11:17 10/11/2010

"Tấm áo mới" cho thành phố cổ Bâyrút

Điêu tàn sau 15 năm nội chiến, thủ đô Bâyrút của Libăng đang được xây dựng lại với mục tiêu biến nó thành một Dubai thứ hai. Nhưng sự thay hình đổi dạng thành phố như vậy liệu có làm mất đi nét văn hóa cổ của nơi này?

Điêu tàn sau 15 năm nội chiến, thủ đô Bâyrút của Libăng đang được xây dựng lại với mục tiêu biến nó thành một Dubai thứ hai. Nhưng sự thay hình đổi dạng thành phố như vậy liệu có làm mất đi nét văn hóa cổ của nơi này?

Những ngôi nhà cổ ở Bâyrút đang dần biến mất.

Hàng trăm người đã đổ xuống các con phố, mang theo những cây nến thể hiện sự phản đối việc phá hủy các tòa nhà có từ thời Ottoman và thời Pháp thuộc, từng tạo ra nét đặc sắc cho Bâyrút. Những người biểu tình mang theo khẩu hiệu "Lịch sử không phải để bán", hay "Bâyrút không phải là Dubai".
Nhưng sự phản đối này liệu có khiến các nhà quy hoạch bận tâm khi mà các loại cần cẩu và búa khoan đang trở thành một phần quang cảnh đô thị của Bâyrút, nơi các kiến trúc của Pháp và Ottoman từng một thời hiện diện trên từng con phố.

Các kiến trúc sư định khoác cho Bâyrút "tấm áo" phát triển như các trung tâm kinh tế khác trong khu vực. Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc mới đây cho biết Bâyrút sẽ có thêm 300.000 tòa nhà mới trong một thập kỷ tới, khiến thành phố vốn đông dân này sẽ càng thiếu không gian chung. Cuộc nội chiến kéo dài suốt 15 năm ở Libăng (1975-1990) đã tàn phá thành phố này và giờ đây nó đang được xây mới hoàn toàn thay vì phục dựng những tòa nhà theo kiến trúc cổ.

Sự "bùng nổ" các tòa nhà mới đang dần phá hủy không chỉ vẻ đẹp của "thủ đô Trung Đông" mà còn làm biến mất các truyền thống xã hội của nó. Khu vực buôn bán xưa ở giữa thủ đô, từng là trái tim của Bâyrút, nơi các nhóm tôn giáo và các tầng lớp xã hội sống bên nhau - một thiên đường hiếm thấy của lòng khoan dung trong một đất nước bị chia cắt bởi bất đồng tôn giáo - nay đang thay hình đổi dạng thành Beirut Souks, một trung tâm buôn bán cao cấp với những tên tuổi nổi tiếng như các hãng Cartier, Dolce & Gabbana và Saifi Village. Bên cạnh đó là một quận nghệ thuật và khu dân cư. Những thay đổi này là sáng kiến của Solidere, công ty liên doanh giữa Nhà nước và tư nhân do cựu Thủ tướng Rafic Hariri thành lập năm 1994 với nhiệm vụ tái thiết thành phố.

Một số người cho rằng Solidere đang phá hủy trung tâm thành phố để xóa đi những kỷ niệm buồn về cuộc xung đột và xây dựng thành phố Bâyrút theo giấc mơ của ông Hariri: Đó là một trung tâm kinh tế và văn hóa hiện đại mang phong cách các tòa nhà của thành phố cũ nhưng không có hồn. Trong khi đó, Solidere cho biết họ sẽ nỗ lực để đưa Bâyrút trở lại vũ đài thế giới và xây dựng lại khu buôn bán thành một địa danh vì hòa bình và tôn trọng lẫn nhau.

Người phụ trách phát triển đô thị của Solidere, ông Angus Gavin cho biết một phần dự án đã được hoàn thành, các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, dự án của Solidere khiến hầu hết người Libăng từng sống và làm việc tại đây phải trả giá. Khoảng 150.000 người từng sống tại trung tâm mua bán đã buộc phải dời đi khi nơi đây được dành cho những tòa nhà sang trọng để thu hút nhà đầu tư giàu có vùng Vịnh Arập và nước ngoài. Người dân than phiền: "Bâyrút không còn là của Libăng nữa". Ông Gavin cũng thừa nhận rằng "Solidere đã trở thành nạn nhân của chính sự thành công của mình".

Anh Assem Salam, một kiến trúc sư địa phương xuất chúng, người thành lập Hội Bảo vệ thiên nhiên và các tòa nhà cổ tại Libăng năm 1960, cho biết giờ đây thành phố đang bị chia cắt. Anh đang sở hữu một ngôi nhà xây từ thời Ottoman những năm 1840, tại quận Zuqaq al-Blatt ở Bâyrút, cách Solidere không xa. Hàng ngày, anh chứng kiến nhiều công trình lịch sử xung quanh nhà bị phá đi để nhường chỗ cho những tòa tháp mới, hiện đại. Anh buồn rầu nói: "Tôi đã giữ lại được nhà mình, nhưng để làm gì khi cả cộng đồng xung quanh không được bảo tồn, gìn giữ?". Salam cho rằng Thủ tướng Hariri lẽ ra phải thống nhất các nhóm tôn giáo với nhau bằng việc khuyến khích những người từng sống nơi đây trở lại sau khi phải sơ tán vì chiến tranh. Nhưng ông đã bêtông hóa sự chia rẽ bằng cách đặt lợi ích kinh tế lên trên sự thống nhất. Theo anh, chính việc các công trình lịch sử biến mất đã khiến người dân bỏ đi.

Thậm chí, nhiều người còn so sánh công cuộc tái thiết sau chiến tranh ở Bâyrút là "một cuộc chiến văn hóa" bởi nhiều tòa nhà đã có thể trụ vững qua chiến tranh nhưng không thể vượt qua được cuộc khủng hoảng này. Họ nói "linh hồn của Bâyrút đang chết!". Vấn đề là Bộ Văn hóa Libăng, cơ quan có thể bảo vệ các công trình lịch sử, đang thiếu nguồn tài chính trầm trọng. Vì công tác phục dựng rất tốn kém, nên đến cả những lâu đài trong danh sách bảo tồn cũng đang bị chính chủ nhân của nó giật đổ. Các quan chức cho biết hiện chỉ còn lại 400 trong tổng số 1.200 lâu đài cổ trên cả nước mà Bộ đã kiểm kê từ khoảng giữa những năm 1990. Tình trạng phá hủy này diễn ra mạnh ở các làng miền núi và ở Tripoli, thành phố lớn thứ hai của Libăng, nơi cũng đang diễn ra một "trận khẩu chiến" liên quan đến một nhà hát cổ.

Tuy nhiên, mọi chuyện đang bắt đầu đi theo chiều hướng tốt. Mọi quyết định phá hủy các tòa nhà cổ từ nay sẽ đều phải có chữ ký của Bộ trưởng Văn hóa Libăng, ông Salim Warde, mới được phép tiến hành. Các phương tiện truyền thông cũng sẽ giúp việc này. Thành viên của phong trào Bảo vệ Di sản Bâyrút có thể tìm và chia sẻ thông tin. Người dân cũng đã dùng Facebook để phát những hình ảnh của các tòa nhà cổ, biến đây thành một trung tâm thành phố ảo cho những giấc mơ về bảo tồn.

Bích Liên (tổng hợp)