10:00 06/10/2011

Tại sao Mỹ cần xem lại chiến lược căn cứ quân sự ở nước ngoài?

"Báo cáo Tình báo Hàng ngày" (Mỹ) ngày 4/10 cho rằng, trong lịch sử thế giới, các nước đế quốc thường mở rộng sức mạnh quân sự để vơ vét tài nguyên và các giá trị của nước khác.

"Báo cáo Tình báo Hàng ngày" (Mỹ) ngày 4/10 cho rằng, trong lịch sử thế giới, các nước đế quốc thường mở rộng sức mạnh quân sự để vơ vét tài nguyên và các giá trị của nước khác. Chẳng hạn, ở thời điểm đỉnh cao sức mạnh của mình năm 117 trước Công nguyên, đế chế La Mã đã duy trì 37 căn cứ quân sự ở nước ngoài; Vương quốc Anh có 36 căn cứ quân sự ở thời điểm đỉnh cao quyền lực năm 1898... và hiện nay, Mỹ duy trì 37 căn cứ quân sự lớn, tương đương các đế quốc khác trong lịch sử.

Lính Mỹ tại căn cứ quân sự trên đảo Okinawa của Nhật Bản.


Tuy nhiên, sức mạnh của Mỹ không chỉ dừng ở các căn cứ quân sự quan trọng đó mà còn phát triển ra bên ngoài và lớn hơn bất kỳ đế quốc nào khác trong lịch sử. Với toàn bộ ngân sách quân sự hơn 1.000 tỷ USD/năm, chi phí của Mỹ gấp đôi ngân sách quân sự của tất cả các nước khác cộng lại để nuôi dưỡng 1.200 căn cứ lớn và nhỏ ở nước ngoài, kiểm soát 95% các căn cứ quân sự của thế giới với chi phí 120 tỷ USD/năm (không kể Irắc và Ápganixtan). Quân đội Mỹ phát triển mạnh mẽ và tiêu tốn phần lớn số tiền đóng thuế của người dân Mỹ để cung cấp cho 2,5 triệu binh sĩ, 800.000 nhân viên dịch vụ dân sự và tư nhân; các đợt triển khai lực lượng ở 135 nước, 865 căn cứ ở nước ngoài (không kể 200 căn cứ ở Ápganixtan và Irắc cùng 200 căn cứ khác không được đưa vào danh sách), 4.400 cơ sở quân sự trên lãnh thổ Mỹ, 22 triệu mẫu đất của Bộ Quốc phòng và thuê thêm 10 triệu mẫu đất khác, 845.000 tòa nhà.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn căn cứ quân sự nước ngoài của Mỹ chủ yếu phù hợp với các chiến lược chiến tranh lạc hậu (735/865 căn cứ) mà chưa được chuyển giao và biến đổi cho phù hợp với các nhu cầu an ninh chiến lược tương lai.

Nếu chiến lược quân sự của quân đội là nhằm bảo vệ người dân Mỹ, thì các khoản chi tiêu cho căn cứ quân sự nước ngoài hoàn toàn không phù hợp nhiệm vụ của chiến lược. Nếu Mỹ tiếp tục chiến lược tăng cường nền ngoại giao "pháo hạm" để kiểm soát các loại hàng hóa của thế giới, chiến lược đó đã bị bao vây bởi chiến lược hợp tác hàng hóa toàn thế giới của Trung Quốc. Nếu chiến lược của Mỹ nhằm giành được các nguồn năng lượng quan trọng của thế giới, việc Mỹ phá giá đồng USD - đồng tiền dự trữ của thế giới - đang nhanh chóng phá hủy tất cả các biện pháp kiểm soát quân sự đối với các nguồn dầu lửa và khí đốt.

Mặc dù chiến lược căn cứ quân sự cố định của Mỹ đã vượt xa ưu thế của Nga, ngăn chặn ý đồ phát triển hạt nhân của Triều Tiên và Iran, nhưng hiện đang phải đối mặt với sự phát triển mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc. Do vậy, đã đến lúc Mỹ cần xem lại chiến lược căn cứ quân sự ở nước ngoài chứ không thể tiếp tục tiêu tốn nhiều tỷ USD cho các pháo đài quân sự đã lạc hậu mà chẳng để làm gì ngoài mục đích khoe khoang sức mạnh.

Hữu Trung (P/v TTXVN tại New York)