao nhiêu đi chăng nữa, vẫn chưa thỏa lòng!


100 người đàn bà có chồng, có tới 90 người than thở nỗi sợ hãi ngày Tết cổ truyền. Bởi họ chìm trong những lao lực bát cơm, mâm cỗ, lễ nghi trong những ánh mắt dò xét, hờn dỗi của những người tuổi đã xế bóng; của những người phụ nữ, đàn ông trong họ nhà chồng chỉ đến hỏi với mức dò la xem đi quanh năm rồi “nó có nhớ mình là ai”. Là đang cắm cúi dọn dẹp mà người đi qua ngõ không ngẩng đầu lên chào…


“Đàn bà hãy làm đẹp lòng bên chồng từ bàn thờ, mâm cỗ, đến chăm sóc cho bố mẹ chồng, họ hàng, hàng xóm nhà chồng. Như vậy, sẽ được khen là “dâu hiền, dâu đảm”, nếu kiếm tiền tốt nữa lại càng được tung ca trong những bữa cơm của họ hàng. Hoặc thay vì đổ lỗi cho tiền nhân, cho cái hủ tục, phụ nữ có chồng hãy cứ vui sống niềm vui của mình, mặc kệ những mong muốn của người đời kia đi mà sống. Như lời khuyên “nghe tai này cho ra tai kia” để mang lấy chữ “bình yên” trong nhà chồng. Hoặc làm một cái gì đó táo bạo hơn: Tết ở nhà ngoại? 


Cha mẹ sinh ra cô gái, dù có muốn con về nhà mình thì nếu ở gần, chiều mồng một hoặc mùng hai Tết mới thấy mặt con gái. Lấy chồng xa quê nhà thì mùng 3 hoặc mùng 4 mới về nhà mẹ đẻ. Con gái đi lấy chồng về đến nhà mẹ khi tiệc xuân đã tàn, mừng tủi trong những lời hỏi han: "Con ăn Tết ở nhà chồng có vui không". Nhưng dường như câu hỏi mang tính động viên, lấy lệ bởi ai cũng hiểu. Cha mẹ sinh ra con gái đều hiểu thứ luật bất thành văn này và những mong con làm trọn bổn phận làm dâu. Bởi con gái là “con nhà người ta”, “dâu con rể khách” mà. Nếu nhà chồng trách con gái là trách chính bố mẹ đẻ không biết dạy con.


Vậy để cái Tết là đoàn viên, là sum vầy, là niềm vui, tại sao không có cái Tết ở nhà ngoại. Tại sao người phụ nữ không được trong không khí của ấu thơ, tuổi thanh xuân trong Tết bên nhà cùng cha mẹ mình? Đó là sự bình đẳng trong công dưỡng dục, bình đẳng trong sự an vui của mỗi người dịp Tết đến, xuân về.


Có lẽ, đừng quá đặt nặng những lễ nghi khiến con người mệt mỏi, sinh ra oán thán. Hãy bỏ lại việc làm đẹp lòng người mà tự tạo ra truyền thống cho chính mình. Lúc đó, Tết nhà nội, hay nhà ngoại không còn là sự so bì nữa mà là do sự yên vui mà mình cũng như người mình sống cùng cùng muốn hướng tới. Có đủ cam đảm như vậy thì người phụ nữ không còn là người yếm thế, oán thán đằng sau những mâm cỗ trang hoàng, đủ đầy trong những ngày Tết đoàn viên.


Phương Hoài
Tưng bừng hoạt động văn hóa đón Tết Nguyên đán 2017
Tưng bừng hoạt động văn hóa đón Tết Nguyên đán 2017

Chiều 19/1, tại đình Kim Ngân, 42 - 44 Hàng Bạc (Hoàn Kiếm), Ban quản lý phố cổ Hà Nội tưng bừng tổ chức các hoạt động văn hóa đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN