06:21 06/06/2014

Tại sao các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc?

Chi phí nhân công lao động của Trung Quốc gia tăng và sự dịch chuyển sản xuất về Mexico giúp cho nền kinh tế Mỹ thu được nhiều lợi ích hơn so với ở Trung Quốc, bởi vì những người hàng xóm có xu hướng chia sẻ với nhau nhiều hơn trong quá trình sản xuất.

Chi phí nhân công lao động của Trung Quốc gia tăng, và sự dịch chuyển sản xuất về Mexico giúp cho nền kinh tế Mỹ thu được nhiều lợi ích hơn so với ở Trung Quốc, bởi vì những người hàng xóm có xu hướng chia sẻ với nhau nhiều hơn trong quá trình sản xuất.

Tìm kiếm cơ hội tại Mexico


Năm 2004 Jason Sauey, ông chủ công ty Flambeau (Mỹ) đã từng lao tới Trung Quốc để sản xuất những thứ như đồ chơi, bàn chải cọ toilet. Nhưng giờ đây, ông đang tìm kiếm những giải pháp thay thế ở Mỹ và Mexico. “Chúng tôi đang tìm kiếm một mô hình mới. Đó không đơn giản chỉ là chi phí, mà còn là tốc độ và chất lượng”, Jason Sauey cho biết.

Công ty Flambeau đã chọn sản xuất giày ở Mexico thay vì ở Trung Quốc.


Theo báo cáo của công ty Flambeau, chuyên kinh doanh các vật liệu gia dụng, đồ chơi, hộp nhựa, hàng công nghiệp của Mỹ, doanh thu tại các nhà máy của công ty này ở Mexico đã tăng 80% từ năm 2010, điều này đã thúc đẩy công ty tìm kiếm một địa điểm mới gần Mexico City để mở rộng sản xuất. Năm ngoái, một loạt các tập đoàn đã liên hệ với Flambeau, đưa ra lời mời dự thầu trong một dự án có giá trị lên tới 10 triệu USD để sản xuất những thứ như hộp đựng điện thoại và những bộ phận của ô tô.

Do giá nhân công ngày một tăng ở Trung Quốc, nên các nhà sản xuất Mỹ ở mọi quy mô đang thực tiện chính sách hướng Nam, về Mexico. Quá trình này được các nhà kinh tế miêu tả như là một sự bùng nổ chưa từng thấy kể từ khi ký kết Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ vào những năm 1990. Từ những thành phố biên giới như Tijuana tới những vùng đồng bằng trung tâm của Mexico, nhiều nhà máy đang dần lấp kín diện tích đất canh tác nông nghiệp, hầu như trên khắp đất nước Mexico, nhu cầu lao động đang tăng cao.

Thương mại giữa Mexico và Mỹ đã tăng khoảng 30% từ năm 2010, lên tới 507 tỷ USD mỗi năm và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mexico năm ngoái đạt mức kỷ lục 35 tỷ USD. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), trong những năm qua, sản xuất hàng hóa từ Mexico đã chiếm một phần lớn trong thị trường nhập khẩu của Mỹ, đạt khoảng 14%, trong khi từ Trung Quốc đã giảm rõ rệt.

Christopher Wilson, chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Mexico thuộc Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson ở Washington cho biết: “Do tiền công ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong vài năm trở lại đây, nó đã làm thay đổi toàn bộ tính toán của các công ty Mỹ. Mexico đã trở thành nơi cạnh tranh nhất trong việc sản xuất hàng hóa cho thị trường Bắc Mỹ và chắc chắn là Mexico cũng trở thành nơi có chi phí cạnh tranh tốt nhất trong việc sản xuất một số loại hàng hóa cho thị trường toàn cầu”.

Nhiều công ty Mỹ đang tiến hành mở rộng sản xuất ở Mexico, trong đó có các thương hiệu nổi tiếng như Caterpillar, Chrysler, Stanley Black & Decker và Callaway Golf, khiến cho nguồn đầu tư vào Mexico tăng lên hàng tỷ USD và có tác dụng thúc đẩy sự hợp tác về kinh tế mà cả Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto xem là rất cần thiết cho sự phát triển.

Do đó, một số công ty đã cắt giảm sản xuất cũng như quy mô tại Trung Quốc và chuyển tới Mexico để sản xuất một loạt các sản phẩm, như tai nghe (Plantronics); vòng hula hoop (Hoopnotica), cọ toilet (Casabella); vỉ nướng; các vật dụng ngoài trời (Meco Corporation); thiết bị y tế (DJO Global) và các loại tủ kéo công nghiệp (Viasystems Group)...

Tính không ổn định


Các nhà kinh tế cho rằng sự dịch chuyển sản xuất về Mexico giúp cho nền kinh tế Mỹ thu được nhiều lợi ích hơn so với ở Trung Quốc, bởi vì những người hàng xóm có xu hướng chia sẻ với nhau nhiều hơn trong quá trình sản xuất. Theo Viện nghiên cứu kinh tế National Bureau, một tổ chức nghiên cứu tư nhân, khoảng 40% hàng hóa nhập khẩu ở Mexico có nguồn gốc từ Mỹ, con số đó ở Trung Quốc chỉ là 4%.

Là hai nước láng giềng nên thời gian cơ động và vận chuyển hàng hóa giữa Mỹ và Mexico thuận tiện hơn so với ở Trung Quốc.


Với sự thành công của Flambeau, công ty KidCo có trụ sở chính tại Midwestern, cũng đã chuyển nhà máy sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Mexico hồi năm ngoái. Ken Kaiser, ông chủ của công ty này cho biết: “Sẽ thuận tiện hơn nhiều khi bay tới Mexico so với Trung Quốc. Để lấy được bảng báo giá cũng phải mất rất nhiều thời gian”.

Scott Stanley, Phó Chủ tịch của “North American Production Sharing”, một trong những công ty lớn giúp các công ty Mỹ thiết lập các điều kiện thuận lợi cho sản xuất ở Mexico nói: “Có rất nhiều ví dụ về những khách hàng ở Mexico, tới Trung Quốc và hiện nay muốn quay trở lại Mexico”.

Tuy nhiên, các chuyên gia, quan chức, nhà điều hành cho biết để thu hút các công ty hiện nay, Mỹ và Mexico cần trở thành những người láng giềng tốt, tập trung hơn vào chia sẻ lao động và vận chuyển sản phẩm.

Ông Wilon tại Viện nghiên cứu Mexico đã yêu cầu phải đặc biệt tập trung vào “toàn bộ lực lượng có tri thức ở cả hai quốc gia”. Ông cho biết thêm: “Ở mức độ cơ bản, điều đó có nghĩa là cần dạy nhiều tiếng Tây Ban Nha hơn ở Mỹ và nhiều tiếng Anh hơn ở Mexico”. Ngoài ra, cũng cần phải tiến hành một số thay đổi ngay lập tức bao gồm giảm thời gian chờ đợi tại biên giới hai nước, xây dựng nhiều con đường tốt hơn và tăng năng suất lao động ở Mexico, giảm giá điện... Nếu không có những điều kiện đó, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì không có gì bảo đảm là các nhà sản xuất Mexico và Mỹ sẽ bắt tay nhau trong dài hạn.

Ông Sauey lưu ý rằng, nền kinh tế toàn cầu hiện nay ngày càng tăng tính không ổn định với bất kỳ một sản phẩm nào: “Sự thăng, trầm của thị trường đến và đi nhanh chóng, nó như lao thẳng tới Mặt trăng khi thăng và rơi xuống vực sâu khi trầm”.


Vũ Thanh (New York Times)