07:00 27/07/2012

Tấm lòng của người nữ thương binh dân tộc Tà Riềng

Cả tuổi thanh xuân cống hiến cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, nay đã ở tuổi gần 70, bà Zơ râm Thị Nhoi - nữ chiến sĩ người dân tộc Tà Riềng năm xưa, thương binh hạng 2/4 vẫn tận tâm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Cả tuổi thanh xuân cống hiến cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, nay đã ở tuổi gần 70, bà Zơ râm Thị Nhoi - nữ chiến sĩ người dân tộc Tà Riềng năm xưa, thương binh hạng 2/4 (ở thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), vẫn tận tâm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, về trung tâm huyện học tập.

 

Những năm tháng không quên


Chúng tôi tìm đến nhà bà Zơ râm Thị Nhoi vào một chiều tháng 7. Trong căn nhà nhỏ ba gian, các giấy chứng nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều bằng khen được bà treo trang trọng ở chính giữa phòng khách. Nổi bật trong đó là bảng chứng nhận 30 năm tuổi Đảng vào năm 2005, như khắc ghi những đóng góp của người nữ chiến sĩ Tà Riềng một thời vào sinh ra tử này.


 

Bà Zơ râm Thị Nhoi giới thiệu ảnh những đồng đội một thời "vào sinh ra tử" với bà.

 

Nhưng những kí ức một thời khói lửa vẫn còn vẹn nguyên trong câu chuyện của bà. Năm 1962, cô gái Tà Riềng Zơ râm Thị Nhoi lúc đó vừa tròn 17 tuổi, tạm biệt xóm La La (nay là thôn Đắc Tờ Vâng, xã La Dê, Nam Giang) tham gia lực lượng thanh niên xung phong, làm dân công hỏa tuyến của hợp tác xã Đắc Tôi (Nam Giang, Quảng Nam). Thông thường, mỗi thanh niên chỉ cần phục vụ trong lực lượng thanh nhiên xung phong 6 tháng, nhưng bà lại quyết tâm xin đi bộ đội. “Gia đình tôi có 8 chị em, tôi là con thứ 2 nên chưa được 10 tuổi tôi đã phải thường xuyên đi làm rẫy cùng cha mẹ. Nếu tôi mà đi bộ đội, ở nhà sẽ mất đi một người lao động, nên bố mẹ lúc đầu không đồng ý cho đi, thậm chí còn nói là “đi bộ đội thì không được lấy chồng”. Nhưng cô gái Zơ râm Thị Nhoi đã quyết chí và thuyết phục bố mẹ bằng những câu chuyện kể về tội ác giặc Mỹ, bằng suy nghĩ của mình và bằng thực tế về tấm gương cao đẹp của những người Cộng sản.


Những ngày đầu tham gia kháng chiến, cũng như nhiều đồng bào thiểu số khác, cô gái Tà Riềng gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp. Bởi trong khu vực này, ngoài các cán bộ, chiến sĩ là người Kinh, còn có người Cơ Tu, Ve, Lào... cùng tham gia hoạt động kháng chiến. Với sự nhanh nhẹn, mưu trí, từ một chiến sĩ tình nguyện, năm 1968, bà được tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Chính trị viên phó tại Đại đội 13, Tiểu đoàn Bình Sơn, thuộc Cục Hậu cần Quân khu 5. Đây cũng là thời điểm chiến trường nơi này ác liệt nhất. “Hôm đó vẫn còn mờ sáng, anh em có người đang tập thể dục, có người đang ra suối rửa mặt, bắt cá… Bất chợt, cây cối bốc cháy dữ dội, có gì đó cứ ào ào như mưa xuống mặt đất.

 

Tiếng ai đó hô to ra lệnh: “B52, tất cả xuống hầm!", bà Zơ râm Nhoi kể. Ngay sau đó, Zơ râm Nhoi bị thương và mê man không biết gì nữa. Trận đó, hầm trú ẩn của bà có 4 người thì 2 người hy sinh, bà và một nữ y tá phải chuyển về điều trị tại Bệnh viện B46 (còn gọi là Bệnh viện Sông CKM đóng trên đất Lào). Khi tỉnh dậy, bà mới phát hiện mình đang trong bệnh viện, 4 răng hàm bị gãy nên nói không được, ăn cũng không được và chi chít các vết thương trên người. Theo các bác sĩ, trên ngực bà có 4 mảnh bom bi và 1 mảnh bom găm vào phổi, nhưng không thể phẫu thuật lấy ra được. Dù phải chịu đựng cả nỗi đau tinh thần và nỗi đau thể xác, nhưng bà vẫn quyết tâm điều trị để trở lại chiến trường hoạt động.

 

Sau 1 tháng nằm Bệnh viện Sông CKM, bà được chuyển ra Bệnh viện Kim Bảng (tỉnh Nam Hà cũ) để tiếp tục điều trị. Ngay khi hồi phục, bà tham gia đơn vị công binh làm đường tại khu vực xã Đức Bồng, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Đến tháng 3/1972, bà trở lại chiến trường Quảng Đà. Sau khi tỉnh Quảng Đà giải phóng năm 1975, bà về công tác tại Trường Văn hóa Hạ sĩ quan Tỉnh đội Quảng Nam, tại thành phố Hội An, phụ trách quản lý các chiến sĩ. Tháng 8/1977, bà được chuyển ngành về công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Giằng, nay là huyện Nam Giang và nghỉ hưu vào năm 1986.

 

Tiếp sức học trò vùng cao


Thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng với câu chuyện dựng lều trọ học của các em ở vùng cao xuống tìm con chữ. Ắt hẳn giấc mơ với con chữ của các em sẽ bội phần khó khăn nếu không có sự giúp đỡ của những tấm lòng thơm thảo - những chủ nhà nơi các em được ở trọ miễn phí. Và bà Nhoi là một trong những tấm lòng thơm thảo đó. Mặc dù sống một mình, nhưng ngôi nhà của bà có những 3 chiếc giường và vài chiếc chiếu để sẵn. Bà cũng không nhớ mình đã nuôi các em trọ học từ năm nào, chỉ biết là từ khi có trường cấp 2, cấp 3 của huyện, hàng năm ít nhất có từ 5-8 học sinh ở các bản làng xa xôi về huyện theo học bậc THPT ở trọ nhà bà.

 

Hầu hết, các em đều là học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, cha mẹ chỉ làm nương rẫy không có khả năng chu cấp cho các em ăn học. Thương các em ham học, bà tần tảo sớm hôm nương rẫy cùng với đồng lương hưu chắt bóp, cùng các em trải qua bữa cơm đơn sơ mỗi ngày. Có người bảo bà đi nuôi người dưng, sau này chúng trưởng thành có còn nhớ đến bà chăng? Bà cười trả lời: “Nhớ hay không là tấm lòng của các cháu, còn bây giờ các cháu cần được giúp đỡ để học tập. Tôi chỉ mong các cháu học tập đến nơi đến chốn, trưởng thành về giúp đỡ quê hương là tốt rồi”.


Ngày chúng tôi tới thăm bà cũng là ngày Zơ râm Lanh được nghỉ hè và về thăm bà. Lanh đang học ngành nông lâm thuộc trường Đại học Tây Nguyên và là con của một người họ hàng xa của bà Nhoi. Gia đình cô rất nghèo, nếu không có sự giúp đỡ của bà, có lẽ cô gái nhỏ này bây giờ đã tay bế tay bồng và lam lũ trên nương rẫy. Cô chia sẻ: “Nhà đông anh em, bố mẹ chỉ làm nương rẫy nên em không nghĩ là mình có thể tiếp tục được đi học. Hồi còn học phổ thông, cả học kì bố mẹ chỉ cho em được 100.000 đồng, không đủ tiền đi về thăm nhà mỗi khi nghỉ Tết hoặc nghỉ hè. Mọi ăn uống, sinh hoạt may có cô (Nhoi) giúp đỡ. Không chỉ có em, một số bạn cũng được cô hỗ trợ khi xuống thị trấn trọ học”.


Xa nhà nên những lúc các em đau ốm, một tay bà lại đôn đáo chạy chữa thuốc thang, cơm nước cho các em. Lứa trước chưa xong, lứa sau đã tới, giờ đây rất nhiều học sinh ngày trước trọ học ở nhà bà nay đã là bác sĩ, giáo viên… Hàng năm, họ vẫn về thăm bà hỏi han, lo lắng cho sức khỏe của bà. Đây chính là niềm động viên, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với bà - người nữ chiến sĩ năm xưa.


Bài và ảnh: Hứa Chung