09:08 15/09/2012

Tai họa được báo trước

Hàng loạt vụ cháy liên tiếp xảy ra tại khu vực phố cổ, phố cũ của Hà Nội thời gian gần đây đang gióng lên hồi chuông báo động tới các cơ quan chức năng và người dân về ý thức phòng chống hỏa hoạn.

Hàng loạt vụ cháy liên tiếp xảy ra tại khu vực phố cổ, phố cũ của Hà Nội thời gian gần đây đang gióng lên hồi chuông báo động tới các cơ quan chức năng và người dân về ý thức phòng chống hỏa hoạn.

 

Nguy cơ cháy nổ cao


Chỉ ít ngày sau vụ cháy kinh hoàng tại khu nhà tập thể gỗ C8 nằm giữa phố Hồng Hà và phố Vọng Hà trên đường Hàm Tử Quan, quận Hoàn Kiếm (ngày 26/8/2012), thiêu rụi toàn bộ mấy chục căn hộ, thì ngày 10/9 lại xảy ra vụ cháy Salon tóc Ngọc Trang trên phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm)… Điều đáng lưu ý là khi các vụ cháy xảy ra, hàng chục xe cứu hỏa mặc dù đã tìm mọi cách để triển khai công tác chữa cháy nhưng không thể tiếp cận được với địa điểm cháy. Nguyên nhân là các ngôi nhà xảy ra cháy nằm trong khu phố cổ, phố cũ của Hà Nội. Tại đây, lòng đường vốn đã nhỏ hẹp lại bị xâm lấn bởi hàng quán, chợ búa, bởi người và các loại phương tiện đông đúc nên khi xảy ra hỏa hoạn thì xe chữa cháy rất khó tiếp cận hiện trường.


 

Lực lượng PCCC chữa cháy khu nhà gỗ phố Vọng Hà.

 

Một bất cập cố hữu trong công tác phòng cháy chữa cháy trong khu vực phố cổ, phố cũ hiện nay mà ai cũng có thể nhận thấy là tình trạng thiếu các trụ nước cứu hỏa theo quy định. Khi có cháy, xe cứu hỏa thậm chí phải đi xa tới 2 km mới lấy được nước. Thêm vào đó, khi các đám cháy xảy ra, người dân thường hoảng loạn, tháo chạy, tìm mọi cách sơ tán đồ đạc, cộng với không ít người dân hiếu kỳ, khiến giao thông càng trở nên ách tắc, còn lực lượng cứu hỏa thì khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường.


Theo Luật Phòng cháy chữa cháy, cứ 150 m chiều dài đường giao thông chính phải có 1 trụ cấp nước chữa cháy. Hà Nội hiện có chiều dài đường gần 1.000 km, cần khoảng 6.600 trụ cấp nước, tuy nhiên đến nay mới có gần 1.000 trụ (đạt hơn 14%). Thực tế, nhiều khu vực tuy có lắp trụ nước, nhưng hoạt động không ổn định, thậm chí không có nước… Mặt khác, diện tích chữa cháy của một đơn vị chữa cháy quy chuẩn từ 28,26 - 78,5 km2, bán kính phục vụ từ 3 - 5 km, nhưng con số tương ứng của thủ đô hiện là 372 km2 và 70 km.


Trong khi đó, lượng xe chữa cháy ít về số lượng và còn nhiều bất cập về chất lượng. Trong số 90 xe chữa cháy, xe chuyên dùng, chỉ có 52 xe chữa cháy có thang (chỉ có 1 xe có thang cao 52 m, tương đương tầng 17 nhà cao tầng), 4 xe cứu hộ, 8 xe chở nước. Còn theo Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội, thành phố hiện có gần 1.300 đường, ngõ sâu trên 200 m, phương tiện chữa cháy cơ giới không vào được. Đặc biệt, một số tuyến đường, ngõ vào khu tập thể, khu đông dân cư, phố cổ… bị người dân đặt chướng ngại vật ngăn xe tải vào nhằm giữ đường, do đó xe cứu hỏa có muốn vào cũng khó. Vì vậy, khi có đám cháy thì xe cứu hỏa chỉ còn cách nối vòi nước từ xa, dùng máy bơm đẩy nước… để chữa cháy.


 

Các phố cổ của Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.

Một khó khăn nữa trong công tác phòng cháy chữa cháy nói chung của Hà Nội hiện nay là người dân thiếu kiến thức phòng cháy chữa cháy. Qua một số vụ cháy tại các khu tập thể, khu đông dân cư, nhất là khu phố cổ, phố cũ của các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình… cho thấy, người dân vô tư sử dụng các thiết bị bình ga, bếp ga, trong khi đó lại không chú trọng trang bị phương tiện chữa cháy tại gia đình. Lo ngại nhất hiện nay về hỏa hoạn tại các khu vực này là hệ thống trang thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ quá hạn chế, trong khi nguy cơ cháy nổ cao luôn thường trực. Nếu xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản mà không kịp ứng phó.


Một số khu vực như các phố Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo; các phố cổ Hàng Chiếu, Hàng Ngang, Hàng Đào… là nơi tập trung nhiều cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư và các hộ kinh doanh, nhưng lại chưa có nguồn nước chữa cháy. Các hồ nước có trong khu vực này đều không làm đường cho xe chữa cháy vào hút nước, không có biển báo hố thu nước chữa cháy hoặc miệng hố bị lấp do quá trình kè hồ, làm đường, vỉa hè… Do những bất cập kể trên, khi xảy ra hỏa hoạn thường gây hậu quả lớn. Đó chính là tai họa được báo trước.

 

Chủ động phòng tránh


Theo Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội, bình quân mỗi năm thành phố xảy ra khoảng 250 vụ cháy nổ, trong đó số vụ cháy trong các quận nội thành chiếm tới 80% và có trên 65% nguyên nhân các vụ cháy do ý thức của con người. Mặc dù thời gian qua, ngành chức năng của thành phố đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế hỏa hoạn nhưng tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp. Để giảm thiểu số vụ cháy trong bối cảnh công tác và năng lực phòng cháy chữa cháy chuyên ngành của thủ đô chưa thể một sớm một chiều được kiện toàn, hơn ai hết, mỗi gia đình và cộng đồng cần chủ động phòng tránh nguy cơ hỏa hoạn bằng chính ý thức cẩn trọng và nghiêm túc theo các quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy.


Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội cũng đang tập trung phối hợp với các quận, huyện, thị xã, bố trí lắp đặt bổ sung hệ thống trụ cấp nước chữa cháy tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.


Ngoài ra, để giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy, thời gian tới, Sở sẽ tập trung tuyên truyền, chú trọng vào các biện pháp phòng ngừa, chữa cháy tại chỗ; đầu tư xe chữa cháy loại nhỏ để di chuyển vào các ngõ sâu; khắc phục các hạn chế về nguồn nước, hạ tầng giao thông; tập trung kiểm tra các cửa hàng xăng dầu nằm gần khu dân cư, các điểm sang chiết ga trái phép và các tụ điểm vui chơi giải trí.


Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy chưa đi vào nền nếp; quy hoạch, phát triển đô thị cần tính đến các điều kiện về phòng cháy chữa cháy. Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội đang đề xuất với thành phố dành nguồn kinh phí đầu tư mua sắm các phương tiện, thiết bị phù hợp đáp ứng công tác chữa cháy trong mọi địa hình.