09:10 23/09/2011

Tái tách làn: Kiên trì và không cầu toàn

Từ ngày 20/9, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện đợt thí điểm tách làn đường. Đây không phải là lần đầu. Trước đó, từ năm 2003 đến 2009 thành phố đã 3 lần thí điểm trên các tuyến phố Kim Mã – Liễu Giai, Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, Giải Phóng nhưng kết quả lộn xộn vẫn hoàn lộn xộn.

1. Từ ngày 20/9, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện đợt thí điểm tách làn đường. Đây không phải là lần đầu. Trước đó, từ năm 2003 đến 2009 thành phố đã 3 lần thí điểm trên các tuyến phố Kim Mã – Liễu Giai, Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, Giải Phóng nhưng kết quả lộn xộn vẫn hoàn lộn xộn. Vì vậy, không ít người hoài nghi về kết quả của đợt thí điểm lần này. Thậm chí có người cho rằng, Hà Nội không thể và không nên thực hiện tách làn xe.

2. Ai cũng dễ dàng nhận thấy, sự di chuyển hỗn độn trên đường giữa ô tô, xe máy và xe thô sơ đã tạo nên tình trạng giao thông hỗn loạn và là một trong những nguyên nhân gây ùn, tắc đường và tai nạn giao thông. Chẳng lẽ mươi, mười lăm, hai mươi…, thậm chí một trăm năm nữa, một Thủ đô văn minh, hiện đại lại vẫn diễn ra cảnh giao thông lộn xộn như thế?

Câu trả lời chắc chắn là không!

Điều đó có nghĩa, dù trước, dù sau, dù sớm, dù muộn, việc tách làn xe cũng vẫn phải thực hiện. Và như thế, thực hiện sớm chừng nào tốt chừng đó. Vấn đề ở đây là thành phố có đủ quyết tâm, sự kiên trì và phải tổ chức như thế nào mà thôi!

3. Không ai nói việc tách làn là dễ. Và để việc đi đúng làn đường khi tham gia giao thông trở thành ý thức của mỗi người dân lại càng không dễ đạt được trong ngày một ngày hai. Bằng chứng là đã ba lần thí điểm nhưng kết quả cũng chỉ là đánh bùn sang ao, đâu vẫn hoàn đó. Bằng chứng là trong đợt thí điểm lần này vẫn đặt ra hàng loạt tình huống mà lời giải không hề dễ. Đó là mật độ các đường giao cắt quá dày. Đó là khi đến ngã tư ô tô rẽ phải, xe máy rẽ trái hay trên đường một chiều ô tô ghé vào lề đường bên phải, xe máy ghé vào lề đường bên trái… vẫn tạo nên xung đột. Và nhất là, với tình trạng đi sai làn đường phổ biến như hiện nay, liệu có đủ lực lượng để xử lý vi phạm; và, vào giờ cao điểm chỉ cần giữ vài ba xe vi phạm để xử lý là đã có thể gây thêm tình trạng ùn tắc nghiêm trọng???

4. Không ai phủ nhận những khó khăn, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Vấn đề ở đây là phải dự kiến hết các tình huống để có sẵn phương án xử lý. Và, cần có các phương tiện hiện đại hỗ trợ, trong đó có việc sử dụng camera và xử phạt căn cứ vào băng ghi hình. Tất nhiên ở đây sẽ vấp phải khó khăn rất lớn bởi chi phí cao và các chủ xe thường thay đổi… Tuy nhiên, có thể thực hiện từng bước ở từng tuyến đường; và, không nhất thiết cứ phải xử lý được hết các vi phạm mới là đạt kết quả.

5. Cần nhận thức một điều, nếu lần thực hiện này lại thất bại thì khó khăn của những lần thực hiện sau sẽ càng tăng lên gấp bội! Do đó theo chúng tôi, cần đặt ra phương châm ở đây là phải KIÊN TRÌ và KHÔNG CẦU TOÀN. Có người cho biết, người Nhật phải mất 15 năm mới tạo được thói quen rửa tay bằng xà phòng cho người dân. Và tiền nhân đã dạy: Đường là do con người đi mãi mà thành!

T.D