01:16 16/01/2015

Tại sao EU không còn sợ ‘gã khổng lồ khí đốt’ Nga?

Một mùa đông ấm áp và chính sách mạnh mẽ của Liên minh châu Âu (EU) đã làm “cùn” đi điều từng được coi là vũ khí đối ngoại hiệu quả nhất của Tổng thống Nga Putin: xuất khẩu khí đốt.

Một mùa đông ấm áp và chính sách mạnh mẽ của Liên minh châu Âu (EU) đã làm “cùn” đi điều từng được coi là vũ khí đối ngoại hiệu quả nhất của Tổng thống Nga Putin: xuất khẩu khí đốt.

Theo dự báo của hãng tin Bloomberg (Mỹ) dựa trên số liệu cung cấp của các nhà vận hành tuyến đường ống châu Âu, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga - đối tác cung cấp lớn nhất thế giới về mặt hàng này trong năm 2014 - có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua do nhu cầu tại châu Âu và Ukraine giảm sút.

Bloomberg dẫn số liệu của USB AG - công ty tài chính toàn cầu có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết tập đoàn độc quyền xuất khẩu khí đốt quốc doanh của Nga Gazprom đã cung cấp hơn 195 tỷ m3 khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) năm 2014, thấp hơn khoảng 10% so với năm  2013.                         
 
   

Nga đang mất dần thị phần khí đốt ở châu Âu.

         
Cũng theo số liệu của nhóm vận động hậu trường Eurogas có trụ ở Brussels, EU đã giảm 9% nhu cầu tiêu thụ khí đốt năm 2014 - năm sụt giảm thứ 4 liên tiếp. Các chuyên gia cho rằng nhu cầu EU mua khí đốt của Nga sẽ tiếp tục giảm do môi trường kinh tế không thuận lợi, cũng như việc cải thiện hiệu suất nhiên liệu ở một số nước.
             
Trong khi đó, theo nhà vận hành tuyến đường ống dẫn khí đốt quốc gia Ukraine, nước này đã giảm 44% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, xuống còn 14,5 tỷ m3 trong năm 2014. Đây là mức cung thấp nhất của Gazprom và các công ty con của họ kể từ năm 1999 cho thị trường Ukraine. Ông Andriy Kobolyev, Tổng giám đốc Tập đoàn Naftogaz của Ukraine, dự báo trong năm nay, Gazprom có thể sẽ mất tới 80% thị phần ở Ukraine.

Vậy tại sao Nga lại mất kiểm soát thị phần khí đốt của mình như vậy?

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu vẫn còn nhớ cú sốc năm 2006 và 2009, khi Nga cắt giảm nguồn khí đốt cho Ukraine liên quan đến giá cả và các khoản nợ, dẫn đến cuộc khủng hoảng hệ thống sưởi ấm và đóng cửa các nhà máy ở những nước như Slovakia và Hungary, và làm cho các nước Tây Âu như Đức phải "hớt hải" tìm nguồn cung thay thế. Châu Âu nhập 1/3 khí đốt từ Nga, một nửa trong số này được trung chuyển qua các đường ống qua Ukraine. Các chính trị gia cho rằng việc kiểm soát nguồn cung khí đốt cho các nước ở khu vực Đông Âu đã cung cấp cho điện Kremlin một đòn bẩy chính trị đáng kể.

Kể từ đó, EU đã thực hiện một số thay đổi lớn. Liên minh này đã thúc đẩy tự do thị trường khí đốt gây tranh cãi nhưng hiệu quả, được gọi là “Gói Năng lượng Thứ 3”. EU cũng đã xây dựng các hệ thống cung cấp bền vững hơn. Như vậy, nếu nguồn cung cấp từ phía đông bị gián đoạn, các nước bị ảnh hưởng có thể nhập khẩu khí đốt từ các nơi khác. Tính đến tháng 12/2014, Lithuania, nước từng phụ thuộc 100% vào lượng khí đốt của Nga, đã được nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Na Uy. Nhập khẩu khí đốt của Ukraine từ phía tây cũng đang tăng vọt. EU cũng đã môi giới một thỏa thuận về các khoản nợ và giá cả giữa Ukraine và Nga, giúp duy trì dòng khí cho Kiev ít nhất đến hết Quý I/2015. Bên cạnh đó, một mùa đông ấm áp có nghĩa là lượng tiêu thụ khí đốt của châu Âu là thấp và nguồn dự trữ sẽ cao cho cả năm. Ngay cả khi Nga tìm cách làm gián đoạn nguồn cung, hiệu quả sẽ là khiêm tốn.

Trong thực tế, Nga có những lo lắng khác. Giá dầu thấp gây căng thẳng cho ngân sách của điện Kremlin. Trong tháng 12/2014, ông Putin đột ngột hủy bỏ dự án đường ống Dòng chảy phương Nam trị giá 40 tỷ USD. Sau sự kiện này, EU có thể sẽ gây áp lực lên Croatia nhằm mở một đường ống nhập khẩu LNG và thiết bị đầu cuối trên bờ biển Adriatic. 

Mặt khác, EU vẫn chưa đưa ra “vũ khí” mạnh nhất chống lại Nga: một vụ "khiếu nại" khổng lồ dựa trên một cuộc điều tra kéo dài nhiều năm liên quan đến vấn đề “phân biệt đối xử” về giá cả và “lạm dụng thị trường” từ trước năm 2004. Điều đó có thể dẫn đến những thay đổi bắt buộc về mặt pháp lý trong mô hình kinh doanh của Gazprom và những khoản tiền phạt. Cuộc điều tra được thực hiện bởi ủy viên hội đồng cạnh tranh trước đây, ông Joaquín Almunia, nhưng bị hoãn lại vào năm ngoái vì lý do chính trị (trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine, EU lo sợ làm xấu thêm mối quan hệ với Nga).


Công Thuận (Theo Bloomberg/Economist)