07:16 06/07/2012

Tai nạn máy bay Air France phơi bày 'lỗ hổng' huấn luyện

Việc báo cáo điều tra cuối cùng kết luận, sai sót của phi công là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn của chiếc máy bay A330 làm 228 người thiệt mạng năm 2009, đã dấy lên những lo ngại rằng liệu các phi công có được đào tạo bài bản để ứng phó với những tình huống tương tự hay không.

Sai sót của phi công, trục trặc của hệ thống cảm biến và tầm nhìn bị hạn chế là những nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn của chiếc máy bay A330, làm 228 người thiệt mạng trên vùng biển nam Đại Tây Dương vào năm 2009 – thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử hãng hàng không Air France.

 

Một mảnh vỡ của chiếc Airbus xấu số được trục vớt để phục vụ việc điều tra nguyên nhân tai nạn. Ảnh Internet.


 

Kết quả phân tích dữ liệu lưu trong hộp đen của Cơ quan An toàn hàng không Pháp (BEA) đã cho thấy những phút cuối cùng của chuyến bay AF 447 vào ngày 1/6/2009. Các phi công không xác định được máy bay bị mất độ cao dù chuông cảnh báo có vang lên trong một phút. Họ vô cùng bối rối và không có những biện pháp xử lý thích hợp để duy trì tốc độ và sự cân bằng của máy bay. Khi thiết bị cảm biến đo độ cao bị hỏng do bị đóng băng, phi công không thể tự xác định độ cao để ổn định đường bay.


Khi xảy ra trục trặc, cơ trưởng đã đi nghỉ và các phi công phụ chịu trách nhiệm điều khiển máy bay. Cơ trưởng đã quay trở lại buồng điều khiển nhưng không thể cứu vãn được thảm kịch. Một trong những sai sót của phi công phụ là để máy bay hướng mũi lên trên thay vì hướng xuống dưới khi động cơ chết máy.


Các phi công cũng dường như không biết rằng máy bay đã lâm vào tình trạng mất thăng bằng. Ngoài ra, họ đã không thông báo cho hành khách tình huống nguy hiểm để chuẩn bị tâm lý. Kết quả là chiếc Airbus đã lao từ độ cao 38.000 feet (11.580 m) xuống lòng đại dương với tốc độ 200 km/giờ.


Tại một cuộc họp báo ở Paris hôm 5/7, chủ tịch BEA, ông Jean-Paul Troadec, cho rằng, các phi công của Air France đã không hiểu được bản chất của vấn đề. Mặc dù hệ thống lái tự động giúp cải thiện an toàn cho chuyến bay, nhưng theo ông, các phi công phải hoàn toàn kiểm soát và làm chủ tình hình trong trường hợp hệ thống này bị ngắt điện. Vụ việc làm dấy lên quan ngại rằng liệu phi công có được đào tạo bài bản để có thể ứng phó với những tình huống tương tự hay không?


Bản báo cáo cuối cùng của BEA về vụ tai nạn với chiếc máy bay A330 từ Rio de Janeiro – Paris không chỉ dừng lại ở nguyên nhân tai nạn mà còn đưa ra 25 đề xuất nhằm ngăn ngừa lặp lại một thảm kịch tương tự, trong đó có: cải thiện hoạt động huấn luyện phi công, hướng dẫn viên và kiểm soát viên; một thiết kế khoang lái tốt hơn.


Ngay khi có kết luận từ phía BEA, đại diện hãng Air France lên tiếng bảo vệ các phi công của mình khi cho rằng, họ đã phải phản ứng với những thông tin trái ngược và rối loạn, bao gồm nhiều tiếng chuông và lời cảnh báo, những rung động và tiếng ồn khí động lực. "Trong tình huống đó không thể buộc tội phi công. Phi hành đoàn đã làm nhiệm vụ với tính chuyên nghiệp cao. Việc chuông báo động mất độ cao được kích hoạt và vô hiệu hóa nhiều lần trái ngược với thực trạng chiếc máy bay. Điều đó gây khó khăn cho phi hành đoàn trong việc phân tích tình hình” - đại diện hãng phát biểu.


Tuy vậy, các thẩm phán Pháp hiện vẫn đang điều tra Air France và Airbus về các tội được coi là ngộ sát trong vụ tai nạn trên. Họ dự kiến ​​sẽ đưa ra một báo cáo vào ngày 10/7 tới.



T.H