03:22 03/03/2015

Tai nạn lao động năm 2014 tăng cả về số vụ và số người chết

Năm 2014 số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) là 6.709 vụ, tăng 14 vụ so với năm 2013; làm 6.941 người bị nạn, tăng 56 người, trong đó số người chết tăng 3 người, số vụ có người chết tăng 30 vụ.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), năm 2014 số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) là 6.709 vụ, tăng 14 vụ so với năm 2013; làm 6.941 người bị nạn, tăng 56 người, trong đó số người chết tăng 3 người, số vụ có người chết tăng 30 vụ. Đặc biệt, số người bị thương nặng tăng 2% và số vụ có từ 2 nạn nhân trở lên tăng 46%. TPHCM là nơi có số vụ TNLĐ tăng 42% so với năm 2013, tiếp đến là Quảng Ninh, Hà Nội…


Ban chỉ đạo tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN Trung ương giới thiệu về tuần lễ quốc gia an toàn lao động về phòng chống cháy nổ 2015


“Đây mới là con số thống kê do đơn vị báo về, khảo sát thực tế tại địa phương, tỷ lệ tai nạn lao động có số người chết và thương gấp 3-4 lần con số báo cáo”, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục ATVSLĐ (Bộ LĐTBXH) cho biết. Thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2014 (chi phí tiền thuốc, mai tang, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương…) là 90,78 tỉ đồng, thiệt hại về tài sản là 7,76 tỉ đồng. Các lĩnh vực, nghề xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là khai thác khoáng sản, xây dựng, kinh doanh điện, cơ khí và chế tạo. trong đó vẫn giống như năm 2013, yếu tố ngã từ trên cao vẫn là lĩnh vực chiếm tỉ lệ cao nhất: chiếm 30,7% tổng số vụ và 30,8% tổng số người chết.


Nguyên nhân để xảy ra tai nạn lao động chết người chủ yếu vẫn là do người sử dụng lao động chiếm 72,7% vì không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị lao động không đảm bảo, không huấn luyện ATLĐ cho người lao động…; nguyên nhân do người lao động chiếm 13,4% do không thực hiện đúng quy trình lao động, không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động…; còn lại là do các nguyên nhân khác. Ông Hà Tất Thắng cũng cho rằng, các tỉ lệ TNLĐ tăng cần nhìn ở hai góc độ: một là kinh tế phát triển gắn với mở rộng sản xuất và công nghệ mới gia tăng nên số vụ TNLĐ tăng, việc báo cáo của các doanh nghiệp cũng đầy đủ hơn và cũng là động lực để kéo tỉ lệ TNLĐ xuống thấp hơn.


Tại cuộc họp báo ngày 3/3, theo Bộ LĐTBXH, “Tuần lễ quốc gia AT-VSLĐ và phòng chống cháy nổ 2015 với chủ đề: Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động tăng cường các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ” để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội, nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động và toàn xã hội cùng nhau chung sức, cùng suy nghĩ và hành động để thực hiện tốt công tác AT-VSLĐ và phòng chống cháy nổ. Lễ phát động và các hoạt động Tuần lễ quốc gia AT-VSLĐ và phòng chống cháy nổ 2015 sẽ được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và các hoạt động hưởng ứng trên quy mô toàn quốc từ này 15 – 21.3. Năm 2015 được xác định là năm đột phá về tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể với các ngành nghề dễ xảy ra TNLĐ với tính chất lặp đi lặp lại như cháy nổ trong hàn xì, sử dụng điện, do ngạt khí, ngã từ trên cao…


XC