06:03 18/06/2012

Tại người Italia cần Tây Ban Nha "đá thật"?

Nếu không có bàn thắng của Mandzukic, Italia - Ailen và Tây Ban Nha - Crôatia chỉ là hai trận đấu rất bình thường, khi kết quả của những trận đấu ấy đơn giản là đem đến điểm số và thứ hạng cho các đội.

Nếu không có bàn thắng của Mandzukic, Italia - Ailen và Tây Ban Nha - Crôatia chỉ là hai trận đấu rất bình thường, khi kết quả của những trận đấu ấy đơn giản là đem đến điểm số và thứ hạng cho các đội.

 

Nhưng con đường đến Poznan và Gdansk, nơi diễn ra những trận đấu ấy giờ bỗng trở nên gập ghềnh hơn rất nhiều, bởi lịch sử EURO một lần nữa không cho người ta được khoan khoái chứng kiến bóng đá một cách vui vẻ, thanh thản và hào hứng nhất có thể. Bởi mọi điều có thể xảy ra và phá hỏng bữa tiệc vui của tất cả: Người Italia nghi ngờ người Tây Ban Nha và Crôatia bắt tay nhau loại họ nếu như trận đấu ấy kết thúc với tỉ số 2 - 2, đúng bằng tỉ số vừa đủ mà Thụy Điển và Đan Mạch từng làm cách đây 8 năm, để gạt văng đội tuyển Italia tại EURO 2004. Các đối thủ của Italia đều thề sống thề chết là họ sẽ không đá để hòa, mà là để chiến thắng. Nhưng liệu có thể tin được họ? Hôm qua, báo chí Italia đưa ra 5 lý do để tin rằng, thảm họa 2004 không thể lặp lại.


Thứ nhất, hồi năm 2004, Thụy Điển và Đan Mạch cùng bắt tay nhau loại Italia, bởi lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển của hai nước Scandinavia ấy đang đứng trước cơ hội lịch sử vào vòng tứ kết cùng nhau. Trong khi ấy, người Tây Ban Nha có vẻ ngại người Crôatia. Xavi tuyên bố, Crôatia là một đội bóng mạnh, có tổ chức và cần phải loại họ. Trong khi đó, các cổ động viên theo chủ nghĩa dân tộc của Crôatia rất mong muốn đội tuyển của họ đánh bại được các nhà đương kim vô địch thế giới và vô địch châu Âu.


Lý do thứ hai gắn liền với HLV Del Bosque, người được coi là "cực kỳ khó mua chuộc". Đương nhiên, nhà cầm quân của đội tuyển Tây Ban Nha không phải là một vị thánh, nhưng là một người nổi tiếng có đạo đức. Ông rời Real Madrid vừa vô địch Tây Ban Nha năm 2003, sau khi bị chủ tịch Florentino Perez sa thải chỉ vì không bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Champions League. Ông cũng chính là người đã hàn gắn được mối quan hệ hết sức nóng bỏng và căng thẳng giữa khối Real Madrid và Barcelona trong lòng đội tuyển, trước khi Mourinho phá vỡ nó. Trước trận đấu với Crôatia diễn ra, ông tuyên bố, người Italia không có lí do gì để nghi ngờ năng lực của Tây Ban Nha. Ông nói: "Nên nhớ, chúng tôi là những nhà vô địch thế giới".


Thứ ba là lối chơi của Tây Ban Nha. Họ có một lối chơi điển hình, ghi ít bàn nhưng cũng không để lọt lưới quá nhiều. Ở World Cup 2010, họ đã thắng Ecuador 2 - 0 và Chilê 2 - 1 sau khi thua Thụy Sĩ 0 - 1 trong trận mở đầu, sau đó là serie 4 trận liên tiếp thắng 1 - 0 với Bồ Đào Nha, Paragoay, Đức và Hà Lan để cuối cùng đoạt chức vô địch thế giới. Một tỉ số 2 - 2 vừa đủ để loại Tây Ban Nha ra khỏi EURO 2012 xem ra hơi kì quặc. Chính Xavi đã tuyên bố: "Chúng tôi không quen đá hòa 2 - 2".


Thứ tư là nếu Tây Ban Nha chủ trương đá hòa với tỉ số đó để rồi cuối cùng loại Italia khỏi cuộc chơi, hình ảnh của họ sẽ bị hoen ố. Đội Tây Ban Nha, dù thực dụng đến mấy, vẫn có xu hướng thích đá đẹp, các CLB lớn nhất của họ là Barcelona và Real Madrid cũng hướng đến bóng đá tấn công. Một trận hòa 2 - 2 sẽ phá hủy hình ảnh đẹp mà nền bóng đá Tây Ban Nha đã gây dựng lên trong những năm qua.


Thứ năm và là cuối cùng, mối quan hệ giữa các cầu thủ Italia và Tây Ban Nha với nhau là rất tốt. Ngoại trừ Rakitic và Negredo là đồng đội của nhau tại Sevilla, các cầu thủ Barcelona, bắt đầu từ Xavi, luôn có tình cảm tốt với Albertini, hiện là Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Italia và từng chơi cho Barcelona khi còn là cầu thủ. Trong khi đó, Chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid cũng quen biết với nhiều quan chức của Italia. Thêm một chi tiết khác: Nhiều cầu thủ của Tây Ban Nha có thói quen đưa ra các dự đoán trước các trận đấu của họ. Butsquets, Negredo, Febregas và Silva cùng dự đoán Tây Ban Nha sẽ thắng trận này 2 - 0.


Tóm lại, 5 lý do đó đã đủ để đưa ra kết luận là Italia có thể yên tâm được chưa, trong một trận đấu mà họ không thể quyết định được số phận của mình nữa, kể cả có thắng Ailen với tỉ số đậm? Kinh nghiệm quá khứ dạy người Italia rằng, đừng tin bất cứ ai mà hãy tin vào chính mình trước đã. Cần phải ghi bàn, thật nhiều, vào lưới Ailen rồi ngẩng cao đầu và mong đợi điều tồi tệ đúng như họ sợ hãi sẽ không xảy ra trong trận đấu giữa Tây Ban Nha và Crôatia. Vậy thôi!


Anh Ngọc (từ Kharkov)