08:09 03/08/2014

Tại sao Ấn Độ phủ quyết TFA của WTO?

Trước sự phủ quyết của Ấn Độ, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại TFA đã không được thông qua theo đúng thời hạn chót, việc dẫn đến những chỉ trích của Tổng giám đốc WTO, Mỹ và Liên minh châu Âu. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Ấn Độ nói không với TFA?

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã không đạt được đồng thuận để thông qua Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (Trade Facilitation Agreement -TFA) hay còn gọi là các diều luật thuế quan toàn cầu (global customs rules) theo đúng thời hạn chót vào ngày 31/7 vừa qua. Tổng giám đốc WTO và các thành viên lớn, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích Ấn Độ làm đổ vỡ tiến trình thương lượng của WTO về tự do hóa thương mại toàn cầu.

Nguyên nhân chính khiến Ấn Độ kiên quyết phản đối TFA là do một điều khoản trong hiệp định liên quan đến trợ cấp nông nghiệp. Lập trường cứng rắn về trợ cấp nông nghiệp đã được Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ lúc bấy giờ Anand Sharma khẳng định tại hội nghị cấp bộ trưởng WTO ở Bali (Indonesia) hồi tháng 12/2013.

Nông dân Ấn Độ trên đồng ruộng.


Lúc đó, ông Sharma tuyên bố các điều khoản hạn chế trợ giá nông nghiệp không thể chấp nhận dưới hình thức như hiện nay. Sau đó, WTO đã đưa ra một giải pháp tạm thời, với tên gọi “điều hoản hòa bình”, được áp dụng trong 4 năm, cho đến khi tìm được một giải pháp vĩnh viễn vào năm 2017, theo đó WTO sẽ không trừng phạt những nước trợ cấp nông nghiệp vượt trần quy định 10% tổng giá trị sản phẩm.

Trước sự thuyết phục của Mỹ và các nước khác nhằm cứu vãn TFA vào phút chót, ngày 30/7, Ấn Độ đưa ra một dự thảo đề nghị mới, trong đó gợi ý tiếp tục cho phép vượt trần trợ cấp nông nghiệp 10% theo quy định cho đến khi tìm được giải pháp cuối cùng vào ngày 31/12/2014. Dự dự thảo đề nghị mới của Ấn Độ được trình lên Tổng giám đốc WTO, song các quốc gia thành viên không đồng ý và nghị định thư về TFA không được phê chuẩn theo lịch trình vào đêm 31/7 tại Geneva.

Mục đích của Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) là nhằm đẩy nhanh tiến trình thông quan và vận chuyển hàng hóa giữa các nước bằng cách loại bỏ những ràng buộc quan liêu. Vấn đề khiến Ấn Độ không nhất trí với TFA là một điều khoản trong TFA quy định trợ cấp nông nghiệp không thể cao hơn 10% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Nếu mức trần quy định này bị vi phạm, thì các thành viên khác có thể kiện và áp đặt biện pháp trừng phạt thương mại với nước vi phạm.

Theo WTO, chính sách trợ cấp vượt trần như vậy sẽ làm “méo mó” thương mại, ảnh hưởng đến giá cả xuất khẩu và nhập khẩu, không tạo nên sự cạnh tranh công bằng. WTO lập luận rằng nếu các nước đang phát triển tiếp tục trợ cấp cho nông dân với mức giá cao hơn thị trường thì có thể làm hại nông dân nghèo tại những nơi khác trên thế giới. Theo WTO, nếu triển khai thực hiện TFA thì có thể tạo thêm 1.000 tỷ USD giá trị sản phẩm và 21 triệu việc làm trên toàn cầu.

Trong khi đó, Ấn Độ lo ngại việc chấp thuận TFA có thể làm tổn hại đến chính sách an ninh lương thực của mình. Luật an ninh lương thực của Ấn Độ quy định Chính phủ sẽ cung cấp lương thực cho hầu hết bộ phận dân nghèo với giá cực thấp.

Ngoài trợ giá cho người tiêu dùng thông qua cơ chế phân phối công, Chính phủ Ấn Độ còn trợ cấp cho người sản xuất ngũ cốc. Chính phủ mua ngũ cốc của nông dân với giá tối thiểu, song trợ cấp đầu vào cho họ như điện và phân bón. Vấn đề đầu tiên là nếu áp dụng mức trần trợ cấp nông nghiệp tối đa 10% theo quy định trong TFA thì Ấn Độ không thể đạt được mục tiêu của mình, hay nói cách khác không thể thực hiện luật an ninh lương thực đã ban hành.

Thứ hai, theo lập luận của Ấn Độ, mức trần 10% trợ cấp nông nghiệp của WTO được tính toán dựa trên mức giá thời kỳ năm 1986-1988, khi giá ngũ cốc thấp hơn nhiều so với hiện nay, do đó WTO cần phải tính đến việc nâng mức trần trợ cấp nông nghiệp trong TFA. Ấn Độ hiện muốn một giải pháp bền vững cho vấn đề tích trữ ngũ cốc công.

Tối 1/8, khi bị Mỹ chỉ trích làm đổ vỡ tiến trình đàm phán của WTO về tự do hóa thương mại, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng các nước đang phát triển phải hiểu những thách thức về nghèo khổ tại các nước đang phát triển và trách nhiệm của chính phủ các nước này phải giải quyết những thách thức đó. Các thành viên Nhóm 33 (G33), trong đó có Trung Quốc, ủng hộ lập trường của Ấn Độ về khả năng trợ cấp nông nghiệp và phân phối nông sản cho dân nghèo với giá thấp.

Thứ ba, cho dù thỏa mãn với mức trợ cấp nông nghiệp của WTO, Ấn Độ cũng phải mở cửa các kho dự trữ lương thực của mình cho quốc tế giám sát - điều mà cho đến nay New Delhi không chấp nhận. Ngoài ra, có vẻ không công bằng đối với các nước đang phát triển về vấn đề loại bỏ trợ cấp nông nghiệp, trong khi Mỹ vẫn cung cấp cho nông dân của họ hơn 20 tỷ USD mỗi năm. Trong khi WTO trói buộc các nước đang phát triển với các nghị định thư thì vấn đề trợ cấp của các nước phát triển lớn, như Mỹ, lại không đưa ra bàn thương lượng.       

Tuy nhiên, một ngày sau khi đưa ra lập trường không khoan nhượng khiến tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu của WTO rơi vào bế tắc, Ấn Độ đã khẳng định cam kết tiếp tục nỗ lực để xây dựng sự đồng thuận về những vấn đề tồn tại vào tháng 9 tới.

Báo “Indian Express” ngày 2/8 dẫn lời một quan chức cấp cao Ấn Độ nói rằng New Delhi sẵn sàng đưa ra lập trường rõ ràng về an ninh lương thực và cam kết đối với TFA khi WTO triệu tập hội nghị vào tháng 9 tới. Giới phân tích nhận định, với cam kết này, mặc dù đã “đóng cửa chính”, Ấn Độ vẫn “mở cửa sổ”, tạo nên những tia hy vọng mới cho TFA.


Minh Lý
(P/V TTXVN tại New Delhi)